✴️ Đau hạ sườn trái là biểu hiện của bệnh gì?

1. Đau dây thần kinh liên sườn

Khởi đầu cơn đau thường bắt đầu từ một điểm, sau đó lan dọc theo hướng đi của xương sườn, đau nhói, giật, sau đó vùng đau lan sang các khu vực xương sườn khác.

Nếu đau dây thần kinh liên sườn, bạn không cần quá lo lắng vì bệnh sẽ không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe. Bạn chỉ cần đi thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định sử dụng một số thuốc giảm đau, chống viêm, và một số thuốc hỗ trợ khác trong khoảng thời gian 2 tuần bệnh sẽ đỡ và các triệu chứng trên sẽ không còn.

 

2. Viêm dạ dày – đại tràng

Các biểu hiện của viêm dạ dày, đại tràng và đau dây thần kinh liên sườn khá giống nhau. Thường thì cơn đau sẽ xuất hiện tại một điểm bên trái, đau nhói, sau đó lan sang các khu vực xung quanh. Đặc biệt, người bệnh sẽ cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, ợ chua, đau bụng kèm sút cân không rõ nguyên nhân, đại tiện phân thay đổi lúc rắn, lúc nát, có thể có lẫn máu và chất nhầy trong phân, cảm giác mót đại tiện mặc dù vừa mới đi xong.

Viêm dạ dày có thể gây loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày và thậm chí viêm dạ dày kéo dài có thể gây ung thư dạ dày. Do đó, nếu có biểu hiện đau hạ sườn phải kèm theo triệu chứng trên, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời.

Đau hạ sườn trái do viêm dạ dày, đại tràng (ảnh minh họa)

 

3. Hội chứng ruột kích thích

Các biểu hiện của hội chứng ruột kích thích cũng tương tự như viêm dạ dày. Tuy nhiên, nếu mắc hội chứng ruột kích thích thì các cơn đau hạ sườn trái thường sẽ nhói trong một khoảng thời gian rất ngắn, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu ở bụng như tức bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nhưng các triệu chứng này sẽ đỡ hơn sau khi người bệnh đi đại tiện xong.

 

4. Viêm tụy

Viêm tụy có thể là viêm cấp hoặc mạn tính. Khi bị viêm tụy người bệnh thường có biểu hiện đau và cảm giác sưng ở vùng bụng phía bên trái, đau có thể xuyên ra sau lưng, sốt , buồn nôn, nhịp tim đập nhanh. Khi đó bạn nên đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp xử trí kịp thời tránh gây nguy hiểm.

 

5. Đau hạ sườn trái cảnh báo sỏi thận

Thông thường các biểu hiện đau hạ sườn trái do sỏi thận hay nhiễm trùng thận gây ra thường rất giống nhau và khó phân biệt. Thường thì sỏi thận trái sẽ gây ra các cơn đau vùng hạ sườn phía bên trái, khi này người bệnh sẽ cảm thấy đau ở cả vùng bụng và lưng, đau khi đi tiểu, nước tiểu có thể có máu. Nếu sỏi thận lâu không được điều trị có thể gây hư thận, suy thận, viêm đường tiết niệu gây thận ứ nước, mất chức năng thận và có thể phải cắt bỏ thận nếu không điều trị kịp thời.

Đạu ở hạ sườn trái có thể do sỏi thận (ảnh minh họa)

 

6. Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận trái có thể gây đau ở vùng bụng trên bên trái. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng thận có thể gồm đau vùng hạ sườn trái kèm theo sốt, đi tiểu thường xuyên, đau khi đi tiểu, đau ở lưng và háng, nôn hoặc buồn nôn.

Nhiễm trùng thận có thể nguy hiểm, vì vậy người có các triệu chứng trên nên đi khám bác sĩ ngay, để điều trị bằng kháng sinh hoặc có thể can thiệp ngoại khoa ngay khi cần thiết.

 

7. Xương sườn bị tổn thương

Nếu bạn bị chấn thương vùng xương sườn có thể bị bầm tím hoặc gãy, khi này sẽ gây đau quanh chỗ xương sườn bị ảnh hưởng, kèm theo các triệu chứng đau ngực khi hít vào. Xương sườn bị tổn thương nhẹ có thể tự liền sau 3-6 tuần, trường hợp gãy xương sườn có thể khiến xương chọc vào các cơ quan xung quanh rất nguy hiểm, khi đó bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Trên đây là những bệnh lý liên quan đến triệu chứng đau hạ sườn trái. Khi xuất hiện các cơn đau vùng hạ sườn bạn cần thăm khám ngay để tránh những hệ quả khôn lường sau này. 

Có thể bạn quan tâm: đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm không?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top