Cây đơn lá đỏ có tác dụng thanh nhiệt, chỉ thống, khu phong trừ thấp và lợi tiểu. Nhân dân thường dùng lá đơn đỏ để chữa đau nhức xương khớp, tiêu chảy lâu ngày, đại tiện ra máu và các chứng bệnh về da như viêm da cơ địa, dị ứng, nổi mề đay mẩn ngứa,… Tuy nhiên khi sử dụng, cần tránh nhầm lẫn đơn lá đỏ với cây đơn tướng quân (khôi nhung) và cây đơn hoa đỏ.
Cây đơn đỏ chữa bệnh gì?
Tên gọi khác: Lá đơn đỏ, Cây đơn mặt trời, Cây lá liễu, Liễu đỏ.
Tên khoa học: Excoecaria cochinchinensis
Họ: Thầu dầu (danh pháp khoa học: Euphorbiaceae)
Mô tả dược liệu lá đơn đỏ
1. Đặc điểm cây đơn mặt trời
Cây đơn lá đỏ là loài thực vật nhỏ, cao khoảng 80 – 100cm. Thân cây nhỏ, mảnh và có màu xanh lục. Lá mọc đối xứng, phiến lá có hình bầu dục và mép có răng cưa. Mặt trên lá có màu lục, bên dưới có màu đỏ đặc trưng. Hoa mọc ở ngọn hoặc ở nách lá, tạo thành cụm. Hạt nang có 3 mảnh, bên trong chứa hạt màu nâu nhạt, có hình cầu.
2. Một số hình ảnh cây đơn đỏ/ đơn mặt trời
Hình ảnh cây đơn đỏ – Loài thực vật nhỏ, cao khoảng 80 – 100cm, thân nhỏ và mảnh
Hình ảnh lá cây đơn mặt trời – Lá mọc đối xứng, mặt trên lá có màu lục, bên dưới có màu đỏ
3. Bộ phận dùng
Lá của cây đơn mặt trời được sử dụng để làm thuốc.
4. Phân bố
Cây đơn đỏ được trồng ở nhiều địa phương tại nước ta để làm thuốc và làm cảnh.
5. Thu hái – sơ chế
Thu hái lá đơn đỏ quanh năm. Tuy nhiên nên thu hái vào tháng 5 âm lịch vì lúc này trời nắng, cây phát triển tốt, chứa nhiều nhựa, dày và to nên có phẩm chất tốt. Khi hái lá về, đem thái nhỏ sau đó dùng phơi khô hoặc sao vàng.
6. Bảo quản
Bảo quản ở nơi kín, khô ráo, tránh nhiệt độ cao và nơi ẩm thấp.
7. Thành phần hóa học
Lá cây đơn mặt trời có chứa tannin, coumarin, 15% saponin, đường khử, anthranoid,…
Vị thuốc cây đơn đỏ
1. Tính vị
Vị đắng ngọt, tính mát.
2. Quy kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng của lá đơn đỏ
– Tác dụng của lá đơn đỏ theo Đông Y:
Công dụng: Khu phong trừ thấp, chỉ thống, lợi tiểu, thanh nhiệt.
Chủ trị: Lỵ, đại tiện ra máu, tiểu ra máu, mề đay mẩn ngứa, nổi mụn nhọt, tiêu chảy lâu ngày.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Có tác dụng điều trị mụn nhọt và mẩn ngứa ngoài da.
4. Cách dùng – liều lượng
Lá đơn đỏ được sử dụng ở dạng sắc hoặc dùng ngoài, có thể sắc uống độc vị hoặc kết hợp với các dược liệu khác. Ngày dùng 6 – 12g lá khô hoặc 20 – 40g lá tươi.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây đơn lá đỏ
Cây đơn lá đỏ được sử dụng để chữa bệnh mất ngủ, viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa, dị ứng,…
1. Bài thuốc chữa mề đay, dị ứng
Chuẩn bị: Lá đơn đỏ 16 – 20g. Có thể gia thêm vỏ núc nác, ké đầu ngựa và kim ngân mỗi vị 8 – 10g.
Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
2. Bài thuốc trị vú sưng đỏ, đau nhức, mụn nhọt ở vú
Chuẩn bị: Lá đơn đỏ 15 – 20g.
