Tìm hiểu về DHA đối với sự phát triển của trẻ em

DHA là gì?

DHA có tên gọi đầy đủ là Docosa Hexaenoic acid-một acid béo thuộc nhóm omega-3. Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra DHA là một dưỡng chất vô cùng thiết yếu đối với cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em. Là một trong những acid béo omega-3, DHA có vai trò quan trọng với sức khỏe. Khi các nhà khoa học dán nhãn “thiết yếu” thì có nghĩa là chúng còn trên cả mức độ “rất quan trọng”. Mặc dù một số người vẫn còn lầm tưởng DHA là một dưỡng chất chỉ có thể thu được từ thuốc, thực phẩm chức năng hoặc sữa có bổ sung DHA, nhưng trên thực tế, DHA là một loại acid béo, rất dễ tìm trong thực phẩm thông thường hàng ngày.

 

Vai trò của DHA với trẻ nhỏ

60% não bộ được cấu tạo bởi acid béo, và DHA là một trong các dạng phổ biến nhất của các phospholipid quan trọng đối với não bộ. Trong giai đoạn vàng 1000 ngày đầu đời, não bộ của trẻ rất linh hoạt, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển về khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và các kỹ năng xã hội. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Khoảng một nửa năng lượng trẻ nạp vào từ thực phẩm được sử dụng để nuôi dưỡng não bộ, do đó, nếu không đảm bảo đầy đủ và cân bằng các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là các acid béo/DHA, trẻ sẽ lỡ mất giai đoạn vàng triển tốt nhất, toàn diện nhất cả về thể lực lẫn trí lực.

DHA ảnh hưởng đến hoạt động của não theo nhiều cách, chẳng hạn như gửi các tin nhắn trong não, liên kết não với các bộ phận khác để có thể sử dụng năm giác quan cảm nhận thế giới bên ngoài. Nếu như được cung cấp đủ dinh dưỡng cũng như được kích thích các giác quan một cách phù hợp, não bộ của trẻ sẽ phát triển với tốc độ cực đại. Chúng ta lần lượt có thể nhận thấy sự thay đổi này theo thời gian từ việc trẻ bắt đầu biết cười, giao tiếp bằng ánh mắt cho đến những phản ứng phức tạp hơn như giao tiếp bằng tiếng nói và giao tiếp qua cử động chân tay.

Trong giai đoạn này, DHA đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thị lực của bé, vì nó hoạt động như một thành phần cấu trúc của võng mạc. DHA giúp kích hoạt Rhodopsin, một loại protein màng nằm trong tế bào que của mắt. Rhodopsin giúp não nhận được hình ảnh bằng cách thay đổi tính thấm, tính lưu động và độ dày của màng mắt từ đó chuyển các tin nhắn có chứa hình ảnh đến não để phân tích. Các tế bào thần kinh thị giác bắt đầu gửi tin nhắn qua lại nhanh chóng ở 2-4 tháng tuổi, và trẻ bắt đầu biết chú ý cũng như phản ứng lại với cuộc sống xung quanh... Thiếu DHA có thể làm ảnh hưởng đến quá trình này, từ đó cản trở sự phát triển thị lực và thậm chí có thể có ảnh hưởng không tốt đến thị lực của trẻ.

 

Bổ sung DHA cho trẻ như thế nào để hiệu quả?

DHA rất dồi dào trong các loại hải sản như cá biển sâu, động vật có vỏ, dầu cá và một số loại tảo biển. Một số loại cá được xem là một nguồn cung cấp tuyệt vời (tới vài gram mỗi khẩu phần) DHA, bao gồm cá hồi, cá thu cá trích, cá mòi và trứng cá muối. Ngoài ra, DHA cũng có thể tìm thấy một lượng nhỏ trong thịt và sữa của động vật ăn cỏ hoặc có trong trứng. Tuy DHA được tìm thấy trong một số thực phẩm, nhưng hầu như chế độ ăn uống vẫn chưa thể đáp ứng được nếu bạn không thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu DHA, hoặc sử dụng sản phẩm bổ sung DHA, đặc biệt là với trẻ từ 06 tháng tuổi trở lên, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ.

Khuyến nghị DHA hằng ngày*

Phụ nữ mang thai và cho con bú

200 mg DHA mỗi ngày   

Trẻ em, 0-6 tháng

0.1 – 0.18% tổng lượng năng lượng nạp vào hàng ngày

Trẻ em, 6-24 tháng

DHA: 10-12 mg/kg/ngày

Trẻ em, 2-4 tuổi

EPA + DHA: 100-150 mg mỗi ngày

Trẻ em, 4-6 tuổi

EPA + DHA: 150-200 mg mỗi ngày

Trẻ em, 6-10 tuổi

EPA + DHA: 200-250 mg mỗi ngày

*Khuyến nghị của FAO

Lượng bổ sung DHA thông thường ở trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ trung binh khoảng 100 mg mỗi ngày.

 

Những cách bổ sung DHA tốt nhất cho trẻ

Uống 200 miligam (mg) DHA mỗi ngày nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.

Cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Mẹ thường xuyên ăn thực phẩm giàu DHA.

Sử dụng thực phẩm dồi dào DHA khi bé bắt đầu ăn dặm như dầu ăn dinh dưỡng đặc chế dành riêng cho trẻ có chứa thành phần từ dầu cá hồi, dầu hạt lanh, dầu olive...; sữa tươi, sữa bột,...

Sử dụng hải sản mỗi tuần sau khi trẻ bắt đầu ăn dặm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top