✴️ Dùng thuốc bổ máu cần lưu ý gì?

Thuốc bổ máu là loại thuốc dùng cho những người bị thiếu máu. Dùng thuốc bổ máu cần lưu ý và tuân thủ các nguyên tắc nếu không có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu.

Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm lượng hemoglobin (huyết cầu tố) trong một đơn vị thể tích máu. Biểu hiện của thiếu máu là da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, mau mệt, khó thở khi gắng sức…

Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, nhưng thường hay gặp là do:

  • Thiếu các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu như: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu do thiếu acid folic, thiếu vitamin B12, thiếu protein.

  • Bên cạnh đó là những thiếu máu cấp tính (chảy máu…) hoặc mạn tính (giun móc, trĩ, loét dạ dày – tá tràng…).

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, cần phải bổ sung bằng thuốc bổ máu

 

Các thuốc có chất sắt

Nếu cơ thể thiếu sắt (chất cần thiết để tổng hợp huyết sắc tố) thì có thể dùng các thuốc có chứa các muối sắt hóa trị hai (sắt II). Trong cơ thể, chính sắt quyết định màu của máu và cả tính chất chủ yếu của máu nghĩa là khả năng liên kết ôxy và khả năng cho ôxy. Khả năng đó là của phức chất hem – một hợp phần của phân tử hemoglobin.

Thiếu máu do thiếu sắt có đặc điểm là:

  • Thiếu máu nhược sắc, hồng cầu nhỏ;

  • Trẻ em thiếu máu thường mệt mỏi, kém ăn, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tóc thưa dễ rụng, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức. Mặt khác, có thể gây rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động, ngôn ngữ và giảm trí thông minh, kết quả học tập kém hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi.

  • Người lớn thiếu máu thiếu sắt hay bị hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau ngực, kém minh mẫn, dễ mệt, hay quên, năng suất lao động giảm, phụ nữ thì kinh nguyệt không đều…

Khi thiếu máu thiếu sắt cấp tính, hay kéo dài thì nhất thiết phải bổ sung bằng thuốc có chứa sắt:

Có thể dùng các loại viên thuốc có chứa sắt đơn thuần như: viên sắt gluconat, sắt succinat, sắt oxalat…

Lưu ý khi dùng thuốc bổ chứa sắt

  • Muốn dùng viên sắt có hiệu quả thì không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng vì đã chuyển sang dạng sắt khó hòa tan.

  • Tác dụng phụ của viên sắt là buồn nôn, táo bón, nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Để tránh táo bón, một số viên sắt người ta có cho thêm đại hoàng vào để nhuận tràng, nhưng nếu dùng nhiều đại hoàng sẽ bị tiêu chảy, ngừng dùng sẽ hết. Hoặc dùng thuốc có sắt phối hợp với một số chất khác bào chế dưới dạng dung dịch hoặc sirô cho dễ uống như: tót héma, ferrolip, sắt peptonat hòa tan…

  • Khi dùng thuốc có sắt nên uống thêm vitamin C để sắt dễ được hấp thu. Mặt khác, không nên uống nhiều nước trà và quả xanh có nhiều tanin vì sẽ ức chế hấp thu sắt. Nên ăn nhiều rau tươi, quả chín có nhiều vitamin C. Sau khi dùng thuốc phục hồi đủ sắt thì ngừng thuốc, mà chỉ duy trì bằng chế độ ăn giàu chất sắt, protein và vitamin.

Bổ sung viên uống chứa sắt là phương pháp bổ máu thường dùng

 

Acid folic

Acid folic (còn gọi vitamin B9, vitamin Bc…) là một vitamin tan trong nước, biến đổi trong cơ thể dưới dạng hoạt động tetrahydrofolat (FH4) phân bố ở hầu hết các tổ chức, đặc biệt ở gan. Lượng acid folic dự trữ trong toàn bộ cơ thể rất ít, thay đổi từ 6 – 20mg. 

Thiếu acid folic làm chậm sự phân chia tế bào máu, gây thiếu máu.

Đặc điểm thiếu máu do thiếu acid folic là:

  • Thiếu máu hồng cầu to, hồng cầu không đều. Vì vậy, thuốc được sử dụng để phòng và điều trị các trường hợp thiếu máu hồng cầu to.

Cách dùng acid folic:

  • Acid folic được bào chế dưới dạng viên nén và ống tiêm, với các tên biệt dược: folacin, foldine, folvite, millafol… có bán rộng rãi trên thị trường.

  • Người lớn dùng 0,5-1mg/ngày, nếu thiếu máu nặng thì 5mg/ngày, uống đến khi hết thiếu máu. 

  • Dùng đường uống là đủ, chỉ dùng đường tiêm khi có hội chứng kém hấp thu nặng, hay khi dùng thuốc làm ức chế hấp thu acid folic.

  • Mặt khác, thiếu máu do thiếu acid folic thường hay phối hợp với thiếu sắt. Khi điều trị acid folic đơn thuần mà kết quả hạn chế, cần xem xét điều trị phối hợp sắt.

thuốc bổ máu

Acid folic thường được điều chế dưới dạng viên nén

 

Vitamin B12

Vitamin B12 còn gọi cyanocobalamin với hơn 100 tên biệt dược, dạng thuốc ống tiêm 100 – 500 và 1.000mcg. Bình thường trong cơ thể, vitamin B12 phân bố ở tất cả các tổ chức, nhưng chủ yếu ở gan, thận. Nó rất cần thiết cho một số phản ứng enzym tham gia vận chuyển gốc methyl để tổng hợp một số acid amin và mạch DNA. 

Thiếu vitamin B12 làm phân chia tế bào chậm ở tổ chức tạo máu gây thiếu máu. Khi thiếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu to, viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động khu trú ở chân. 

Lưu ý khi dùng:

  • Nhu cầu bình thường vitamin B12 hàng ngày từ 1 – 3mcg.

  • Với trẻ em bị thiếu vitamin B12, có thể cho trẻ tiêm bắp vitamin B12 từ 500 – 1.000mcg/ngày, kéo dài 6 – 8 tuần, sau đó duy trì mỗi tháng tiêm 1 lần.

  • Ngoài ra, có rất nhiều thực phẩm chứa vitamin B12 với hàm lượng cao, cần lưu ý bổ sung hàng ngày đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Có thể dùng thực phẩm có chứa vitamin B12 thay thế thuốc

Ngoài ra, các chất kể trên, còn nhiều chất khác có thể dùng trong điều trị thiếu máu như erythropoietin, recormon, vitamin B6, đồng, kẽm coban… Nhưng 3 chất đã đề cập ở trên là quan trọng, thường dùng trong điều trị thiếu máu do thiếu các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu (thiếu máu dinh dưỡng). Dùng riêng lẻ hay phối hợp với nhau là tùy tình trạng bệnh lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top