Vì sao bạn lại thèm ăn muối?

Nội dung

Nhiều người cho rằng, khi một người bỗng thèm những loại đồ ăn chứa nhiều muối có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một chất nào đó. Nhưng điều đó thường không đúng. Phần lớn những cơn thèm ăn đều là thèm những loại đồ ăn gần như không có dưỡng chất.

Thèm đồ ăn mặn, hay thèm muối, thường là hệ quả của việc buồn chán hoặc căng thẳng. Đôi khi, thèm muối cũng có thể liên quan đến những tình trạng bệnh lý hoặc khi cơ thể thiếu hụt natri.

Bài viết này sẽ đề cập đến tám lý do dẫn đến những cơn thèm muối.

  1. Căng thẳng

Khi mức độ căng thẳng càng tăng cao, người ta thường thèm những loại đồ ăn họ thích để tạo cảm giác được xoa dịu. Những loại đồ ăn đó thường bao gồm đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đường hoặc muối (natri).

Những loại đồ ăn này có thể làm suy giảm sức khỏe nói chung. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên hệ mật thiết giữa mức độ căng thẳng, loại đồ ăn thèm và chỉ số cơ thể (BMI) cao.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra mối liên quan giữa mức độ căng thằng và lượng hormone ghrelin trong cơ thể. Ghrelin là loại hormone làm tăng cảm giác thèm ăn, vì vậy ăn khi căng thẳng cũng có thể dẫn đến tăng cân.

 

  1. Thiếu ngủ

Những người bị thiếu ngủ thường thèm những loại đồ ăn vặt có chứa nhiều muối như bim bim hay snack khoai tây.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị thiếu ngủ thường ít có khả năng chống lại cảm giác thèm ăn những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Và điều này có thể dẫn đến tăng cân.

Do thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe khác, vậy nên những người bị mất ngủ thường xuyên nên đi kiểm tra sức khỏe.

Tuy các rối loạn về giấc ngủ, căng thẳng và bận rộn thường là những lý do cho việc ăn uống không điều độ, nhưng bạn có thể đi khám với các chuyên gia dinh dưỡng để họ có thể đưa ra những chẩn đoán cụ thể cho trường hợp của bạn cũng như đưa ra những phương án điều trị hợp lý.

 

  1. Buồn chán

Ăn do buồn chán là một trong những hành vi ăn uống do cảm xúc, tương tự như với ăn khi bị căng thẳng.

Để xác định được cơn thèm ăn là do cơ thể đang đói hay là do buồn chán, hãy chú ý đến những dấu hiệu cơ thể đưa ra khi đói. Cơn đói thường xảy ra khi cơ thể cần được nạp thêm thức ăn. Nếu bạn chưa hề ăn gì trong vài giờ qua thì đó có thể là một cơn đói.

Những dấu hiệu khác của một cơn đói bao gồm:

  • Bụng réo

  • Muốn ăn gần như tất cả các loại đồ ăn

  • Cảm giác muốn ăn tăng dần theo thời gian

Những dấu hiệu này có thể biểu thị rằng đã đến lúc nên ăn một bữa lớn hoặc bữa phụ. Tuy nhiên, những loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao thường không phải một lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Thay vào đó, bạn nên chọn những loại thực phẩm vừa giòn lại vừa có vị, ví dụ như hoa quả hoặc rau củ. Những lựa chọn này có thể giúp giữ lượng muối dung nạp ở mức tối thiểu trong khi vẫn thỏa mãn được cảm giác thèm ăn.

 

  1. Vã mồ hôi

Mồ hôi có chứa muối, vì vậy khi một người toát mồ hôi, lượng muối (natri) trong cơ thể sẽ giảm đi.

Với hầu hết mọi người, toát mồ hôi thông thường không có gì đáng lo ngại do lượng muối trong cơ thể sẽ không giảm đi đáng kể, và thường chỉ cần uống bù nước sau khi tập luyện.

Tuy nhiên những vận động viên sức bền hoặc những người làm việc trong môi trường nóng nực có thể cần ăn bổ sung nhiều muối hơn để bù lại lượng muối đã mất qua mồ hôi.

Khi một người bị mất quá nhiều natri, cơ thể họ có thể sẽ bắt đầu thèm muối. Một nghiên cứu đã cho thấy một người làm việc trong môi trường nóng nực trong 10 tiếng đồng đồ có thể mất đến 15g muối, tùy thuộc vào từng người.

Những người phải tập luyện nhiều hoặc làm việc trong thời gian dài dưới thời tiết nóng có thể bù lại lượng muối đã mất bằng những loại đồ uống bổ sung điện giải hoặc đồ uống thể thao do những đồ uống này có chứa natri và các chất điện giải khác.

 

  1. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Trong những ngày gần đến kì kinh nguyệt, phụ nữ có thể trải qua những thay đổi cả về thể chất và cảm xúc. Những thay đổi này được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).

