✴️ Cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương (Thymus) được dùng trong điều trị bệnh ở châu Âu cách đây hàng ngàn năm. Dược liệu có mùi thơm nồng nàn đặc trưng, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp, tiêu hóa, thần kinh… Ngoài ra, cỏ xạ hương còn được dùng để điều chế nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng thơm, kem đánh răng, nước súc miệng…

cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương là dược liệu được dùng cách đây hàng ngàn năm.

  • Tên gọi khác: Thymus.

  • Tên khoa học: Thymus vulgaris

  • Họ: Hoa Môi (Lamiaceae).

 

Mô tả dược liệu 

Đặc điểm thực vật

Cỏ xạ hương là cây dưới bụi, cao từ 30 – 70cm, tạo thành khóm xám hay lục trăng trắng, thân gỗ, mọc đứng hay nằm, phân nhóm, có lông mịn. Lá cây nhỏ, hình giáo, dài khoảng 5 –  9mm. Hoa nhỏ, mọc ở nách lá, màu hồng hoặc trắng, thường nở vào tháng 6  – 10. Quả bế, có bốn hạch nhỏ màu nâu.

Bộ phận dùng

Ngọn cây mang hoa lá.

Phân bố

Dược liệu được tìm thấy nhiều ở các nước thuộc khu vực ôn đới ở châu Âu. Tại Việt Nam, cây được nhập khẩu và trồng ở Sapa để làm thuốc. 

Thành phần hóa học

Cỏ xạ hương có chứa các thành phần hóa học quan trọng nhất là Thymol và Carvacrol. Trong đó:

  • Thymol: tác dụng kháng viêm, ức chế vi khuẩn, nấm, giảm tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, chống oxy hóa, tăng cường sức khỏe cho người già yếu, ngăn sự phát triển của các khối u.

  • Carvacrol: chống viêm, kháng khuẩn.

Một số thành phần khác được tìm thấy trong thuốc gồm có:

  • Alcol: linalol, geraniol, l-borneol, terpineol-4, alcol amylic, b-hexenol.

  • Carbur: l-a pinen, b-pinen, p-cymen, camphen, carophyllen.

  • Nhựa, tanin, acid saponosid, glucosid tan trong nước.

 

Vị thuốc Cỏ xạ hương

Tính vị

Dược liệu có vị cay, tính ấm.

Tác dụng dược lý và chủ trị

Từ những năm trước công nguyên, người Hy Lạp đã dùng cỏ xạ hương để cải thiện tinh thần, chữa chứng trầm cảm, lo âu, thường dùng trong trường hợp bị ngất hoặc động kinh. Thời Trung cổ, người ta dùng dược liệu trên để điều trị nhiều loại bệnh như rối loạn tiêu hóa, cảm cúm, ho, điều hòa kinh nguyệt… Trong những thế kỷ tiếp theo đó, cỏ xạ hương được dùng điều trị vấn đề tiêu hóa và nhiễm trùng đường hô hấp là chủ yếu. Đến thế chiến I, tinh dầu xạ hương đóng vai trò quan trọng trong sát khuẩn, điều trị thương tích ở chiến trường. 

♦ Theo y học hiện đại:

Cỏ xạ hương chứa nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Các tinh dầu thơm (thymol, borneol, carvacrol, geraniol…) trong dược liệu có tác dụng giảm ho, khó thở (làm dịu cơn đau rát họng, chống co thắt phế quản, đẩy nhanh quá trình tống chất nhầy đường hô hấp). Ngoài ra, tinh dầu trên có khả năng chống viêm, kháng nấm, vi khuẩn, virus. Chất flavonoid trong dược liệu là một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng ngăn ngừa tế bào gốc tự do hoạt động. 

Nhiều nghiên cứu y học lâm sàng và kiểm nghiệm lâm sàng trên người và động vật đã chứng minh cỏ xạ hương có tác dụng sau đây:

Giảm ho

Tinh dầu xạ hương (được chiết xuất từ lá xạ hương) được dùng như phương pháp trị ho tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cho biết, phối hợp cỏ thường xuân và lá xạ hương có thể giảm ho và cải thiện triệu chứng của bệnh viêm phế quản cấp tính.

