✴️ Lịch sử phát triển truyền máu thế giới và những tiến bộ về truyền máu ở Việt Nam (P3)

Nội dung

TRUYỀN MÁU Ở VIỆT NAM CÁC TIẾN BỘ VÀ HIỆU QUẢ

Trước năm 1954: Ở Việt Nam do quân đội Pháp tổ chức đầu tiên tại bệnh viện Đồn Thuỷ (Quân y viện 108 hiện nay), cung cấp máu cho quân đội Pháp. Sau đó là một vài bệnh viện ở Sài Gòn cũng do quân đội Pháp tổ chức và quản lý.

Từ 1954 - 1974: Sau hoà bình (1954), ta tiếp quản Thủ đô, quân đội tiếp quản Bệnh viện Đồn Thuỷ (Pháp gọi là bệnh viện Lanessan) và đổi tên là Quân y Viện 108 - Trung tâm truyền máu vẫn được bảo toàn và hoạt động bởi các cán bộ cũ ở lại. Năm 1956, BS. Vũ Triệu An được phân công phụ trách trung tâm này. Có thể coi đây là cơ sở truyền máu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng năm 1956, Bệnh viện Việt Đức mở Khoa Lấy máu và Truyền máu, rồi Bệnh viện Bạch Mai GS. Bạch Quốc Tuyên thành lập Khoa Lấy máu vào năm 1970, cho tới nay là Viện HHTM Trung ương (từ 31/12/1984). Truyền máu của ta lúc này chủ yếu phục vụ cho chiến tranh, phục vụ cho quân đội, chủ yếu là truyền máu toàn phần, lấy máu bằng chai thuỷ tinh và truyền trong ngày. Chưa có phương tiện bảo quản và tách các thành phần máu.

Từ năm 1975 - 1992: Nhu cầu máu gia tăng, nguồn máu thu được chủ yếu là từ người bán máu (>90%). Phương tiện thu gom máu bằng chai (chu trình hở) an toàn truyền máu chủ yếu là làm phản ứng chéo và định nhóm, tìm đơn vị máu tương đồng. Bệnh nhiễm trùng chỉ sàng lọc: sốt rét, giang mai, một vài cơ sở sàng lọc HBV. Truyền máu phát triển ở hầu hết ở các bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh, truyền máu toàn phần chiếm 100% chưa có chương trình quốc gia về an toàn truyền máu.

Từ năm 1993 - 2005: Truyền máu Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng phát triển của truyền máu hiện đại của khu vực và thế giới.

Vận động cho máu tình nguyện quy mô toàn quốc bắt đầu từ 24/1/1991. Một năm sau (1995) Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ quyết định lấy ngày 6/1 là ngày bầu cử khoá quốc hội đầu tiên 1946 làm ngày động viên toàn dân tham gia hiến máu, tới năm 2000 Chính phủ quyết định đổi sang ngày 7/4 ngày sức khoẻ toàn cầu giành cho an toàn truyền máu làm ngày cổ động hiến máu toàn quốc, nhờ vậy đã làm tăng lượng máu cho điều trị gấp nhiều lần, giảm người cho máu chuyên nghiệp, tăng người cho máu tình nguyện, tại Viện Huyết học - Truyền máu đạt được > 65%.

Xây dựng giá tiền một đơn vị máu (1/1995) do liên Bộ Y tế - Tài chính - Kế hoạch đầu tư quyết định, đây là giá tiền một đơn vị máu đầu tiên. Nhờ quyết định này truyền máu nước ta tiến thêm một bước mới.

Đổi mới các trang bị thu gom và bảo quản máu:

Thay chai bằng túi chất dẻo (1/1995) như quốc tế.

Thay giường bằng ghế lấy máu như quốc tế (từ 1/1996).

Tủ lạnh bảo quản máu và huyết tương (1996) (chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Luxembourg).

Sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng theo yêu cầu của Tổ chức y tế thế giới trên phạm vi toàn quốc:

HIV, giang mai, sốt rét (từ 1993).

HBV (từ 1994).

