Vú to ở đàn ông là bệnh gì?
Bệnh vú to ở đàn ông hay còn được gọi với tên khoa học là Gynecomastia, bệnh chỉ tình trạng gia tăng số lượng mô tuyến vú ở bé trai hoặc nam giới do sự mất cân bằng hormone estrogen và testosterone.
Gynecomastia có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai vú, đôi khi không đồng đều.
Trẻ sơ sinh, bé trai trải qua tuổi dậy thì và đàn ông lớn tuổi có thể phát triển bệnh gynecomastia do sự thay đổi bình thường của nồng độ hormone, mặc dù các nguyên nhân khác cũng tồn tại.
Nói chung, gynecomastia không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng bệnh này lại gây ảnh hưởng đến tâm lý của người mắc bệnh. Nam giới bị gynecomastia đôi khi bị đau ở ngực và cảm thấy xấu hổ khi tiếp xúc với đám đông.
Gynecomastia có thể tự biến mất. Nếu nó vẫn tồn tại, thuốc hoặc phẫu thuật có thể giúp điều trị.
Các dấu hiệu của gynecomastia bao gồm:
- Mô vú bị sưng
- Vú mềm
Nguyên nhân gây nên bệnh vú to ở đàn ông
Thay đổi nội tiết tố tự nhiên
Các hormone testosterone và estrogen kiểm soát các đặc điểm giới tính ở cả nam và nữ. Testosterone kiểm soát các đặc điểm của nam giới, chẳng hạn như khối cơ và lông trên cơ thể. Estrogen kiểm soát các đặc điểm của phụ nữ, bao gồm cả sự phát triển của ngực.
Hầu hết mọi người nghĩ về estrogen như một loại hormone mà chỉ có nữ giới mới có, tuy nhiên đàn ông cũng sản xuất estrogen với số lượng nhỏ. Nồng độ estrogen của nam giới quá cao hoặc mất cân bằng với nồng độ testosterone có thể gây ra bệnh vú to.
- Gynecomastia ở trẻ sơ sinh: Hơn một nửa số trẻ sơ sinh nam được sinh ra với bộ ngực mở rộng do ảnh hưởng estrogen của mẹ. Thông thường, các mô vú bị sưng sẽ biến mất trong vòng hai đến ba tuần sau khi sinh.
- Gynecomastia trong giai đoạn dậy thì: Gynecomastia gây ra bởi sự thay đổi hormone trong tuổi dậy thì là tương đối phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, các mô vú bị sưng sẽ biến mất mà không cần điều trị trong vòng 6 tháng đến 2 năm.
- Gynecomastia ở người lớn: Tỷ lệ mắc bệnh gynecomastia cao nhất trong độ tuổi từ 50 đến 69. Ít nhất 1 trong 4 nam giới trong độ tuổi này bị ảnh hưởng.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra gynecomastia. Bao gồm:
- Anti-androgen được sử dụng để điều trị tuyến tiền liệt mở rộng, ung thư tuyến tiền liệt và các tình trạng khác. Ví dụ bao gồm flutamide, finasteride (Proscar, Propecia) và spironolactone (Aldactone, Carospir).
- Steroid đồng hóa và androgen, được bác sĩ kê đơn cho một số bệnh nhất định.
- Thuốc chữa AIDS: Gynecomastia có thể phát triển ở những người đàn ông nhiễm HIV và điều trị bằng liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao. Efavirenz (Sustiva) thường liên quan đến gynecomastia hơn là các loại thuốc điều trị HIV khác .
- Thuốc chống lo âu, chẳng hạn như diazepam (Valium).
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Kháng sinh.
- Thuốc loét, chẳng hạn như thuốc không kê đơn cimetidine (Tagamet HB).
- Điều trị ung thư
- Thuốc tim, chẳng hạn như digoxin (Lanoxin) và thuốc chẹn kênh canxi.
- Thuốc làm rỗng dạ dày, chẳng hạn như metoclopramide (Reglan).
Sử dụng chất kích thích
Những chất có thể gây bệnh gynecomastia bao gồm:
- Rượu
- Amphetamines, được sử dụng để điều trị rối loạn thiếu tập trung / hiếu động thái quá
- Cần sa
- Heroin
- Methadone (Methadone, Dolophine)
Tình trạng sức khỏe
Một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra gynecomastia bằng cách ảnh hưởng đến sự cân bằng bình thường của hormone:
- Suy tuyến sinh dục: Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất testosterone ở nam giới, chẳng hạn như hội chứng Klinefelter hoặc suy tuyến yên, có thể liên quan đến gynecomastia.
- Sự lão hóa: Thay đổi nội tiết tố xảy ra khi bị lão hóa có thể gây ra gynecomastia, đặc biệt là ở những người đàn ông thừa cân béo phì
- Khối u: Những khối u liên quan đến tinh hoàn, tuyến thượng thận hoặc tuyến yên, có thể sản xuất hormone làm thay đổi cân bằng hormone nam-nữ.
- Bệnh cường giáp: Trong tình trạng này, tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thyroxine.
- Suy thận: Khoảng một nửa số người được điều trị bằng lọc máu mắc bệnh vú tó do thay đổi nội tiết tố.
- Suy gan và xơ gan: Sự thay đổi nồng độ hormone liên quan đến các vấn đề về gan và thuốc điều trị xơ gan có liên quan đến gynecomastia.
- Suy dinh dưỡng: Khi cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, nồng độ testosterone giảm trong khi nồng độ estrogen vẫn giữ nguyên, gây mất cân bằng nội tiết tố. Hội chứng tái dưỡng khi nam giới ăn uống bình thường trở lại cũng có thể gây ra bệnh vú to.
Điều trị bệnh vú to ở đàn ông bằng cách nào?
Để chữa vú to, việc đầu tiên là tìm ra nguyên nhân bằng cách khám kỹ, kể cả khám bộ phận sinh dục và làm các xét nghiệm sinh học nhằm định lượng các loại hoóc môn gây bệnh.
Từ đó, bác sĩ có phương pháp điều trị triệt để theo nguyên nhân. Các loại thuốc thường được chỉ định là thuốc nội tiết tố nam sử dụng dưới dạng uống, kem bôi và tiêm bắp, thường phải dùng kéo dài trên 3 tháng, hiệu quả thấp, chủ yếu là làm giảm đau.
Các thuốc kháng estrogen như Tamoxifen cũng được sử dụng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị có hiệu quả, nhất là khi vú quá to và gây đau.
Quá trình mổ cũng rất đơn giản, ít biến chứng và bệnh nhân có thể ra về trong ngày. Phẫu thuật giúp người bệnh mất mặc cảm tự ti, lấy lại cân bằng trong cuộc sống và trong quan hệ xã hội.
Xem thêm: Một số bệnh lý Tuyến Vú ở nam giới
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh