✴️ Thắc mắc thường gặp về giảm cân

Càng ra sức tập để giảm cân nhưng sau đó lại càng ăn uống tốt hơn. Làm thế nào để khắc phục?

Tác dụng tiêu hao năng lượng nhờ luyện tập phải bền bỉ và dần dần. Chính vì vậy, không cần thiết luyện tập quá nặng nhọc và quá lâu vì sẽ gây cảm giác rất mệt mỏi, kiệt sức, thèm ăn sau tập. Và nếu sau mỗi buổi tập, bạn lại ăn thật lực thì chẳng những không giảm cân mà ngược lại còn tăng cân nữa.

Vì vậy, cần lựa chọn những hình thức tập luyện thích hợp với lứa tuổi, ham muốn, sở thích cá nhân, nên tăng dần và duy trì ở mức 30 – 45 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Sau tập, nên uống nhiều nước khoáng để giảm tình trạng mất điện giải trong mồ hôi, ăn các hoa quả ít ngọt. Nên uống thêm vitamin B1 và C.

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ giảm cân tốt hơn là ăn 3 bữa chính?

Sai. Người thừa cân, béo phì nên ăn đủ 3 bữa một ngày. Sáng ăn bình thường nếu đang đi làm, đi học. Trưa ăn giảm đi và tối ăn ít.

Không nên ăn vặt nhiều vì sẽ càng làm lên cân. Không nên bỏ bữa, nhất là bữa sáng, vì sẽ làm cơ thể mệt mỏi và đến bữa sau sẽ ăn nhiều hơn bình thường, gây tăng tích mỡ.

Hoạt động mạnh lúc đói sẽ tiêu tốn nhiều calo, đốt cháy nhiều mỡ thừa hơn?

Trạng thái đói không ảnh hưởng đến lượng calo được tiêu thụ so với lúc no. Nhưng nếu hoạt động thể lực lúc đói thì để tạo năng lượng, cơ thể phải sử dụng chất béo dự trữ, do vậy mang lại hiệu quả thiêu đốt chất béo tốt hơn.

Sự trao đổi chất ở người béo kém hơn người gầy?

Đúng là chuyển hóa cơ bản ở người béo có xu hướng thấp hơn người gầy. Người càng béo và thời gian béo càng lâu năm thì cơ thể càng có xu hướng giảm tiêu hao mỡ (xu hướng tiết kiệm), do đó càng khó giảm cân.

Ngủ nhiều có giúp giảm cân?

Không hề. Ngủ nhiều và ít vận động sẽ làm sự tiêu hao năng lượng càng kém đi nên không giúp giảm cân, trái lại càng làm tăng cân.  

Trong trường hợp áp dụng chế độ ăn rất thấp năng lượng thì có thể tăng thời gian ngủ để cơ thể không quá mệt mỏi. Tuy nhiên, ngủ quá ít cũng ảnh hưởng xấu đến kết quả giảm cân, vì vậy bạn nên ngủ ở mức vừa phải.

Ngồi trong phòng lạnh hay nhà tắm hơi sẽ nhanh gầy vì cơ thể tiêu tốn năng lượng để điều hòa thân nhiệt?

Nếu bạn ngồi trong phòng quá lạnh, mặc quần áo không đủ ấm thì cơ thể sẽ phải tăng tiêu hao năng lượng để giữ thân nhiệt ở mức bình thường, nhưng điều này rất nguy hiểm vì bạn dễ cảm lạnh.

Nếu quá nóng, cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi để giảm nhiệt, khi đó cân nặng sẽ giảm nhưng thực ra chỉ là giảm lượng nước, còn lượng mỡ thì vẫn còn nguyên.

Cơ thể sẽ có xu hướng bù lại lượng nước hao hụt qua đường uống, và cân nặng sẽ tăng trở lại. Việc toát nhiều mồ hôi do quá nóng còn gây mất điện giải, gây mệt mỏi.

Trẻ em béo phì có nên bỏ uống sữa không?

Không nên vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính, dễ hấp thu cho trẻ, vốn đang có nhu cầu phát triển xương mạnh khiến trẻ em bị béo phì.

Có cách gì hạn chế tối đa cảm giác luôn phải đấu tranh tư tưởng khi thèm ăn?

Nên tránh xem những chương trình, sách báo giới thiệu món ăn giàu năng lượng và chất béo. Tránh đến những chỗ ăn buffet vì bạn sẽ dễ bị ăn quá đà, tránh đến những buổi tiệc tùng, liên hoan.

Không nên mua về nhà những thực phẩm không nằm trong hạng mục bạn nên ăn. Mua giảm thực phẩm so với trước kia để không tạo điều kiện cho việc ăn uống quá tiêu chuẩn.

Những điểm trên đây sẽ khó thực hiện nếu những thành viên khác trong gia đình không thừa cân. Do đó, ý chí và sự tự giám sát là rất quan trọng.

Trong trường hợp không thể giảm ăn bằng ý chí thì có thể sử dụng thuốc ức chế sự ngon miệng, dùng liên tục hoặc ngắt quãng tuỳ theo sự đáp ứng của cơ thể bạn và chỉ định của bác sĩ.

Thuốc có thể gây những tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, đau đầu, hoa mắt…

Có nên phẫu thuật khi áp dụng các biện pháp giảm cân thất bại?

Đôi khi, để điều trị cho người béo phì nặng (BMI trên 40) đã thất bại với những biện pháp khác điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại khoa như làm cầu nối dạ dày, tạo hình thắt dạ dày thẳng đứng và thắt dạ dày nhằm giảm tiêu thụ thức ăn.

Tuy nhiên, phương pháp này có thể dẫn đến tai biến như thoát dịch miệng nối, nhiễm trùng vết mổ, hở vết mổ, tắc ruột, suy tuần hoàn, suy hô hấp, nghẽn mạch phổi… Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi suốt đời để giám sát những biến chứng có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top