Thực hiện: Rửa sạch, đem dược liệu sắc lấy nước uống, chia nước sắc thành 2 – 3 lần sử dụng. Ngoài ra có thể dùng dược liệu khô đem vò nát, sao nóng và bọc trong túi vải, chườm lên vùng đau nhức.
3. Bài thuốc trị trẻ em đi lỵ, đại tiện ra máu
Chuẩn bị: Lá đơn đỏ 1 nắm.
Thực hiện: Rửa sạch, sắc lấy nước uống.
4. Bài thuốc trị bệnh mất ngủ, mẩn ngứa và zona thần kinh
Chuẩn bị: Lá đơn tía tươi 20 – 30g.
Thực hiện: Sao vàng hạ thổ, đổ nước ngậm rồi sắc lấy khoảng 500ml. Mỗi lần dùng 150ml, ngày dùng 2 lần.
5. Bài thuốc trị mụn nhọt và mẩn ngứa ngoài da
Chuẩn bị: Cành đơn lá đỏ 20 – 30g, phối hợp thêm một ít đậu ván tía, thài lài tía và bầu đất tía.
Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
6. Bài thuốc trị tiêu chảy lâu ngày
Chuẩn bị: Gừng nướng 1 miếng và lá đơn đỏ (sao vàng) 15g.
Thực hiện: Đem sắc với 600ml còn lại 200, chia thành 3 lần uống trong ngày.
7. Bài thuốc trị bệnh viêm da cơ địa
Chuẩn bị: Lá đơn đỏ 5 lá và ½ thìa muối hạt.
Thực hiện: Đem lá đơn đỏ rửa sạch, để ráo nước rồi giã nát với muối hạt. Vắt nước cốt uống 2 lần/ ngày, còn phần bã dùng đắp và xát nhẹ lên vùng da cần điều trị.
8. Bài thuốc trị thấp khớp
Chuẩn bị: Lá bạc thau (sao vàng), lá đơn tướng quân và lá cây đơn đỏ mỗi vị 12g, ké đầu ngựa và rễ gối hạc mỗi vị 16g, lá thông 8g, dây kim ngân 10g. Nếu hàn nhiều gia thêm thổ phục linh và tỳ giải mỗi vị 16g, nếu phong nhiều gia thêm kinh giới 12g và vòi voi 16g.
Thực hiện: Sắc với 600ml nước với lửa nhỏ cho đến khi còn 200ml, chia thành nhiều lần uống trong ngày. Nên sử dụng bài thuốc trước khi ăn.
9. Bài thuốc chữa mề đay mẩn ngứa
Chuẩn bị: Tầm phong và lá cây đơn lá đỏ mỗi vị 100g.
Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, đun sôi với 2.5 lít nước trong khoảng 10 phút. Dùng 1 chén nước sắc uống, phần còn lại dùng để tắm hoặc ngâm rửa.
10. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng thường xuyên đi phân lỏng
Chuẩn bị: Lá đơn đỏ (khô, sao vàng) 15 – 20g.
Thực hiện: Sắc với 1 lít nước còn lại 300ml nước sắc, thêm vài lát gừng vào khi thuốc còn ấm. Chia nước sắc thành nhiều lần uống trong ngày.
11. Bài thuốc trị chứng kiết lỵ ở trẻ em và tiêu chảy mãn tính
Chuẩn bị: Ké đầu ngựa, kim ngân đằng, đơn lá đỏ, liên kiều mỗi vị 8 – 12g.
Thực hiện: Sắc lấy nước, chia thành 3 lần uống. Sử dụng bài thuốc trước khi ăn, ngày dùng 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.
Lưu ý khi sử dụng cây đơn lá đỏ
Tránh nhầm lẫn cây đơn lá đỏ với cây đơn tướng quân (khôi tía, cây lá khôi, khôi nhung)
Người bị chứng khó đông máu hoặc hay chảy máu không nên dùng.
Tránh nhầm lẫn cây đơn lá đỏ với đơn hoa đỏ thuộc họ Cà phê và cây đơn tướng quân (khôi tía, cây lá khôi, khôi nhung).
Các bài thuốc đắp, ngâm rửa, tắm từ cây đơn lá đỏ chỉ thích hợp với những trường hợp bệnh nhẹ và chưa có hiện tượng bội nhiễm. Trong trường hợp tổn thương da xảy ra trên diện rộng và có dấu hiệu viêm, sưng nóng, đau nhức, bạn nên phối hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.
Thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo. Để biết thêm thông tin về cây đơn lá đỏ, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh