✴️ Lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm (Máu, đờm, phân, nước tiểu) (P1)

GIỚI THIỆU

Lấy bệnh phẩm xét nghiệm là kỹ thuật lấy một lượng máu, dịch tiết, chất thải hoặc tổ chức mô của người bệnh chuyển đến khoa xét nghiệm.

Các kết quả xét nghiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong chẩn đoán, điều trị chăm sóc và theo dõi người bệnh. Trong một số trường hợp các xét nghiệm đóng vai trò quyết định việc chẩn đoán, đặc biệt là trong chẩn đoán bệnh giai đoạn sớm và một số bệnh lý các triệu chứng lâm sàng nghèo nàn/không rõ ràng. Kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm nước tiểu, máu, phân, đờm, dịch tiết… không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, theo dõi diễn biến của bệnh chính xác, mà còn cung cấp các thông tin về tình trạng người bệnh, giúp cho chẩn đoán điều dưỡng, xác định các nguy cơ, lập kế hoạch và đánh giá chăm sóc hiệu quả. Thực hiện y lệnh lấy bệnh phẩm xét nghiệm cho người bệnh là một trong những chức năng phối hợp của điều dưỡng viên với bác sĩ. Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các quy trình lấy bệnh phẩm, thì vấn đề đảm bảo độ chính xác cho kết quả các xét nghiệm là rất cần thiết. Y học ngày càng phát triển, phương pháp phân tích, đọc kết quả xét nghiệm ngày càng hiện đại, chuyên sâu. Vì vậy, phải đảm bảo đúng các nguyên tắc từ khi lấy bệnh phẩm. Điều dưỡng viên phải có kiến thức, kỹ năng trong chuẩn bị, tiến hành lấy bệnh phẩm đúng kỹ thuật và bảo quản mẫu bệnh phẩm theo đúng nguyên tắc và quy định.

Nhóm kỹ năng lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm bao gồm:

Lấy máu làm xét nghiệm

Lấy đờm làm xét nghiệm 

Lấy phân làm xét nghiệm

Lấy nước tiểu làm xét nghiệm

 

LẤY MÁU LÀM XÉT NGHIỆM

Mục đích

Hỗ trợ cho chẩn đoán bệnh.

Theo dõi những đáp ứng của điều trị.

Cung cấp các thông tin về tình trạng dinh dưỡng, chuyển hóa, huyết học, miễn dịch, sinh hóa của người bệnh.

Sàng lọc bệnh sớm ngay cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng.

Các loại xét nghiệm máu

Sinh hoá

Điện giải đồ, urê, creatinin, protein, glucose, lipid

Emzym: GOT, GPT, CK, CK-MB, troponin T…

Bilirubin toàn phần, bilirubin trực tiếp, bilirubin gián tiếp

Xét nghiệm lipid máu: Cholesterol, triglycerid, HDL, LDL.

Vật lý

Thời gian máu chảy, máu đông, tốc độ lắng máu, pH máu, hematocrit …

Tế bào

Nhóm máu, đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, hình dạng tế bào máu

Vi sinh - ký sinh trùng

Các test nhanh chẩn đoán: HBsAg (viêm gan virus B), HIV, Anti-HCV (viêm gan virus C), Chlamydia (viêm âm đạo do Chlamydia), Cúm A/B, Dengue (sốt xuất huyết).

Nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ

Tìm ký sinh trùng sốt rét…

Các phương pháp lấy máu

Lấy máu mao mạch

Lấy máu tĩnh mạch

Lấy máu động mạch

Những điểm cần lưu ý

Lấy máu làm xét nghiệm là kỹ thuật xâm lấn nên sẽ gây đau cho người bệnh và thường làm người bệnh lo lắng, sợ hãi, nhất là trẻ em, người điều dưỡng cần giải thích rõ ràng giúp người bệnh giảm lo lắng.

Khi lấy máu xét nghiệm, điều dưỡng phải hạn chế những tổn thương cho tĩnh mạch. Không lấy máu xét nghiệm qua cầu nối động tĩnh mạch vì có nguy cơ chảy máu và đông máu.

Khi lấy máu để định lượng các chất thường lấy máu buổi sáng, trước khi ăn.

Cấy máu là để tìm vi khuẩn trong máu:

Cần cấy máu ít nhất có 2 mẫu cấy ở 2 vị trí khác nhau. Nếu vi khuẩn xuất hiện ở cả 2 mẫu cấy chứng tỏ trong máu có sự hiện diện của vi khuẩn, còn nếu vi khuẩn chỉ xuất hiện ở 1 mẫu máu, chứng tỏ mẫu đó đã bị nhiễm, cho kết quả sai lệch.

Cấy máu phải được thực hiện trước khi dùng kháng sinh cho người bệnh, vì kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn làm kết quả sai lệch do không phát hiện được vi khuẩn trong mẫu máu được nuôi cấy. Nếu người bệnh đã dùng kháng sinh trước đó thì phải ghi chú lại và báo với phòng xét nghiệm.

Một số xét nghiệm có yêu cầu lấy máu đặc biệt như: xét nghiệm nồng độ acid lactic không sử dụng dây garo; xét nghiệm nồng độ vitamin cần tránh để ống nghiệm tiếp xúc với ánh sáng…

Những ống nghiệm đựng máu do phòng xét nghiệm cung cấp. Có 2 loại:

Ống máu không chống đông

Ống máu có chống đông (natri citrate, calci oxalate, heparin, EDTA).

Quy trình kỹ thuật lấy máu làm xét nghiệm

Nhận định

Nhận định sự hiểu biết của người bệnh về mục đích và quy trình lấy máu

Xác định các điều kiện cần làm trước khi lấy mẫu xét nghiệm

Nhận định yếu tố nguy cơ trước khi lấy máu tĩnh mạch: dùng thuốc kháng đông, tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu (tiền sử hemophilia).

Nhận định tiền sử của người bệnh

Nhận định các chống chỉ định của lấy máu tĩnh mạch: nơi đang truyền dịch, nguy cơ tắc tĩnh mạch do huyết khối, cầu nối thông động tĩnh mạch trong chạy thận nhân tạo, cánh tay bên người bệnh đã cắt bỏ vú.  Xem lại chỉ định của bác sĩ về loại xét nghiệm

Dụng cụ

Lấy máu mao mạch

3 phiến kính sạch, khô, trong đó có 1 miếng kính phẳng để kéo lam

Bông cồn, bông khô

Găng tay sạch

Kim vô trùng, cỡ kim 25 - 26G, chiều dài 1-1,5 cm

Túi đựng rác y tế

Lấy máu tĩnh mạch

Cồn 70

Găng tay sạch

Gối kê tay

Dây garo

Băng cá nhân

Ống nghiệm phù hợp với yêu cầu xét nghiệm: ghi tên người bệnh lên nhãn.  

Giá đựng ống nghiệm

Phiếu xét nghiệm

Bơm tiêm vô trùng phù hợp với số lượng máu cần lấy

Kim vô trùng, cỡ kim 20 -21 cho người lớn, 23 -25 cho trẻ em

Lấy máu qua CVP: 2 bơm tiêm 10ml vô trùng, 1 bơm tiêm 10 ml chứa nước muối sinh lý.

Cấy máu: 2 bơm tiêm 20 ml vô trùng, kim vô trùng (cỡ kim 20 -21G cho người lớn, 23 -25G cho trẻ em), ống đựng máu cấy vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí.

Hình 1. Các loại ống nghiệm

Các bước thực hiện

Bảng kiểm quy trình kỹ thuật lấy máu làm xét nghiệm

 

Xem tiếp phần 2

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top