✴️ Viêm mí mắt

Nội dung

Triệu chứng của viêm mí mắt

Viêm mí mắt gây viêm da và tăng nhạy cảm quanh mắt trong đó mí mắt trở nên kích ứng, sưng, khô và đỏ. Có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Nếu viêm mí mắt kéo dài, mí mắt sẽ dày lên hay còn gọi là quá trình linken hóa.

Nhiều chất gây kích ứng, dị ứng có thể là nguyên nhân và gây trầm trọng thêm triệu chứng nên khi không tiếp xúc các chất này các triệu chứng của người bệnh sẽ thuyên giảm đi thấy rõ.

Phân loại và nguyên nhân

Các dạng viêm da mí mắt thường gặp:

  • Viêm da dị ứng: là nguyên nhân thường gặp nhất do phản ứng dị ứng của cơ thể với một số chất như phấn hoa, mỹ phẩm hoặc kim loại, …;

  • Viêm da kích ứng là do mi mắt tiếp xúc trực tiếp với chất làm tổn thương da, chẳng hạn như dụng cụ trang điểm, xà phòng và chất tẩy rửa;

  • Bệnh chàm;

  • Viêm da tiết bã khiến da bị viêm và bong tróc. Tuy thường xảy ra trên da đầu nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng da nhờn như mí mắt;

  • Có thể liên quan di truyền.

 

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể liên quan hoặc làm nặng nề hơn tình trạng viêm mí mắt:

  • Tuổi: Trẻ sơ sinh dễ bệnh hơn;

  • Di truyền;

  • Vệ sinh cá nhân kém;

  • Nghề nghiệp tiếp xúc thường xuyên với các chất kích ứng da như: xây dựng, mỹ phẩm và làm đẹp;

  • Một số loại thuốc như neomycin hoặc thuốc chẹn beta;

  • Hen suyễn hoặc các bệnh về da khác như mụn trứng cá hoặc bệnh vẩy nến.

Chẩn đoán viêm mí mắt

Có thể tự chẩn đoán bệnh viêm mi mắt nếu tác nhân rõ ràng mà không cần nhập viện bằng cách tự để ý các chất hoặc môi trường gây ra bệnh mỗi khi tiếp xúc.

Bác sĩ giúp chẩn đoán và phân biệt với các dạng viêm da khác. Có thể bác sĩ sẽ dùng một chất gây dị ứng thông thường được đặt lên da để thử phản ứng dị ứng. Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây kích ứng, bạn sẽ được đề nghị tự quan sát với chất đó phản ứng lên da trong một thời gian.

viêm mí mắt

Biến chứng

Một số biến chứng viêm mí mắt:

  • Nhiễm trùng da, nhiễm trùng mắt;

  • Các triệu chứng của viêm mí mắt có thể gây ngứa, khó chịu khi ngủ;

  • Viêm da thần kinh: tăng cảm giác ngứa và da trở nên nhão và lão hóa.

Điều trị viêm mí mắt như thế nào

Đối với viêm da mí mắt thì người bệnh nên giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh dụi hay gãi vùng mắt bị tổn thương sẽ giúp ngăn ngừa kích ứng hoặc nhiễm trùng thêm.

Nên cố gắng tìm được các chất gây kích ứng lên mắt để tránh tiếp xúc. Một số chất có thể là nguyên nhân:

  • Dụng cụ trang điểm;

  • Kem chống nắng;

  • Nước hoa;

  • Kính bơi;

  • Thuốc nhỏ mắt;

  • Lông mi giả.

Sau đây là một số hướng điều trị cụ thể hơn:

  • Dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm giúp làm giảm khô, ngứa và được xem là hiệu quả nhất để điều trị viêm mi mắt nhẹ;

  • Sử dụng chất ức chế calcineurin: được bác sĩ sử dụng để điều trị viêm bao gồm viêm da dị ứng và bệnh vẩy nến;

  • Sử dụng corticosteroid: là thuốc kháng viêm mạnh dùng để bôi lên da hoặc uống giúp điều trị một số trường hợp viêm nặng, vẩy nến. Lưu ý khi sử dụng kem bôi corticosteroid ở vùng gần mắt có nguy cơ bị tăng nhãn áp và giảm tác dụng kháng viêm nếu sử dụng trong thời gian dài.

Một số tác dụng phụ cũng có thể xảy ra như mụn trứng cá, mọc lông trên các vùng được điều trị, làm mỏng da. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể là huyết áp cao, tiểu đường và loãng xương.

Phòng ngừa viêm mí mắt

Một số lời khuyên giúp phòng ngừa viêm mí mắt:

  • Tránh dụi hoặc gãi mắt vì sẽ gây tổn thương thêm cho da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng;

  • Dị ứng thực phẩm có thể là nguyên nhân, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa;

  • Chườm nóng hoặc lạnh;

  • Các sản phẩm nước hoa có thể gây kích ứng thêm cho da, cần lưu ý và tránh tiếp xúc;

  • Đeo kính để tránh chất kích ứng vào mắt;

  • Dưỡng ẩm thường xuyên với kem dưỡng ẩm trên mí mắt mỗi ngày có thể ngăn ngừa các triệu chứng phát triển. Lưu ý không để kem dưỡng ẩm dây vào mắt;

  • Rút ngắn thời gian tắm để giảm thời gian da tiếp xúc với các chất kích. Nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ, xà phòng diệt khuẩn hoặc xà phòng không có mùi thơm;

  • Hạn chế sử dụng dụng cụ trang điểm quanh mắt như phấn mắt hoặc mascara có thể gây kích ứng. Đổi nhãn hiệu nếu có tình trạng kích ứng da vùng mắt.

Cần lưu ý và ghi lại các chất đã gây dị ứng hoặc kích ứng lên cơ thể để tránh tiếp xúc.

Tổng kết

Viêm da mí mắt không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng có thể dễ dàng điều trị. Tuy nhiên có thể trở thành mãn tính và dễ tái phát.

Khi không thể xác định hoặc tránh được các yếu tố kích hoạt, điều trị sẽ được áp dụng để quản lý các triệu chứng tốt nhất có thể.

Điều trị chủ yếu là tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Một số loại kem và thuốc kháng viêm có thể được bác sĩ chỉ định.

Xem thêm: Tắc lệ đạo

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top