✴️ Điều kiện và hạn sử dụng sau khi mở nắp thuốc đa liều đường uống

Nội dung

Các thuốc sử dụng đường uống dạng siro, dung dịch, hỗn dịch… được kê đơn điều trị ngoại trú rất phổ biến. Tuy nhiên, các bệnh nhân cho đến dược sĩ tư vấn trực tiếp tại nhà thuốc, quầy thuốc mới chỉ quan tâm đến hạn sử dụng kể từ ngày sản xuất. Một số thuốc trong tờ hướng dẫn sử dụng không có điều kiện bảo quản và thời hạn sử dụng thuốc sau khi mở nắp. Để tránh lãng phí và an toàn trong sử dụng thuốc, bài viết giúp nhân viên y tế nắm và hiểu rõ cách bảo quản và thời hạn sử dụng các thuốc đa liều.

 

1. Một số định nghĩa

Theo Dược điển Mỹ (The United States Pharmacopeia – USP) thuốc tiêm đa liều (multiple - dose vial - MDV), thuốc tiêm đơn liều (single - dose vial - SDV) và hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp (beyond - use date) được định nghĩa như sau:

- Thuốc tiêm đa liều: là một vật chứa đa đơn vị (ví dụ như chai lọ) chế phẩm thuốc chỉ dùng theo đường tiêm và thường chứa chất bảo quản chống vi sinh vật. Bình (lọ) chứa thuốc đa liều được thiết kế để có thể rút thuốc nhiều lần khác nhau nhờ chúng có chứa chất bảo quản chống vi sinh vật.

- Thuốc tiêm đơn liều: là vật chứa một đơn vị chế phẩm thuốc dùng theo đường tiêm, được thiết kế để chỉ dùng 1 lần. Ví dụ lọ chứa thuốc tiêm đơn liều: bút tiêm đóng sẵn thuốc tiêm 1 lần. USP lưu ý rằng: “các lọ chứa thuốc tiêm đơn liều đã được mở ra hoặc chọc kim tiêm như ống tiêm, túi, chai lọ, xi ranh và các lọ chứa sản phẩm vô khuẩn…nên được sử dụng trong vòng 1 giờ nếu chúng được mở ra trong điều kiện chất lượng môi trường thấp hơn tiêu chuẩn ISO cấp 5 (phòng dược pha chế thuốc IV) và phần thuốc còn dư phải bỏ đi. Các lọ thuốc và xi lanh(bơm tiêm) chứa thuốc không nên bảo quản để sử dụng tiếp.

- Hạn sử dụng sau mở nắp: Nếu không có hướng dẫn đặc biệt của nhà sản xuất (ghi rõ hạn sử dụng sau khi mở nắp là bao nhiêu) thì USP định nghĩa hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp là 28 ngày kể từ ngày vật chứa thuốc tiêm đa liều lần đầu tiên được mở (ví dụ như chọc kim tiêm). Mọi thuốc tiêm đa liều nên được dán nhãn ngày hết hạn của nó. (Cần lưu ý phân biệt giữa hạn sử dụng của thuốc khi còn nguyên và hạn sử dụng sau khi mở nắp).

Ngoài ra còn có các bình dạng bình xịt đa liều (dạng hít), lọ thuốc đa liều nhỏ mắt, lọ dùng ngoài da đa liều, lọ bột thuốc đa liều (đường uống sau khi pha với dd)… Các loại thuốc đa liều này được hiểu là chứa nhiều liều trong một vật (bình, chai, lọ, ống.v.v.) chứa thuốc.

 

2. Nguyên tắc bảo quản thuốc sau khi mở nắp

– Sau khi mở nắp cần ghi chú ngày mở nắp, thời hạn sử dụng sau khi mở nắp

– Bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất. Nếu như nhà sản xuất không đưa ra điều kiện và thời hạn bảo quản sau khi mở nắp thì bảo quản như bảng 1.

– Thời hạn sau khi mở nắp phải đảm bảo trước hạn sử dụng kể từ ngày sản xuất

– Đảm bảo chất lượng thuốc sau khi mở nắp

 

Bảng 1. Thời hạn sử dụng các dạng thuốc sau khi mở nắp

Dạng thuốc Hạn sử dụng sau khi mở nắp
Đối với dạng thêm nước ( hỗn dịch pha uống, dung dịch pha thuốc…) 14 ngày ở nhiệt độ 2-80C
Đối với dạng không thêm nước ( thuốc uống dạng lỏng: siro, dung dịch…) 6 tháng

 

Bảng 2: Ví dụ một số thuốc đa liều và hạn bảo quản

Khuyến cáo sử dụng và bảo quản

- Để giảm nguy cơ nhiễm trùng chéo cho bệnh nhân nên ưu tiên dùng thuốc tiêm đơn liều (SDV).

- Nếu chỉ có sẵn thuốc tiêm đa liều (MDV), nên dùng loại thuốc cho phép rút ra 1 liều đơn nhỏ nhất về thể tích.

- Mỗi lọ thuốc đơn liều hay đa liều chỉ nên dùng cho 1 bệnh nhân.  Các lọ thuốc không còn nắp cao su của nhà sản xuất nên được loại bỏ. Các trường hợp ngoại lệ như insulin và vắc xin phải được khoa Dược xác nhận tính an toàn trước khi sử dụng.

- Luôn tuân thủ kỹ thuật vô trùng khi chuẩn bị dung dịch tiêm và khi tiêm. Theo dõi nhiễm bẩn, đổi màu thuốc.

- Không dùng 1 bơm tiêm chứa thuốc cho nhiều bệnh nhân ngay cả khi kim tiêm đã được thay. Cần sử dụng 1 ống tiêm/1 bơm tiêm mới cho mổi bệnh nhân. Tái sử dụng là vi phạm nguyên tắc an toàn của CDC. Tất cả các bơm tiêm chứa thuốc, lọ thuốc (sau mở nắp) chứa thuốc đơn liều hay đa liều nếu không được sử dụng ngay đều phải dán nhãn:

+ Tất cả các bơm tiêm chứa thuốc, lọ thuốc (sau mở nắp) trong và ngoài môi trường vô trùng đều dán nhãn.

+ Ghi nhãn thuốc hay  dung dịch ngay khi chuyển từ bao bì gốc sang bơm tiêm, hay chai lọ khác.

+ Nhãn bơm tiêm chứa thuốc ghi rỏ tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, thời gian hết hạn sử dụng. Lọ thuốc gốc sau mở nắp phải ghi ngày mở nắp.

+ Những bơm tiêm chứa thuốc, lọ thuốc gốc sau mở nắp  không có nhãn, hay mất nhãn đều loại bỏ.

+ Khi thay đổi ca trực nhân viên y tế có trách nhiện theo dõi chất lượng, màu sắc thường xuyên các bơm tiêm và lọ thuốc được dán nhãn.

- Đối với các lọ/kít dùng để đánh dấu thuốc phóng xạ và dung dịch chiết TC-99m: tất cả các lọ/kít và dung dịch chiết TC-99mm đều không chứa chất kháng khuẩn. Vì vậy cần chú ý sau khi đánh dấu, dung dịch nên sử dụng sớm nhất có thể. Và nên đánh dấu trong lọ/kít (hạn chế đánh dấu trong bơm tiêm).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top