✴️ Những điều cần biết về đốm nâu trên răng

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân hình thành các đốm đổi màu trên răng, cũng như các cách để ngăn ngừa và loại bỏ chúng.

Nguyên nhân

Những yếu tố sau có thể dẫn tới việc hình thành các đốm nâu trên răng:

Đồ ăn và thức uống

Nhiều loại thực phẩm và đồ uống màu sẫm có chứa các chất hóa học được gọi là chất tạo màu. Giống như axit tannic trong rượu vang đỏ, những chất hóa học này có thể nhuộm màu men răng.

Theo thời gian, những vết nhiễm màu này có thể tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt khi bạn có thói quen vệ sinh răng miệng kém.

Thực phẩm và đồ uống có chứa màu nhân tạo và chất nhuộm màu cũng có thể khiến răng bị ố đi đáng kể.

Nicotin và các sản phẩm thuốc lá

Những sản phẩm này chứa các hạt có thể gắn dính vào các lỗ cực nhỏ trong men răng. Các hạt tích tụ khi sử dụng thuốc lá nhiều lần và có thể làm răng bị ố vàng.

Các vết ố do hút thuốc, nhai hoặc ngậm thuốc lá có xu hướng trở nên sẫm màu hơn và khó loại bỏ hơn theo thời gian.

Vôi răng

Hàng ngàn vi khuẩn trong miệng liên tục trộn lẫn với nước bọt và và các mảnh thức ăn để tạo thành một lớp màng trong mờ, dính được gọi là mảng bám.

Chúng ta kiểm soát mức độ mảng bám bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Vệ sinh răng miệng kém khiến mảng bảm cứng lại thành một lớp phủ cố định được gọi là vôi răng hay cao răng.

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng kém, các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ hình thành vôi răng:

  • Hút thuốc lá;
  • Bị ốm nặng, nằm liệt giường hoặc không cử động được;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Thay đổi nội tiết tố, như những thay đổi xảy ra trong tuổi dậy thì, thai kỳ và mãn kinh;
  • Dùng thuốc làm giảm lưu lượng nước bọt trong miệng, chẳng hạn như thuốc chẹn thần kinh hoặc thuốc điều trị AIDS.

Sâu răng

Vi khuẩn trong mảng bám và vôi răng chuyển hóa đường trong miệng tạo ra axit, làm suy yếu men răng. Mảng bám dày, dính chắc khiến các axit này dính vào răng trong thời gian dài.

Khi axit làm suy yếu men răng, các lớp vàng nhạt bên dưới lớp men trở nên thấy rõ hơn. Sau đó, răng có thể chuyển sang màu nâu vàng. Nếu sâu răng đến mức độ nghiêm trọng, các axit có thể bào mòn tạo thành một lỗ hoặc xoang sâu xuyên qua răng. Điều này khiến răng trở nên sẫm màu.

Ngay cả những vết nứt và vỡ nhỏ trên răng cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến sâu răng.

Nhiều người xuất hiện các đốm sâu sẫm màu xung quanh bờ miếng trám hay mão răng khi vi khuẩn xâm nhập qua các vết nứt.

Sâu răng thường khá khó chịu và có thể đau ở xoang sâu lớn. Tình trạng này có thể dẫn đến tình trạng lộ chân răng hay dây thần kinh trong tủy, vì vậy những răng này thường nhạy cảm với đồ ăn và thức uống nóng hoặc lạnh.

Tuổi tác

Ở người lớn tuổi, lớp men màu trắng bảo vệ răng dần dần bị thoái hóa, làm lộ lớp ngà răng màu vàng bên dưới. Quá trình tự nhiên này có thể dẫn đến sự hình thành các đốm hoặc các mảng lớn màu nâu vàng.

