✴️ Thiếu máu ác tính: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Thiếu máu ác tính là gì?

Thiếu máu là một tình trạng bệnh lý trong đó máu có ít các tế bào hồng cầu bình thường.

Thiếu máu ác tính là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu vitamin B12. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình tự miễn dịch khiến bạn không thể tạo ra một chất trong dạ dày được gọi là yếu tố nội tại.

Chất này cần thiết để hấp thu vitamin B12 trong chế độ ăn uống ở ruột non. Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng cần thiết giúp duy trì sản xuất và hoạt động của tế bào hồng cầu trong cơ thể.

Thiếu máu ác tính là một tình trạng hiếm gặp, xảy ra ở 0,1% dân số nói chung và 1,9% ở những người trên 60 tuổi, theo một nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí Y học Huyết học.

Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng có tới 50% trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12 ở người lớn là do thiếu máu ác tính.

Loại thiếu máu này được gọi là “ác tính” vì nó từng được coi là một căn bệnh chết người do thiếu phương pháp điều trị.

Ngày nay, tình trạng này tương đối dễ điều trị bằng cách tiêm vitamin B12 hoặc có thể bổ sung bằng đường uống. Nếu không được điều trị, việc thiếu hụt vitamin B12 do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể dẫn đến các biến chứng nặng.

 

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu ác tính là gì?

Sự tiến triển của bệnh thiếu máu ác tính thường chậm. Có thể khó nhận ra các triệu chứng vì bạn có thể đã quen với việc cảm thấy không khỏe.

Các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Mệt mỏi;

  • Sức khỏe yếu;

  • Đau đầu;

  • Đau tức ngực;

  • Sụt cân;

  • Da nhợt nhạt.

Trong những trường hợp thiếu vitamin B12 nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài, kể cả những trường hợp do thiếu máu ác tính, bạn có thể gặp phải các triệu chứng thần kinh, như:

  • Dáng đi không vững;

  • Bệnh thần kinh ngoại biên, như tê ở cánh tay và chân;

  • Suy nhược cơ bắp;

  • Trầm cảm;

  • Mất trí nhớ;

  • Sa sút trí tuệ.

Các triệu chứng khác của tình trạng thiếu hụt vitamin B12, bao gồm do bệnh thiếu máu ác tính là:

  • Buồn nôn và nôn ói;

  • Đãng trí;

  • Táo bón;

  • Ăn mất ngon;

  • Ợ nóng.

 

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu ác tính

Thiếu máu ác tính có liên quan đến tình trạng viêm tự miễn trong dạ dày và không có khả năng hấp thu vitamin B12 ở ruột non.

Trong khi thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể do thiếu vitamin B12 trong chế độ ăn uống, thì thiếu máu ác tính là do không có khả năng hấp thu vitamin B12.

Có hai nguyên nhân gây bệnh thiếu máu ác tính: tự miễn và di truyền.

Thiếu máu ác tính xảy ra khi dạ dày không thể tạo ra các yếu tố nội tại và ruột non không thể hấp thu vitamin B12 từ chế độ ăn uống, kể cả từ thực phẩm.

Thiếu máu ác tính đôi khi được cho là có liên quan đến một số bệnh nội tiết tự miễn như:

  • Bệnh đái tháo đường tuýp 1;

  • Suy tuyến cận giáp;

  • Bệnh lý Addison;

  • Bệnh Graves.

Trong hầu hết các trường hợp thiếu máu ác tính, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào, được gọi là tế bào thành, là các tế bào sản xuất yếu tố nội tại trong dạ dày.

 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu ác tính

Một số người có nhiều khả năng bị thiếu máu ác tính hơn những người khác.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh;

  • Là người gốc Bắc Âu hoặc Scandinavi;

  • Mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc các tình trạng tự miễn khác;

  • Đã cắt bỏ một phần dạ dày;

  • 60 tuổi trở lên.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh thiếu máu ác tính cũng tăng dần theo tuổi.