HCV (từ 1996). Tới 1999, 100% đơn vị máu đã được sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng ở tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện có dùng máu.

Đã loại >1000 người đi cho máu có anti HIV+, hàng vạn người HCV +, HBV, bảo đảm an toàn truyền máu.

Sản xuất và chuẩn hoá các chế phẩm máu (đề tài nghiên cứu sản xuất chế phẩm máu cấp Nhà nước 1996 - 1999 và dự án nghiên cứu sản xuất và chuẩn hoá chế phẩm máu 2000 - 2002 của Viện Huyết học - Truyền mấu), bao gồm:

Khối hồng cầu nghèo bạch cầu.

Khối tiểu cầu pool, tiểu cầu từ 1 cá thể.

Huyết tương tươi, huyết tương tươi đông lạnh.

Tủa lạnh yếu tố VIII, đồng thời với sự ra đời trung tâm điều trị hemophilia (1999) và gia nhập hội hemophilia quốc tế (2000) đã đem lại nguồn hy vọng lớn cho bệnh nhân hemophilia.

Khối bạch cầu hạt trung tính: Sản phẩm này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nhiễm trùng kháng thuốc (vô phương cứu chữa).

Phát triển truyền máu lâm sàng: Chỉ định và sử dụng hợp lý máu và cốc sản phẩm máu. Tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, sau khi nghiệm thu đề tài nhánh cấp Nhà nước về sản xuất các sản phẩm máu (1996 -1999) và dự án cấp Nhà nước về sản xuất và chuẩn hoá các sản phẩm máu sử dụng cho điều trị (2000-2002), tới nay truyền máu từng phần ở Viện Huyết học -Truyền máu TW và các bệnh viện phụ thuộc ngân hàng máu Hà Nội đã đạt 100%, hiện đang phát triển tới các tỉnh và thành phố khác trong toàn quốc. Đây là một thay đổi lớn về nhận thức và thói quen truyền máu toàn phần ở các bệnh viện, đồng thời tạo ra bước ngoặt trong công tác chăm sóc bệnh hemophilia ở nước ta từ năm 1999. Nhờ phát triển của truyền máu, ghép tuỷ tế bào gốc tạo máu đã tiến hành ở 3 bệnh viện lớn: Bệnh viện Huyết học- Truyền máu thành phố Hồ Chí Minh (1995), Bệnh viện trung ương Huế (2004), Bệnh viện Quân đội 108 (2005).

Giai đoạn 2001 - 2015: Mục tiêu chính là hiện đại hoá ngành truyền máu, sớm hoà nhập với truyền máu khu vực và thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta đã :

Xây dựng chương trình an toàn truyền máu quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 12 năm 2001, theo hướng tập trung: Một ngân hàng máu cung cấp cho nhiều bệnh viện, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm máu và hiệu quả truyền máu lâm sàng có máu dự trữ để bất kỳ khi nào cần là có máu, kể cả tuyến huyện và tương đương. Chương trình này tiến hành theo hai bước: Bước 1 tập trung tuyến tỉnh, cắt thu gom máu và sàng lọc máu ở bệnh viện huyện và tương đương; bước 2 tập trung xây dựng ngân hàng máu khu vực tập trung từ 3 - 4 tỉnh lân cận, dự kiến khoảng 15 Trung tâm truyền máu trong toàn quốc.

Xây dựng ngân hàng máu khu vực mẫu tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, bằng vốn vay của ngân hàng: Dự án này được Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2002. Nhằm mục đích phấn đấu 2010 - 2015 toàn quốc thống nhất một chất lượng máu theo tiêu chuẩn châu Âu. Bảo đảm an toàn truyền máu, có đủ máu cho điều trị, cho cấp cứu, có máu dự trữ cho thảm hoạ, an ninh, Quốc phòng, tiến tới xoá bỏ hình thức tự cung, tự cấp máu ở các bệnh viện hiện nay từng bước hiện đại hoá truyền máu ở nước ta, sớm hoà nhập với truyền máu khu vực và thế giới.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top