✴️ Các loại thuốc điều trị tiểu đường

Nội dung

Tiểu đường là bệnh lý chuyển hóa khá phổ biến và thường gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc tiểu đường là cách kiểm soát bệnh rất tốt, tuy nhiên có thể gây tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Vì vậy, trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin các loại thuốc tiểu đường hiệu quả hiện nay, bạn đọc tham khảo để sử dụng thuốc hợp lý, ngăn ngừa bệnh tiến triển. 

1. Tiểu đường là gì? 

Tiểu đường (hay đái tháo đường) là tình trạng đường máu tăng cao, vượt ngưỡng 7 mmol/L lúc đói (Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – ADA), nguyên nhân là do thiếu hụt hoặc giảm đáp ứng của cơ thể với hormon Insulin – hormon hạ đường huyết duy nhất của cơ thể. 

Có 4 typ tiểu đường: 

  • Tiểu đường typ 1: Do cơ chế tự miễn dịch phá hủy tế bào tiết Insulin.
  • Tiểu đường typ 2: Tế bào không đáp ứng với Insulin, giảm tiết Insulin. 
  • Tiểu đường thứ phát: Tiểu đường do hậu quả của các bệnh lý khác như bệnh lý nội tiết, u tụy, cắt tụy…)
  • Tiểu đường thai kỳ: Đái tháo đường ở phụ nữ mang thai. 

2. Thuốc điều trị tiểu đường hiệu quả hiện nay 

Mỗi loại thuốc có cơ chế, tác dụng khác nhau, được chỉ định phù hợp với từng đối tượng và tình trạng bệnh. Dưới đây là 5 thuốc trị tiểu đường được chỉ định phổ biến hiện nay: 

2.1 Insulin

Thuốc có tác dụng cung cấp Insulin cho cơ thể, giúp vận chuyển đường từ máu vào tế bào, giảm đường huyết nhanh chóng nên thường được sử dụng trong trường hợp cấp cứu. 

  • Đối tượng sử dụng: 

    • Tiểu đường typ 1: Bắt buộc.

    • Tiểu đường typ 2: Sau khi không đáp ứng với các thuốc điều trị khác. Thông thường, Insulin được chỉ định dùng sau 5 năm dùng thuốc. 

    • Tiểu đường thai kỳ: Bắt buộc

  • Chống chỉ định: Người hạ đường huyết, mẫn cảm với thuốc.

  • Tác dụng không mong muốn: 

    • Quá liều có thể gây hạ đường huyết quá mức với biểu hiện người nhợt nhạt, tụt huyết áp, có thể ngất. 

    • Tăng cân.

  • Liều dùng: Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa 

    • Khởi đầu với tiểu đường typ 1: 0,4 – 0,5UI/ kg/ ngày.

    • Khởi đầu với tiểu đường typ 2: 0,2UI/ kg/ ngày.

2.2 Sulfonylurea

Sulfonylurea có tác dụng kích thích tế bào đảo tụy tiết Insulin để đưa đường từ máu vào tế bào, giảm lượng đường trong máu. 

  • Đối tượng sử dụng: Tiểu đường typ 2, khi tế bào đảo tụy vẫn còn khả năng tiết Insulin. 

  • Chống chỉ định: Tiểu đường typ 1, tiểu đường thai kỳ và người suy gan, suy thận. 

  • Tác dụng không mong muốn: 

    • Hạ đường huyết quá mức.

    • Tăng cân.

    • Rối loạn tiêu hóa.

    • Vàng da ứ mật.

  • Liều dùng (Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa): Liều khởi đầu 30-60 mg/ngày. 

2.3 Metformin

Thuốc ức chế hấp thu đường ở ruột, đồng thời tăng vận chuyển đường vào tế bào, ức chế tân tạo đường tại gan, có tác dụng ngăn đường máu tăng cao. Bên cạnh đó, thuốc còn có khả năng làm giảm Lipid máu. 

