✴️ Cánh kiến đỏ

Cánh kiến đỏ là chất nhựa có màu đỏ được tiết ra bởi loài Rệp son cánh kiến đỏ (Laccifer lacca Kerr). Dược liệu này có vị đắng, mặn, tính lạnh, tác dụng lương huyết (cầm máu), giải độc và thanh nhiệt. Cánh kiến đỏ không chỉ được sử dụng trong bài thuốc dân gian mà còn được dùng để chế biến các vật dụng sinh hoạt và thiết bị y tế.

cánh kiến đỏ

Cánh kiến đỏ là chất nhựa có màu đỏ được tiết ra bởi loài Rệp son cánh kiến đỏ (Laccifer lacca Kerr)

  • Tên gọi khác: Tử giao, Xích giao, Tử thảo nhung, Hoa một dược, Tử ngạnh, Dương cán tất, Tử trùng giao.

  • Tên dược: Lacca Stick lac

  • Tên khoa học: Laccifer lacca Kerr

  • Họ: Sâu cánh kiến (danh pháp khoa học: Lacciferideae)

 

Mô tả dược liệu cánh kiến đỏ

Vị thuốc cánh kiến đỏ là chất nhựa có màu đỏ được tiết ra bởi loài Rệp son cánh kiến (Laccifer lacca Kerr).

1. Đặc điểm của con rệp son cánh kiến

Rệp son cánh kiến là loài côn trùng có kích thước rất nhỏ, chỉ rộng khoảng 0.3 – 0.355mm, dài 0.6 – 0.7mm. Đầu kiến có 2 râu và vòi nhỏ ở miệng để hút nhựa từ cây. Thân gồm có 2 đôi lỗ thở, 3 đôi chân, bụng dài, ngực gồm có 3 đốt và phía cuối thân có 2 lông dài, cứng.

cánh kiến đỏ

Hình ảnh của con Rệp son cánh kiến cho dược liệu cánh kiến đỏ

Rệp son cánh kiến gồm có con cái và con đực, có cánh nhưng khoảng cách bay không xa. Tuy nhiên một số con đực sinh ra không cánh nên chủ yếu di chuyển bằng cách bò. Trong đó, rệp son cánh kiến cái cho vị thuốc cánh kiến đỏ còn con đực cho nhựa mỏng, nhỏ và không có dược tính mạnh nên hầu như không được sử dụng.

Tuổi đời của cơn đực chỉ kéo dài từ 2 – 3 ngày (thường chết sau khi giao phối). Sau khi con đực chết thì con cái phát triển mạnh.

2. Bộ phận dùng

Nhựa được con rệp son cánh kiến cái tiết ra.

3. Phân bố

Con rệp son cánh kiến sinh sống ở Ấn Độ, Liên bang Nga và Việt Nam. Ở nước ta, loài động vật này sống ký sinh trên khoảng 200 cây chủ.

4. Thu hoạch – sơ chế

Thu hoạch cánh kiến đỏ rơi vào 2 vụ, từ tháng 8 – 10 và từ tháng 9 – 10 hằng năm. Muốn thu hoạch cánh kiến đỏ số lượng cần chọn cây chủ (cây cung cấp thức ăn cho rệp son cánh kiến) sau đó thả rệp son cánh kiến vào tháng 4 – 5 hằng năm.

cánh kiến đỏ

Khi thu hoạch, bẻ cành cây có cánh kiến đỏ về rồi gỡ bỏ cành và đem tổ ngâm vào nước trong 2 ngày đêm

Khi đến thời điểm thu hoạch, gỡ bỏ tổ rồi bỏ cành cây và cho tổ vào ngâm trong nước 2 ngày đêm. Lúc này rệp chết hết thì đem trải phơi nơi thoáng gió và có bóng râm. Tránh phơi và sấy ở nhiệt độ cao vì có thể khiến tổ kiến chảy ra và đóng thành cục.

5. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng gió. Tránh để dược liệu ở nơi có nhiệt độ cao.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu cánh kiến đỏ chứa các thành phần hóa học sau:

  • Nhựa (4%): Bao gồm hỗn hợp các acid béo như acid jolaric, acid senlolic, acid butonic, acid octadecanoic, acid hexadecanoic, acid tetradecanoic, acid eleuritic,…

  • Sáp (6.6%): Bao gồm benzene 20% và phần tan trong cồn nóng 80%.