Một trong những triệu chứng phổ biến chính là thèm ăn những đồ ăn có nhiều muối. Điều này có liên quan đến sự thay đổi của các hormone trong cơ thể.

Những người thường bị PMS có thể thử:

  • Bổ sung canxi và vitamin B6: Một nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng những phụ nữ bổ sung 500mg canxi và 40mg vitamin B6 ít gặp phải những triệu chứng của PMS hơn những người chỉ bổ sung B6.

  • Châm cứu và thảo dược. Một đánh giá các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có sử dụng thảo dược và đi châm cứu đã giảm 50% các triệu chứng PMS.

  • Vitex (cây Trinh Nữ): Loại thảo dược này có thể cải thiện phần nào các triệu chứng PMS. Tuy nhiên, những phụ nữ đang sử dụng những loại thuốc điều tiết hormone, hoặc thuốc tránh thai, hoặc những người nhạy cảm với hormone không nên sử dụng loại thảo dược này.

  • Thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai có thể cải thiện các triệu chứng của PMS. Tuy nhiên, tùy vào loại thuốc tránh thai có mang những tác dụng phụ và nguy cơ khác nhau. Vì vậy, cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

 

  1. Bệnh Addison

Bệnh Addison, hay còn gọi là bệnh suy tuyến thượng thận, xuất hiện khi tuyến thượng thận không tạo ra đủ các hormone cần thiết.  

Những hormone tiết ra bởi tuyến thượng thận kiểm soát những phản ứng của cơ thể đối với những tình trạng căng thẳng và điều hòa huyết áp. Hệ quả là những người bị mắc bệnh Addison có huyết áp rất thấp và thường đột suất thèm những loại đồ ăn nhiều muối.

Ngoài ra, những người bị bệnh Addison còn có những triệu chứng như:

  • Suy nhược

  • Mệt mỏi kéo dài

  • Chán ăn hoặc sụt cân không theo kế hoạch

  • Đau bụng

  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy

  • Chóng mặt hoặc ngất do huyết áp thấp

  • Đường huyết thấp

  • Trầm cảm hoặc dễ bị cáu gắt

  • Đau đầu

  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt

Những nguyên nhân gây ra bệnh Addison bao gồm:

  • Bệnh tự miễn

  • Bệnh lao

  • HIV/AIDS

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm

  • Vấn đề với tuyến yên

  • Dừng thuốc steroid sau một thời gian dài sử dụng

Bệnh Addison cần phải được điều trị để bổ sung những loại hormone mà tuyến thượng thận không sản sinh.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bị bệnh Addison có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng tuyến thượng thận. Đây là tình trạng cấp cứu, xảy ra khi lượng hormone cortisol trong cơ thể giảm đến mức nguy hiểm.

 

  1. Hội chứng Bartter

Hội chứng Bartter là một bệnh có yếu tố di truyền xuất hiện khi mới sinh. Thận của những người bị hội chứng Bartter không thể hấp thụ lại natri như bình thường. Hệ quả là những người đó bị mất một lượng lớn natri qua nước tiểu, kéo theo mất cả kali và canxi.

Vì vậy, những người bị hội chứng Bartter có thể thèm muối do lượng muối trong cơ thể thấp. Họ cũng có thể có những triệu chứng như:

  • Chậm tăng cân (ở trẻ em)

  • Táo bón

  • Tiểu nhiều

  • Sỏi thận

  • Huyết áp thấp

  • Chuột rút hoặc yếu cơ

Hội chứng này thường được phát hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thông qua xét nghiệm nước tiểu và máu. Các viên uống bổ sung kali, muối và magie có thể giúp kiểm soát hội chứng Bartter.

 

  1. Bệnh xơ nang

Xơ nang là một bệnh di truyền có ảnh hưởng đến phổi và hệ tiêu hóa. Bệnh này có thể nguy hiểm đến tính mạng và những người bị bệnh thường có tuổi họ ngắn hơn trung bình.

Bệnh xơ nang làm cho cơ thể sử dụng quá nhiều muối, dẫn đến thiếu muối và thiếu nước bên ngoài tế bào. Khi tình trạng này xảy ra, các chất nhày được cơ thể sản sinh sẽ đặc hơn bình thường và có nguy cơ làm tắc nghẽn phổi cùng tuyến tụy.

Do mất cân bằng lượng muối trong cơ thể, những người bị xơ nang có thể thèm những đồ ăn có nhiều muối. Những triệu chứng khác của xơ nang bao gồm:

  • Táo bón

  • Tiểu nhiều

  • Sỏi thận

  • Huyết áp thấp

  • Chuột rút và yếu cơ

Bệnh xơ nang thường được phát hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thông qua xét nghiệm nước tiểu và máu. Các viên uống bổ sung kali, muối và magie có thể giúp kiểm soát tình trạng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top