  • Đối tượng sử dụng: Tiểu đường typ 2.

  • Chống chỉ định: Tiểu đường thai kỳ, bệnh nhân suy gan, suy thận, suy hô hấp. 

  • Tác dụng không mong muốn: 

    • Miệng có vị kim loại

    • Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy. 

    • Sụt cân nếu dùng kéo dài. 

  • Liều dùng: (Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa) Liều khởi đầu 500 – 800 mg/ngày. 

Thuốc điều trị tiểu đường hiệu quả hiện nay 

2.4 Acarbose

Thuốc trị tiểu đường Acarbose có tác dụng ức chế hấp thu đường, chống tăng đường huyết sau ăn. 

  • Đối tượng sử dụng: Tiểu đường typ 2.

  • Chống chỉ định: Người viêm, loét ruột, bệnh nhân suy gan, tiểu đường thai kỳ. 

  • Tác dụng không mong muốn: 

    • Rối loạn tiêu hóa. 

    • Rối loạn chức năng gan. 

    • Gây ngứa, phát ban. 

  • Liều dùng: (Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa) Liều khởi đầu 25mg/ lần, ngày 3 lần. 

2.5 Thiazolidinedione 

Các thuốc Thiazolidinedione giúp các tế bào đích tăng nhạy cảm với Insulin, tăng cường quá trình vận chuyển đường từ máu vào tế bào để giảm đường huyết. 

  • Đối tượng sử dụng: Tiểu đường typ 2. 

  • Chống chỉ định: Bệnh nhân suy gan, suy tim hay mắc các bệnh về gan, tim. 

  • Tác dụng không mong muốn: 

    • Gây phù, tăng cân.

    • Độc trên gan, tim. 

  • Liều dùng: (Theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa) Liều khởi đầu 30mg/ ngày. 

Lưu ý khi sử dụng thuốc: 

  • Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. 

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. 

  • Không dùng quá liều thuốc hay dừng thuốc đột ngột. 

  • Kết hợp khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra đường huyết và tiếp tục chỉ định dùng thuốc. 

  • Kết hợp các biện pháp làm tăng hiệu quả của thuốc tiểu đường. 

3. Biện pháp kết hợp làm tăng hiệu quả của thuốc tiểu đường

Thuốc là con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng điều trị bệnh luôn có tác dụng không mong muốn đi kèm. Do đó, người bệnh không được lạm dụng thuốc, đồng thời kết hợp với một số biện pháp để tăng hiệu quả của thuốc. Dưới đây là một vài lời khuyên cho bạn: 

Xây dựng chế độ ăn hợp lý

Người bệnh cần duy trì chế độ ăn hạn chế đồ ngọt, thực phẩm giàu tinh bột (tránh đường huyết tăng cao), tránh thực phẩm giàu Lipid (ngăn ngừa biến chứng tim mạch do tiểu đường gây ra). 

Thay vào đó, người bệnh cần bổ sung rau xanh, trái cây và thực hiện chế độ ăn nhiều bữa, đặc biệt không được bỏ bữa sáng. 

Tập luyện thể dục thể thao 

Đây là cách nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường như tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, các bệnh lý tim mạch… 

Người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng bằng cách đi bộ, chạy bộ, đạp xe hay chơi thể thao, mỗi ngày 30-45 phút để cải thiện bệnh tốt nhất. 

Hạn chế chất kích thích

Rượu, bia, thuốc lá, cafe là các chất kích thích làm giảm tác dụng của thuốc và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn và các biến chứng xuất hiện sớm hơn. Do đó, người bệnh cần hạn chế sử dụng, từ bỏ các chất kích thích.

Trên đây là các thuốc điều trị tiểu đường cùng các biện pháp làm tăng hiệu quả sử dụng thuốc. Bạn tham khảo trước khi dùng thuốc và áp dụng để bệnh được cải thiện tốt nhất nhé. 

Xem thêm: 3 loại xét nghiệm tiểu đường thường gặp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top