  • Chất màu (2 – 3%): Gồm chất vàng không tan trong nước, acid laccaic, erytrolaccin,…

  • Muối và đường (arabinose, glucose và fructose)

 

Vị thuốc cánh kiến đỏ

cánh kiến đỏ

Hình ảnh vị thuốc cánh kiến đỏ – Có vị đắng, mặn, tính lạnh, tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc,…

1. Tính vị

Vị đắng, hơi ngọt mặn, tính lạnh. Một số tài liệu lại ghi chép cánh kiến đỏ có tính bình.

2. Quy kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý của cánh kiến đỏ

– Tác dụng của cánh kiến đỏ theo Đông Y:

  • Tác dụng: Cầm máu, thanh nhiệt, giải độc.

  • Chủ trị: Đậu chẩn, hạ sốt, bạch đới, tê liệt, chân tay rã rời và chóng mặt ở phụ nữ sau khi sinh.

  • Nhân dân sử dụng cánh kiến đỏ để nhuộm răng đen. Tuy nhiên phong tục này đang dần bị mai một nên nhu cầu sử dụng cánh kiến đỏ cũng giảm đi đáng kể.

  • Hiện nay, một số nơi bắt đầu sử dụng cánh kiến đỏ để làm vật dụng cách điện, làm nón nỉ, keo xịt tóc, pha chế các chất hóa học/ chất sáp để làm bóng sàn nhà.

  • Trong y học hiện đại, cánh kiến đỏ được sử dụng để làm lớp tráng bên trong các dụng cụ trữ nước tiểu và chế tạo khuôn răng giả.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Dược liệu cánh kiến đỏ hiện nay ít được sử dụng để chữa bệnh nên hầu như không được nghiên cứu trên phương diện khoa học.

4. Cách dùng – liều lượng

Cánh kiến đỏ được sử dụng trong chế biến vật dụng và điều trị bệnh lý (thường dùng ở dạng dùng ngoài hoặc dạng uống). Liều dùng tham khảo: 4 – 6g/ ngày.

 

Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc cánh kiến đỏ

cánh kiến đỏ

Cánh kiến đỏ được sử dụng để chữa hắc lào, mụn nhọt ngoài da, bế kinh, u xơ tử cung,…

1. Bài thuốc chữa bế kinh, hòn cục, rong huyết sau sinh, u xơ tử cung

  • Chuẩn bị: Hồi đầu thảo 30g, tử trùng giao (cánh kiến đỏ) 50g và nga truật 30g.

  • Thực hiện: Đem các dược liệu sấy hoặc phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng từ 4 – 5g, ngày dùng 2 lần.

2. Bài thuốc trị mụn nhọt, ghẻ lở và mụn nhọt

  • Chuẩn bị: Cánh kiến đỏ.

  • Thực hiện: Tán bột mịn rồi xoa thuốc bột vào vùng da cần điều trị.

3. Bài thuốc giúp phòng ngừa và điều trị bệnh sâu răng

  • Chuẩn bị: Cồn 5% và cánh kiến đỏ.

  • Thực hiện: Chế thành dung dịch rồi chấm vào chân răng đau nhức.

 

Lưu ý – Kiêng kỵ khi sử dụng cánh kiến đỏ

  • Sốt mà không ra mồ hôi nên thận trọng khi sử dụng cánh kiến đỏ.

  • Tránh nhầm lẫn với cánh kiến trắng (hay còn gọi là an tức hương).

  • Vị thuốc cánh kiến đỏ ít được sử dụng trong phạm vi nhân dân và y học hiện đại. Vì vậy bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu này.

Hiện nay số lượng bài thuốc và các nghiên cứu về dược liệu cánh kiến đỏ còn rất hạn chế. Do đó để xác định tác dụng điều trị và mức độ an toàn của vị thuốc này, bạn nên trao đổi với bác sĩ khoa y học cổ truyền. Tùy tiện áp dụng bài thuốc có thể tác động xấu đến quá trình điều trị và tiến triển của bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top