✴️ Những điều cần biết về cận thị

Nội dung

Cận thị là một tình trạng phổ biến của mắt trong đó mắt gặp khó khăn trong việc nhìn xa nhưng vẫn có thể nhìn rõ nét các vật ở khoảng cách gần.

Cận thị có thể được điều trị bằng cách đeo kính gọng hoặc kính áp tròng đúng độ, hoặc có thể lựa chọn việc phẫu thuật bằng tia laser.

1. Cận thị là gì?

Cận thị là bệnh khúc xạ của mắt, lúc này mắt không thể uốn cong hay khúc xạ ánh sáng chính xác. Mắt không tập trung được ánh sáng đi vào một cách chuẩn xác vì vậy mà những hình ảnh ở xa trở nên bị mờ và không rõ nét.

Cận thị rất phổ biến. Theo Hiệp hội đo thị lực của Mỹ ước tính có gần 30% người Mỹ bị cận thị.

2. Cận thị có bao nhiêu loại?

a. Cận thị đơn thuần (Simple myopia)

Trong cận thị đơn thuần, mắt vẫn còn khoẻ. Chúng ta có thể khắc phục thị lực bằng cách đeo kính gọng hoặc hoặc kính áp tròng.

b. Cận thị nặng (High myopia)

Cận thị nặng là tình trạng cận thị nghiêm trọng hơn, đặc điểm là xuất hiện triệu chứng khi còn trẻ và tình trạng ngày càng nặng nề hơn khi lớn tuổi. Nó làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh về mắt khác như bong võng mạc, tăng nhãn áp hay đục thuỷ tinh thể.

c. Cận thị bệnh lý (Pathological myopia)

Đối với những người có cận thị bệnh lý hay thoái hoá thì cận thị sẽ gặp thêm những vấn đề khác về mắt. Mắt có thể gặp các vấn đề về võng mạc như:

  • Thoái hoá lưới: tình trạng võng mạc bị mỏng.
  • Teo võng mạc: tình trạng các phần của võng mạc trở nên dư thừa và không hoạt động.
  • Điểm Forster-Fuchs: đây là một loại sẹo trên võng mạc có thể dẫn tới điểm mù.

Cận thị bệnh lý có thể gây ra tình trạng mất thị lực mà đeo kính gọng hoặc kính áp tròng không thể giúp họ điều chỉnh thị lực.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ?

a. Nguyên nhân:

Cận thị xảy ra khi nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong, do đó khi ánh sáng đi vào sẽ hội tụ lại ngay trước võng mạc làm cho hình ảnh được tạo ra bị mờ.

b. Yếu tố nguy cơ:

Mặc dù các nhà khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân của cận thị nhưng di truyền được xem là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển cận thị.

Ví dụ: trẻ em có cha hoặc mẹ bị cận thị thì nhiều khả năng trẻ sẽ mắc bệnh này hơn. Đặc biệt, nguy cơ mắc cận thị của trẻ sẽ tăng lên nếu cả cha và mẹ cùng bị cận thị.

Đối với những trẻ em dành ít thời gian cho hoạt động ngoài trời hoặc dành nhiều thời gian cho các hoạt động với tầm nhìn gần (đọc sách, xem tivi, học bài,… với khoảng cách gần) sẽ làm tăng nguy cơ bị cận thị.

Các nhà nghiên cứu cũng gợi ý rằng có thể có mối liên hệ giữa sự gia tăng trí thông minh và cận thị, mặc dù họ vẫn chưa biết nguyên nhân tại sao.

Mặc dù cận thị thường phát triển ở thời thơ ấu, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người lớn do căng thẳng thị giác - khi một người sử dụng quá mức cơ chế tập trung của mắt.

Nó cũng có thể xảy ra do các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể.

4. Triệu chứng:

Nhìn mờ các vật ở xa là triệu chứng chính của cận thị, ngoài ra có thể gặp tình trạng mỏi mắt, đau đầu, nheo mắt.

Nếu một người bắt đầu có những triệu chứng trên thì nên đi kiểm tra thị lực xem có bị cận thị hay không, họ sẽ được gợi ý đeo kính gọng hoặc kính áp tròng để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, đối với những người có cận thị tiến triển thì việc phẫu thuật có thể được cân nhắc.

triệu chứng

5. Tiến triển:

Mặc dù cận thị thường không dẫn tới các vấn đề về mắt khác. Nhưng đối với những người cận thị nặng thì tình trạng này có thể tệ hơn khi độ tuổi càng tăng, họ có thể gặp phải các vấn đề khác về mắt như: đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, bong võng mạc.