 

Thiếu máu ác tính so với các dạng thiếu vitamin B12 khác

Sự thiếu hụt vitamin B12 khác, như thiếu hụt do chế độ ăn uống, thường bị nhầm lẫn với bệnh thiếu máu ác tính.

Thiếu máu ác tính chủ yếu được cho là một rối loạn tự miễn làm tổn thương các tế bào thành trong dạ dày và ức chế hoạt động bình thường của các yếu tố nội tại.

Tuy nhiên, bệnh thiếu máu ác tính cũng có thể do di truyền trong gia đình. Cũng có những đứa trẻ mắc bệnh thiếu máu ác tính bị khiếm khuyết về gen bẩm sinh khiến chúng không thể tạo ra yếu tố nội tại.

Thiếu máu ác tính và thiếu máu do thiếu vitamin B12 do kém hấp thu ở ruột non có thể được bác sĩ điều trị bằng cách tiêm bắp B12.

Bổ sung vitamin B12 đường uống liều cao có thể là một lựa chọn hiệu quả cho một số người mắc bệnh thiếu máu ác tính.

Ở những người bị thiếu máu do thiếu vitamin B12 mà cơ thể có thể hấp thu vitamin B12, việc bổ sung vitamin bằng đường uống và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả.

Thiếu máu ác tính so với các dạng thiếu vitamin B12 khác

 

Các yếu tố nguy cơ thiếu vitamin B12 do các nguyên nhân khác

Các yếu tố nguy cơ thiếu vitamin B12 do các nguyên nhân khác gồm:

  • Thiếu yếu tố nội trại trong cơ thể;

  • Các vấn đề ở ruột non;

  • Các nguyên nhân khác gây viêm niêm mạc dạ dày (Viêm dạ dày thể teo);

  • Cắt dạ dày, là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày;

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa;

  • Sử dụng lâu dài thuốc kháng axit.

Vitamin B12 có vai trò tạo hồng cầu. Cơ thể cần được cung cấp đủ lượng vitamin B12, có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như:

  • Thịt;

  • Trứng;

  • Sữa hạt dinh dưỡng (đậu nành, các loại hạt và gạo).

Cơ thể bạn cũng cần một loại protein được gọi là yếu tố nội tại để hấp thu vitamin B12. Yếu tố nội tại là một loại protein được sản xuất bởi các tế bào thành trong dạ dày.

Sau khi bạn tiêu thụ vitamin B12, nó sẽ di chuyển đến dạ dày, nơi các yếu tố nội tại tạo liên kết với B12. Cả hai sau đó được hấp thụ trong phần cuối cùng của ruột non.

Các bệnh lý ở ruột non có thể gây thiếu hụt vitamin B12. Những bệnh này gồm:

  • Bệnh Celiac;

  • Bệnh Crohn’s;

  • HIV.

Thiếu vitamin B122 cũng có thể xảy ra nếu phần hồi tràng của ruột non được phẫu thuật cắt bỏ.

Sự phá vỡ hệ vi khuẩn thường trú của ruột non cũng có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin B12. Thuốc kháng sinh có thể gây ra sự thiếu hụt vi khuẩn cần thiết để duy trì sự hấp thu của đường ruột.

Một số người khác có thể có quá nhiều vi khuẩn ruột non cũng gây ra tình trạng kém hấp thu và thiếu hụt vitamin B12.

 

Chẩn đoán thiếu máu ác tính

Bác sĩ thường sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thiếu máu ác tính, chẳng hạn như:

  • Công thức máu toàn phần. Xét nghiệm này có thể tầm soát bệnh thiếu máu nói chung bằng cách xem xét nồng độ hemoglobin và hematocrit;

  • Nồng độ vitamin B12. Nếu nghi ngờ thiếu hụt vitamin B12 là nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu, bác sĩ có thể đánh giá nồng độ vitamin B12 của bạn thông qua loại xét nghiệm máu này. Mức thấp hơn bình thường cho thấy tình trạng thiếu hụt;

  • Yếu tố nội tại và kháng thể tế bào thành. Mẫu máu được xét nghiệm để tìm kháng theerr chống lại yếu tố nội tại và các tế bào thành của dạ dày.