Di truyền

Răng tự nhiên của mỗi người có màu sắc khác nhau. Những yếu tố di truyền khác bao gồm:

  • Độ bền chắc của men răng;
  • Mức độ men răng đáp ứng với các sắc tố và axit;
  • Mức độ mài mòn và nứt men răng;
  • Các bệnh lý di truyền, như bệnh sinh ngà bất toàn;
  • Các bệnh lý về phát triền cản trở sự hình thành xương và răng.

Điều trị nha khoa trước đó

Miếng trám, mão răng hay cầu răng đều bị mòn đi và mất màu. Ngoài ra, kim loại trong miếng trám có thể gây nhiễm màu vào mô răng theo thời gian.

Điều trị nội khoa

Một số loại thuốc gây đổi màu răng, chẳng hạn như kháng sinh tetracycline và các loại cùng nhóm. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ.

Những thuốc khác có liên quan đến sự hình thành đốm nâu trên răng như:

  • Glibenclamide (Glynase);
  • Chlorhexidine – một chất thường có trong các loại thuốc súc miệng một dạng nước súc miệng.

Thiểu sản men

Bệnh lý này là do quá trình phát triển men răng bị gián đoạn khiến men răng trở nên cứng nhưng mỏng. Răng có các mảng màu trắng như phấn hoặc nâu vàng.

Thiểu sản men có thể do mắc phải nhưng thỉnh thoảng cũng xuất hiện khi mới sinh. Trong trường hợp này, nó được gọi là sinh men bất toàn.

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến của thiểu sản men là:

  • Không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, chủ yếu là canxi;
  • Chấn thương khi sinh hoặc sinh non;
  • Nhiễm virut và vi khuẩn, như bệnh sởi hoặc thủy đậu;
  • Bệnh của mẹ hoặc suy dinh dưỡng khi mang thai;
  • Tiếp xúc với các chất độc và chất gây dị ứng;
  • Nhiễm fluor hoặc nuốt phải fluor;
  • Chấn thương hoặc tổn thương răng.

Bệnh Celiac

Các triệu chứng răng miệng thường là dấu hiệu đáng chú ý đầu tiên của bệnh celiac, như:

  • Các mảng hoặc đốm đổi màu nâu, vàng hoặc trắng;
  • Men răng yếu;
  • Răng có các chấm lỗ rỗ hoặc trong suốt

Các răng thường bị ảnh hưởng là răng cối và răng cửa và thường xuất hiện ở cả 2 bên miệng.

Nhiễm fluor

Quá nhiều fluor có thể làm men răng bị nhiễm màu, đặc biệt ở trẻ em dưới 8 tuổi.

Sự đổi màu này còn được gọi là nhiễm fluor. Nó có thể xuất hiện dưới dạng đường màu tráng hoặc xám trên răng. Trong một số trường hợp nặng, nhiễm fluor có thể gây ra các đốm và vết rỗ nâu sẫm.

Mặc dù các triệu chứng có thể tương tự với sâu răng nhưng tình trạng nhiễm fluor nói chung là vô hại.

Điều trị

Nguyên nhân hình thành các đốm nâu trên răng sẽ quyết định phương pháp điều trị.

Những biện pháp tại nhà sau đây có thể loại bỏ các vết nhiễm màu do thức ăn, đồ uống hoặc thói quen sinh hoạt như hút thuốc:

  • Đánh răng bằng hỗn hợp muối nở (baking soda) và nước vài ngày một lần;
  • Súc miệng bằng dung dịch oxy già pha loãng mỗi ngày hoặc vài ngày một lần. Luôn luôn súc miệng lại bằng nước.

Nhiều sản phẩm có thể loại bỏ sự đổi màu của răng. Bạn thường có thể sẽ thấy kết quả sau 1 đến 2 tuần.

  • Nước súc miệng làm trắng có chứa hydrogen peroxide;
  • Kem đánh răng làm trắng có chứa natri hypoclorid;
  • Miếng dán làm trắng răng chứa carbamide peroxide;
  • Hệ thống khay làm trắng răng gồm gel tẩy trắng carbamide peroxide.

