✴️ Nhuộm Diff – Quick

Nội dung

NGUYÊN TẮC

Là phương pháp nhuộm dựa trên sự cải biên của phương pháp nhuộm Wright Giemsa của Bernard Witlin năm 1970. Nó có ưu điểm hơn phương pháp nhuộm Wright Giemsa, vì các bước nhuộm đơn giản hơn, ít tốn thời gian hơn và cho phép tìm bạch cầu ái toan hay ái kiềm bằng cách thay đổi thời gian nhuộm. Vì vậy, nó là phương pháp nhuộm nhanh tế bào và mô, được áp dụng cho nhiều loại bệnh phẩm, từ chọc hút kim nhỏ, phiến đồ tế bào học bong, phiến đồ tế bào học áp, tinh dịch đồ. Phiến đồ nhuộm Diff - Quik cần để khô trong không khí trước khi cố định, không cố định khi phiến đồ còn ướt. Phương pháp nhuộm này giúp đánh giá chi tiết bào tương tế bào, các giọt lipid, các hạt chế tiết, chất nhầy, các chất ngoại bào như chất nhầy, các sợi keo. Các thành phần như vi khuẩn, nấm cũng dễ dàng phát hiện được bằng phương pháp nhuộm này.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học: 02

Phương tiện, hóa chất

Dung dịch cố định phiến đồ: metanol khan (bán sẵn).

Cồn 95o.

Cồn tuyệt đối.

Xylen.

Nước cất

Phẩm nhuộm Diff-Quick (bán sẵn).

Lá kính.

Bôm Canada.

Giá đựng tiêu bản (đứng và nằm ngang).

Kính hiển vi quang học.

Phiếu xét nghiệm.

Nguồn cấp nước chảy.

Găng tay các loại, khẩu trang, áo choàng y tế.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Cố định: 20 giây

Nhuộm dung dịch 1:

20 giây

Nhuộm dung dịch 2:

20 giây

Rửa nước cất:

10 giây

Cồn etanol 95o:

10 giây

Cồn tuyệt đối:

15 giây

Xylen:

15 - 20 giây

Gắn lá kính bằng bôm Canada

 

KẾT QUẢ

Hồng cầu: màu hồng/vàng đỏ.

Tiểu cầu: màu tím/hạt màu tím.

Bạch cầu đa nhân trung tính: nhân màu xanh, bào tương màu hồng tím.

Bạch cầu ái toan: nhân màu xanh, bào tương màu xanh, các hạt màu đỏ.

Bạch cầu ưa kiềm: nhân màu tím hoặc xanh đen.

Bạch cầu đơn nhân: nhân màu tím, bào tương xanh sáng.

Vi khuẩn: màu xanh.

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Nếu phiến đồ nhuộm Diff - Quik chưa để khô mà cố định ngay sẽ làm mật hết các hạt trong bạch cầu ái kiềm, hình thành các hạt giả, dẫn đến nhầm lẫn khi nhận định.

Cố định không đầy đủ có thể làm chi tiết nhân không rõ ràng hoặc mất các hạt, nhất là với bạch cầu ưa kiềm và các tế bào dòng tủy của máu.

Phiến kính không sạch sẽ dẫn tới những nhận định sai, nhất là vi khuẩn.

Nếu có vấn đề về cố định chưa tốt hoặc cần nhận rõ các hạt trong tế bào, cần tăng thời gian cố định lên 1 phút.

Chỉ sử dụng metanol khan để cố định và các phiến đồ cần giữ kín, tránh ẩm.

Nếu màu hồng tăng quá mức là do thời gian nhuộm ngắn hoặc rửa kéo dài hoặc độ pH của phiến đồ thấp.

Chỉ sử dụng nước cất hoặc nước muối đệm photphat cho bước rửa cuối. Không được sử dụng nước máy, vì có thể làm xáo trộn sự cân bằng acid cơ bản và có thể chứa clo.

Rửa dưới áp lực nước cao sẽ làm trôi mất tế bào hoặc vón cục bệnh phẩm. Vì vậy, cần rửa dưới vòi nước chảy nhẹ. Rửa nước không đủ sẽ có cặn thuốc trên phiến đồ.

Giữa các bước nhuộm, không được để phiến đồ bị khô.

Không sử dụng phẩm nhuộm khi đã hết hạn sử dụng, do vậy, cần kiểm tra hạn dùng của phẩm nhuộm trước khi tiến hành nhuộm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top