Trong một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, các kháng thể có nhiệm vụ tìm ra vi khuẩn hoặc vi rút. Sau đó chúng đánh dấu vi khuẩn xâm nhập để tiêu diệt.

Trong một bệnh tự miễn như thiếu máu ác tính, hệ thống miễn dịch của cơ thể ngừng phân biệt giữa mô bệnh và mô khỏe mạnh. Trong trường hợp này, các tự kháng thể phá hủy các tế bào dạ dày tạo ra yếu tố nội tại và cản trở chức năng của nó.

 

Điều trị bệnh thiếu máu ác tính

Điều trị bệnh thiếu máu ác tính là một quá trình gồm hai phần. Bác sĩ sẽ điều trị bất kỳ tình trạng thiếu hụt vitamin B12 nào hiện có.

Điều trị bệnh thiếu máu ác tính thường bao gồm:

  • Các mũi tiêm vitamin B12 được theo dõi chặt chẽ theo thời gian;

  • Theo dõi nồng độ vitamin B12 trong máu trong quá trình điều trị;

  • Điều chỉnh liều vitamin B12 cho phù hợp.

Có thể tiêm vitamin B12 hàng ngày hoặc hàng tuần cho đến khi nồng độ B12 trở lại mức bình thường. Trong vài tuần đầu điều trị, bác sĩ có thể khuyên bạn nên hạn chế hoạt động thể chất.

Sau khi nồng độ vitamin B12 về mức bình thường, bạn có thể chỉ cần tiêm một lần mỗi tháng. Bạn có thể tự mình tiêm hoặc nhờ người khác tiêm ở nhà để tiết kiệm thời gian đi khám.

Sau khi nồng độ vitamin B12 của bạn về mức bình thường, bác sĩ có thể đề nghị bạn uống bổ sung B12 thay vì tiêm.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự thiếu hụt yếu tố nội tại của bạn khiến bạn có thể bị kém hấp thu vitamin B12 ở ruột, việc tiêm vitamin B12 có thể là cách điều trị duy nhất của bệnh thiếu máu ác tính.

 

Các biến chứng

Bác sĩ có thể sẽ muốn khám bệnh lâu dài cho bạn. Điều này giúp bác sĩ  theo dõi những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh thiếu máu ác tính có thể xảy ra.

Một biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn là ung thư dạ dày. Bác sĩ có thể theo dõi các triệu chứng của ung thư khi thăm khám định kỳ và thông qua hình ảnh chụp chiếu và sinh thiết, nếu cần.

Các biến chứng tiềm ẩn khác của bệnh thiếu máu ác tính gồm:

  • Tổn thương thần kinh ngoại biên;

  • Các vấn đề về đường tiêu hóa;

  • Các vấn đề về trí nhớ, đãng trí hoặc các triệu chứng về thần kinh khác;

  • Vấn đề về tim.

Những biến chứng này thường xuất phát từ bệnh thiếu máu ác tính kéo dài. Chúng có thể tồn tại vĩnh viễn nhưng có thể kiểm soát hiệu quả.

 

Tổng quan

Nhiều người bị thiếu máu ác tính cần điều trị và theo dõi lâu dài. Điều này có thể giúp ngăn ngừa tổn thương từ các hệ thống cơ thể khác nhau.

Khám chuyên khoa với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có các triệu chứng của bệnh thiếu máu ác tính. Bạn được chẩn đoán và bắt đầu điều trị cũng như theo dõi càng sớm thì kết quả điều trị của bạn càng tốt, từ đó ngăn ngừa bất kỳ vấn đề nào trong tương lai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top