Nếu sự đổi màu là do vôi răng hoặc bệnh lý nào đó, bạn có thể cần phải đi khám nha sĩ.

Nha sĩ hoặc y sĩ nha khoa sẽ sử dụng các dụng cụ để cạo vôi răng và mảng bám ra khỏi răng. Nha sĩ cũng có thể thực hiện các thủ thuật nhỏ để làm trắng răng và bảo vệ răng ko bị sâu, như tẩy trắng răng và bôi fluor tại chỗ.

Sự đổi màu răng liên quan đến bệnh celiac là tổn thương vĩnh viễn. Tương tự như vậy, hầu hết các vết ố và đốm màu do nhiễm flour hoặc sâu răng đều không thể phục hồi được.

Đối với các đốm nâu vĩnh viễn hoặc cứng đầu, nha sĩ có thể che đi sự đổi màu hoặc ngăn đổi màu thêm với:

  • Miếng trám composite màu trắng;
  • Mặt dán sứ;
  • Mão răng;

Nha sĩ cũng có thể khuyên bạn nên đeo hàm bảo vệ hoặc hàm duy trì ban đêm.

Phòng ngừa

Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa các đốm nâu trên răng là thực hiện vệ sinh răng miệng tốt.

Các mẹo sau đây có thể có ích:

  • Đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluor trong 2 phút hai lần mỗi ngày;
  • Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần;
  • Súc miệng bằng nước hoặc đánh răng sau khi ăn, đặc biệt khi bữa ăn có chứa nhiều đường, chất tạo màu hoặc tannins;
  • Sử dụng nước súc miệng có chứa fluor hàng ngày. Điều này không khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi;
  • Thường xuyên kiểm tra và làm sạch răng miệng định kỳ;
  • Không sử dụng nicotine hoặc các sản phẩm thuốc lá;
  • Sử dụng ống hút khi uống các thức uống khác nước lọc;
  • Đến khám nha sĩ để được tư vấn về các thói quen gây hại cho răng, như nghiến răng.

Những thứ sau đâu có thể gây ố màu răng và làm men răng yếu đi, nên tránh sử dụng:

  • Đồ ăn và thức uống chứa đường;
  • Thực phẩm có chứa màu nhân tạo;
  • Trà và cà phê;
  • Rượu vang đỏ và các loại rượu sẫm màu khác;
  • Nước ép trái cây sậm màu;
  • Các loại quả họ cam chanh;
  • Nước tương sậm màu, như tương đậu nành hay tương cà.

Một số thực phẩm có thể giúp tăng độ bền chắc của men răng và ngăn ngừa sự đổi màu. Những thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp làm sạch vi khuẩn và các mảng bám trên răng. Một số loại khác tạo hàng rào bảo vệ răng khỏi việc hình thành mảng bám hoặc chứa các hóa chất giúp trung hòa các axit làm yếu men răng.

Các loại thực phẩm giúp ngăn ngừa đổi màu răng bao gồm:

  • Rau xanh, rau lá như cải xoăn, cải bó xôi và bông cải xanh;
  • Phô mai và sữa chua lên men;
  • Trái cây và rau quả giàu chất xơ, như táo, mận, lê và cần tây;
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như cà rốt, gừng và tỏi;
  • Ngũ cốc nguyên hạt;
  • Các loại hạt.

Tổng kết

Các đốm màu nâu trên răng thường do việc vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá hoặc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm và đồ uống sẫm màu.

Các đốm bên ngoài răng có thể được loại bỏ và ngăn ngừa một cách dễ dàng.

Hiếm khi các đốm nâu trên răng báo hiệu cho một bệnh lí hoặc chúng chỉ có thể là tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó.

Nếu các đốm nâu không đi kèm với các triệu chứng khác hoặc không đáp ứng với điều trị không kê toa, bạn nên đi khám bác sĩ.

Bạn nên nói chuyện với nha sĩ khi không chắc chắn về nguyên nhân gây đổi màu răng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top