Hạ huyết áp

Một nghiên cứu đến từ trừng Đại học Belgrade, Serbia đã cho biết, chiết xuất từ cỏ xạ hương tự nhiên có thể làm giảm huyết áp trên chuột. Phát hiện này có thể đem lại những tác động tích cực trong việc điều tị. Tuy nhiên, cần nhiều thí nghiệm hơn để chứng minh tính chính xác và vận dụng vào trong thực tiễn điều trị.

Tăng cường hệ miễn dịch

Trong cỏ xạ hương chứa hàm lượng lớn vitamin C và A, các khoáng chất như chất sắt, chất xơ, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể khi dùng.

Khử trùng

Nấm mốc là một trong những tác nhân phổ biến gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe. Dầu xạ hương chứa nhiều thành phần chống nấm, có thể dùng để chống nấm ở mức độ vừa phải.

Xua đuổi côn trùng gây hại

Thành phần Thymol trong cỏ xạ hương cũng được tìm thấy trong nhiều loại thuốc trừ sâu, tiêu diệt côn trùng. Thymol không chỉ có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn, virus mà còn có khả năng xua đuổi các loại côn trùng. Một số nghiên cứu mới đây cho biết tinh dầu xạ hương có tác đụng đuổi muỗi. 

Ngoài ra, cỏ xạ hương còn được dùng để điều chế nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng thơm, kem đánh răng, nước súc miệng…

♦ Theo Y học cổ truyền:

Cỏ xạ hương có tác dụng hành khí giảm đau, khu phong giải biểu. Các thầy thuốc y học cổ truyền thường dùng dược liệu trên để điều trị:

  • Đau đầu, cảm mạo

  • Ho

  • Bụng trướng, lạnh, đau

  • Kinh nguyệt không đều

  • Bạch đới.

 

Cách dùng – liều lượng

Dược liệu được có ở dạng bào chế:

  • Lá khô

  • Chiết xuất dạng lỏng

  • Thuốc rượu.

Liều dùng cỏ xạ hương phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe. Tham khảo chuyên gia để biết liều dùng dược liệu cụ thể để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Ứng dụng dược liệu cỏ xạ hương

Trà cỏ xạ hương:

  • Dùng 2 muỗng cà phê cỏ xạ hương tươi hoặc 1 muỗng cỏ xạ hương khô đem hãm trong bình chứa 300 ml nước. Đổ nước ra cốc, thêm một ít mật ong để tăng hương vị. 

  • Uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 100ml.

Chế phẩm chiết xuất từ cỏ xạ hương hoặc thuốc sắc:

  • Phối hợp cỏ xạ hương với các loại thảo dược khác để điều trị bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm họng, hen phế quản… Tham khảo ý kiến thầy thuốc để dùng đúng cách.

Tạo mùi thơm thư giãn tinh thần:

  • Cho 4 – 5 giọt tinh dầu vào đèn xông tinh dầu để lan tỏa hương. 

 

Những điều cần lưu ý khi dùng cỏ xạ hương

Trong quá trình dùng thảo dược, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Cỏ xạ hương an toàn cho cơ thể khi dùng ở liều lượng vừa phải, trong thời gian ngắn. Dùng dược liệu trên ở liều cao có thể gây một số tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như chứng rối loạn tiêu hóa.

  • Cỏ xạ hương có thể an toàn cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người đang cho con bú khi dùng ở liều lượng thích hợp.

  • Những người bị dị ứng với oregano và các cây tương tự thuộc họ Hoa Môi Lamiaceae cũng có nguy cơ bị dị ứng với cỏ xạ hương. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa, phát ban, đỏ da, khó thở…, cần ngưng sử dụng.

  • Cỏ xạ hương có thể làm cho máu chậm đông hơn thông thường, dùng nhiều có nguy cơ chảy máu. Nếu như cần thực hiện phẫu thuật, cần ngưng dùng thảo dược trước đó ít nhất 2 tuần.

Trên đây là một số thông tin về cỏ xạ hương. Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top