Nếu mất thị lực hoặc các vấn đề liên quan đến mắt khác xảy ra, tình trạng này được gọi là cận thị bệnh lý. Điều này có nghĩa là mức độ cận thị đã phát triển đến mức khiến cho phần sau của mắt bắt đầu bị hỏng.

Các tật khúc xạ, bao gồm cả cận thị, gây ra 3% các trường hợp mù lòa trên toàn cầu.

Một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự tiến triển của cận thị là đi khám bác sĩ mắt thường xuyên. Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cận thị như bệnh tiểu đường hoặc cha mẹ bị cận thị thì việc đi khám bác sĩ mắt thường xuyên sẽ giúp ích cho họ.

6. Chấn đoán:

Kĩ thuật viên hay bác sĩ đo thị lực có thể làm một vài phương pháp để đánh giá xem có bị cận thị hay không bằng cách cho đọc các chữ cái và chữ số trên bảng biểu đồ đo thị lực. Ngoài ra, họ có thể dùng máy đo thị lực, được tạo thành từ những thấu kính khác nhau nhằm đo được cách mắt tập trung. Từ đó có thể giúp họ xác định được đúng loại kính để điều chỉnh thị lực cho người đó.

7. Điều trị:

Khi đã được chẩn đoán là cận thị thì một số phương pháp điều trị có thể được bác sĩ gợi ý:

a. Kính gọng và kính áp tròng:

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Kĩ thuật viên đo thị lực sẽ lựa chọn các tròng kính phù hợp với đơn thuốc của người đó nhằm điều chỉnh cận thị.

Kính áp tròng là những đĩa trong suốt nằm trên bề mặt của mắt. Giống như kính cận, kính áp tròng cũng có thể lựa chọn các chỉ số khác nhau.

Nhiều người không thích đeo kính gọng có thể lựa chọn đeo kính áp tròng vì sự tiện ích của nó. Tuy nhiên, cần phải thay và vệ sinh kính áp tròng thường xuyên.

b. Kính áp tròng cứng Ortho-K

Những người bị cận thị nhẹ có thể được gợi ý phương pháp điều trị không phẫu thuật được gọi là chỉnh hình hay liệu pháp khúc xạ giác mạc bằng cách đeo kính áp tròng cứng để định hình lại giác mạc. Những thấu kính này tạo áp lực lên giác mạc để làm phẳng nó, thay đổi cách ánh sáng tập trung khi nó đi vào mắt. Loại này được dùng đeo khi đi ngủ.

Cách này có thể giúp mọi người trải nghiệm tầm nhìn rõ ràng tạm thời. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng mắt.

c. Phẫu thuật

Đối với những người không thích đeo kính hoặc muốn có một giải pháp hiệu quả lâu dài hoặc những người có cận thị nặng thì phẫu thuật là một giải pháp cho họ.

Phẫu thuật lasik là phương pháp phẫu thuật sử dụng một chùm sáng mạnh laser làm thay đổi hình dạng của giác mạc. Điều này giúp điều chỉnh cách mắt tập trung vào ánh sáng và làm cho hình ảnh bị mờ trước đây trở nên rõ ràng. Quá trình phẫu thuật kéo dài khoảng 10 phút, lựa chọn này tuy có chi phí cao nhưng thường không gây đau. Thị lực sẽ trở lại bình thường trong vòng một ngày hoặc lâu hơn sau ca phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, mắt có thể thỉnh thoảng bị mờ hoặc khô trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau đó là điều bình thường. Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm đảm bảo rằng mắt đang có diễn tiến lành bình thường.

Ngoài phương pháp trên, đối với những người cận thị nặng hơn, họ có thể được bác sĩ đưa ra hình thức phẫu thuật khác bằng cách đặt thấu kính nội nhãn.

8. Phòng ngừa cận thị

Di truyền là yếu tố nguy cơ của cận thị nên ở những người có tiền sử gia đình có người bị cận thị thì khó có thể phòng tránh được.

Một số phương pháp giúp phòng tránh cận thị như:

  • Dành nhiều thời gian cho các hoạt động bên ngoài dưới ánh sáng ban ngày có thể giúp cho giảm sự tiến triển của cận thị.
  • Hạn chế dành nhiều thời gian cho các hoạt động với tầm nhìn gần như đọc sách, làm việc trên máy tính,…

Trong hầu hết các trường hợp, cận thị không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác. Có nhiều phương pháp điều trị có sẵn giúp mọi người không gặp phải các triệu chứng của tình trạng này trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Đối với những người bị cận thị nặng hơn, điều quan trọng là cần trao đổi với kĩ thuật viên/bác sĩ đo thị lực về bất kỳ thay đổi nào trong thị lực của mình. Nếu không điều trị, họ có thể có nguy cơ phát triển thêm các vấn đề về mắt, hoặc thậm chí mất thị lực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top