Trong một nghiên cứu mới đây trên tạp chí The Journal of Biological Chemistry, các nhà khoa học thuộc Đại học y Washington đã chỉ ra rằng chính những thực phẩm chúng ta ăn – hay đúng hơn là những phân tử tạo tra trong quá trình tiêu hóa thức ăn – cũng như là độ acid của nước tiểu có ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của các vi khuẩn trong đường tiết niệu.
Những biến đổi trong hệ tiết niệu dưới góc nhìn khoa học của các chuyên gia
Giáo sư Jeffrey Henderson thuộc Đại học y Washington cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi không nhằm mục đích chỉ ra sự liên kết giữa chế độ dinh dưỡng và căn bệnh viêm đường tiết niệu. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào quan sát đáp ứng miễn dịch của cơ thể - cơ chế để cơ thể có thể chống lại các nhiễm trùng.” Mục tiêu của các nhà khoa học là tìm hiểu tại sao cơ thể lại có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm đường tiết niệu (UTIs), kể từ khi việc sử dụng kháng sinh một cách rộng rãi đã góp phần đáng kể gây nên hiện tượng kháng thuốc ở vi khuẩn.
Cách đây 10-15 năm, Henderson và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về các vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu đề kháng với kháng sinh. Nhóm đã thu thập mẫu nước tiểu của những người tình nguyện khỏe mạnh và nuôi cấy những mẫu này với vi khuẩn E.coli để xem có sự khác biệt nào về khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Giáo sư Henderson giải thích rằng cơ thể con người có tổng hợp một loại protein tên là siderocalin có khả năng kìm chế sự phát triển của vi khuẩn, và loại protein này có hiện diện trong nước tiểu của những người bị mắc bệnh viêm đường tiết niệu như là đáp ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể. Họ cũng muốn tìm hiểu xem liệu nồng độ các protein này có khác nhau đối với từng mẫu nước tiểu hay không – và quả thật có sự khác biệt đáng kinh ngạc.
Có hai lý do để giải thích tại sao mẫu nước tiểu của một vài người lại có khả năng chống lại vi khuẩn khá mạnh: (1) Một số chất trong chế độ ăn – hoặc là trực tiếp từ thực phẩm, hoặc là do sản phẩm phụ trong quá trình tiêu hóa – sẽ hỗ trợ cho chức năng của siderocalin giúp lấy sắt khỏi tế bào vi khuẩn (sắt là một nguyên tố thiết yếu cho sự phát triển của vi khuẩn) nên có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. (2) Nước tiểu của những người tham gia nghiên cứu có pH cao hơn, nghĩa là gần với môi trường trung tính hơn. Theo giáo sư Henderson, protein này có khả năng liên kết với sắt hiệu quả hơn hẳn khi ở môi trường có pH cao hơn.
Vậy bạn nên lựa chọn thực phẩm như thế nào khi bị viêm đường tiết niệu?
Bạn sẽ tự đặt ra một câu hỏi là: “Những chất dinh dưỡng nào có thể giúp kích thích cơ thể hình thành đáp ứng miễn dịch đầu tiên để chiến đấu với hiện tượng nhiễm trùng trong đường tiết niệu?" Nghiên cứu của giáo sư Henderson tập trung vào hợp chất polyphenol – một chất chống oxy hóa mạnh. Mặc dù cơ chế chủ yếu của các chất chống oxy hóa là thu dọn sạch các gốc tự do trong cơ thể để ngăn cản những tổn thương tại các tế bào, nhưng ở đây polyphenol lại hoạt động theo một cách khác.
Tại đường ruột, chúng được chuyển hóa thành những hợp chất giúp liên kết với sắt trong nước tiểu, và do vậy làm ức chế quá trình tăng trưởng của vi khuẩn.
Một số loại thực phẩm là nguồn cung cấp dồi dào các polyphenol giúp phòng nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: nước ép nam việt quất không đường, việt quất tươi hay nước ép việt quất, cà phê (loại caffein), trà đen và sô cô la đen.
Bạn cũng có thể lựa chọn sữa chua không đường, có tác dụng nuôi dưỡng hệ vi khuẩn chí đường ruột để giúp chuyển những loại thức ăn bạn ăn sang những hợp chất có tác dụng kìm khuẩn kể trên.
Vậy bạn không nên ăn gì? Những thực phẩm và đồ uống làm giảm pH nước tiểu sẽ không có lợi cho bạn, bao gồm chế độ dinh dưỡng giàu protein động vật, những đồ uống chứa acid phosphoric như soda và vitamin C liều cao…
Bạn cũng nên tránh sử dụng những loại kháng sinh không cần thiết. Một số kháng sinh có thể làm giảm một thành phần nào đó trong hệ miễn dịch, khiến bạn dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh