ĐẠI CƯƠNG
Nếu kể từ năm 1986, khi Trendelenburg lần đầu tiên tiến hành gây mê nội khí quản qua một ống thông đưa vào lỗ mở khí quản, thì mãi đến năm 1923, phương pháp gây mê nội khí quản mới được phát triển và đến năm 1954 mới được hoàn chỉnh. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phẫu thuật lồng ngực ngực, đặc biệt là đối với các phẫu thuật phổi. Nhờ gây mê nội khí quản, người ta có thể mở khoang lồng ngực mà không sợ phổi bị co lại như trong bệnh cảnh của một vết thương ngực hở.
Từ khi gây mê nội khí quản có oxy theo hệ thống phòng kín, có curare làm liệt các cơ hô hấp kết hợp với kháng sinh và các thuốc chống lao, thì các phẫu thuật điều trị lao phổi đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
Mục đích của các phẫu thuật điều trị lao phổi :
Cắt bỏ hết ổ lao phổi ( như hang lao, u lao... ) là những nguồn gốc gây ra tình trạng nhiễm độc và là nguyên nhân làm cho bệnh tiến triển sau này. Để thực hiện ý định này người ta làm các thủ thuật cắt phổi khác nhau: từ cắt một góc phổi đến cắt toàn bộ lá phổi.
Gây ra tình trạng ép phổi, tạo điều kiện cho các hang lao xẹp lại và liều sẹo. Có nhiều phẫu thuật và thủ thuật khác nhau nhằm thực hiện mục đích này như: bơm khí màng phổi, bơm khí màng bụng, cắt dây thần kinh hoành, cắt sườn ( phẫu thuật tạo hình lồng ngực).
Các thủ thuật dẫn lưu như: dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu hang lao, mở hang lao...
Phục hồi chức năng phổi và đồng thời để điều trị cơ bản, người ta tiến hành thủ thuật bóc vỏ phổi trong các trường hợp mủ màng phổi mãn tính đã được điều trị bằng dẫn lưu khoang màng phổi không có kết quả.
CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN VÀ GÂY MÊ
Do lao là một bệnh nhiễm trùng toàn thân, nên việc can thiệt phẫu thuật cần phải phối hợp với việc điều trị bằng thuốc đặc hiệu (strepto - micin, PAS, rifampycin, ethambutol...) và nâng đỡ toàn cơ thể.
Mặt khác, do lao phổi là một bệnh mãn tính, phát triển trên một cơ thể bị suy nhược, nên phải kiểm tra đầy đủ các chức năng như: tuần hoàn, hô hấp, gan, thận, đông máu...
Các phẫu thuật mổ phổi điều trị lao phổi đều là những phẫu thuật lớn, dễ dẫn tới tử vong hoặc tai biến phẫu thuật, nếu không được chuẩn bị tốt.
Trong thời kỳ sau mổ có thể có những biến chứng sau đây: suy hô hấp, rối loạn tim mạch, sốc thứ phát, chảy máu, đặc biệt nguy hiểm là chảy máu do tan sợi tơ huyết. Ngoài ra còn có biến chứng nhiễm trùng.
Cần tránh mổ lao phổi ở giai đoạn đang tiến triển. Ở một số trường hợp nhất định, vẫn cần phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu ở giai đoạn lao phổi đang tiến triển, mặc dù chưa được chuẩn bị tốt bằng thuốc chống lao.
Phương pháp gây mê thông thường là phương pháp nội khí quản. Ở những trường hợp có rò phế quản, cần sử dụng ống Carlens để tránh cho máu, mủ khỏi bị tràn ngập sang phổi lành trong khi mổ.
CÁC PHẪU THUẬT CẮT PHỔI
Các phẫu thuật cắt phổi rất có giá trị trong điều trị ngoại khoa lao phổi. Phẫu thuật cắt phổi nói chung gồm có: cắt góc phổi, cắt phân thuỳ phổi, cắt thuỳ phổi, cắt hai thuỳ phổi và cắt toàn bộ một lá phổi. Có khi người ta lại tiến hành cắt một nhóm phân thuỳ phổi.
Phẫu thuật cắt phổi cho phép lấy bỏ được ổ lao, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối loại ra ngoài cơ thể toàn bộ các thương tổn lao phổi. Lao là một bệnh toàn thể với sự xâm nhập trước tiên vào hệ thống bạch huyết. Ngoài ổ lao chính còn những ổ lao phụ rải rác trong phổi. Vì vậy sau cắt bỏ cần điều trị củng cố. Mặt khác không bao giờ cắt qua một nhu mô phổi lao, vì tổ chức này rất khó liền sẹo và sẽ gây rò khí phế quản.
Lịch sử của phẫu thuật cắt phổi:
Theo Brewer thì người đầu tiên tiến hành phẫu thuật cắt phổi là Rolandovon Parma vào năm 1495 trên một nạn nhân bị thương tích ở phổi gây hoại thư phổi vào ngày thứ 6. Tiếp theo là Milton - Anthory (1821), rồi Pean tại Pari (1861) đã cắt một khối u ở phổi.
Năm 1882, Koch đã tìm ra vi trùng lao và lá phổi lao đầu tiên đã được Gluck tiến hành cắt bỏ vào năm đó. Lawson là người đầu tiên đã tiến hành cắt bỏ một thuỳ phổi có hang lao vào năm 1883 do.Trong thời gian này, do chưa sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản nên có nhiều trường hợp tử vong do tình trạng lắc lư trung thất và xẹp phổi.
Năm 1904, Sauerbrung đã tiến hành mổ phổi trong phòng kín với áp lực thấp (7 mm Hg) nhưng kết quả không có gì tốt hơn. Nhờ áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản và nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu về giải phẫu phổi, năm 1934 Sauerb - ruch đã có một bản báo cáo về 38 trường hợp cắt thuỳ phổi với tỷ lệ tử vong 10,3%.
Đến năm 1939, Churchill đã cắt một phân thuỳ phổi đầu tiên và cho đến này các phậu thuật về cắt phổi khác nhau đã được hoàn chỉnh và có một vị trí quan trọng trong điều trị lao phổi.
Chỉ định cắt phổi:
U lao:
U lao là một hình thức chống đỡ của cơ thể. Có thể xem u lao như một ổ lao khu trú. Dưới tác dụng của các thuốc chống lao, ít khi u lao bị biến mất mà thường tồn tại kéo dài. Một số u lao về sau hoá thành hang lao. Khó mà phán đoán được vấn đề này. Các tác giả người Anh gọi u lao là một quả bom giờ, nghĩa là theo thời gian có thể nổ ra vào một thời điểm nào đó. Tỷ lệ bung ra u lao rất thay đổi: 11% - 75 % các u lao chuyển thành hang lao. Ở nhiều u lao được cắt bỏ đều phát hiện được vi khuẩn lao.
Do tính không ổn định của u lao, nên cần mổ cắt bỏ u lao; cho đến nay vấn đề đang được bàn luận và có nhiều ý kiến khác nhau là nên cắt bỏ những u lao có đường kính từ bao nhiêu trở lên.
Auerbach (1955) thấy rằng với những u lao có đường kính 1 cm thì rất ít khi bị casein hoá và trở thanh hang lao. Đối với những u lao có đường kính 0,5 cm thì hầu nha không bao giờ bị như vậy. Các u này có vỏ bao quanh nên không gây nguy hiểm gì cho bệnh nhân.
Trên chụp phim chụp X quang lồng ngực cắt lớp, các u lao có đường kính to hơn 1 cm thường có hình khuyết ở bên trong. Những trường hợp này có chỉ định mổ tuyệt đối. Tuy vậy bệnh nhân phải được điều trị trước bằng nội khoa ít nhất là 6 tháng để thương tổn lao thật là ổn định.
Tuỳ theo độ lớn của u lao mà người ta chọn phương pháp phẫu thuật khác nhau: với những u lao nhỏ có thể cắt góc phổi, cắt phân thuỳ điển hình hoặc không điển hình. Với những u lao có kích thước lớn thìcó chỉ định cắt thuỳ phổi. Thường hay tiến hành phẫu thuật ở thuỳ trên (là nơi u lao hay khu trú hơn cả).
Lao phế quản, giãn phế quản do lao:
Để xác định mức độ và vị trí tổn thương, thường phải tiến hành soi phế quản và chụp phế quản cản quang. Tuỳ theo vị trí tổn thương mà có thể cắt một thuỳ phổi, có khi phải cắt hai thuỳ phổi liền nhau, thậm chí có khi phải cắt bỏ cả một lá phổi.
Ở một số trường hợp lao phế quản gốc, tuỳ theo thương tổn mà có thể tiến hành thủ thuật cắt đoạn và nối phế quản.
Một vấn đề cần phải đề cập tới là các hạch phổi viêm do lao. Các hạch này có thể có kích thước lớn gây chèn ép khí quản, phế quản, gây tắc phế quản, áp xe phế quản, xẹp phổi... Do đó, trong cắt thuỳ phổi, cần phải lấy bỏ luôn cả các hạch này. Nếu lấy bỏ sớm thì sẽ tránh được các hậu quả nói trên.
Các hạch lao bã đậu hoá có thể vỡ vào khí quản gây tắc khí quản, tắc các nhánh khí phế quản, gây viêm phổi kiểu bã đậu. Nếu bệnh nhân không khạc được ra chất bã đậu hoặc không hút được chất bã đậu qua ống soi khí phế quản thì có chỉ định mổ tạo hình hoặc khâu phế quản và cắt phổi ( mức độ cắt phổi rộng hẹp tuỳ theo mức độ tổn thương).
Phổi bị phá huỷ do lao:
Trong quá trình phát triển của bệnh lao, phổi có thể bị nhiều thương tổn rải rác, từ đỉnh cho đến đáy phổi. Các ổ lao bị bã đậu hoá rồi thành hang lao và có thể vỡ vào nhau tạo thành một hang lao lớn. Bên cạnh lại có những hang lao nhỏ. Cuối cùng phổi bị huỷ hoại, trong đó có những hang lao to nhỏ khác nhau và đôi khi có kèm theo giãn phế quản.
Về mặt chức năng thì một lá phổi đã bị phá huỷ do lao như vậy thường đã bị mất chức năng, có chữa các ổ lao gây nhiễm độc cho cơ thể. Những ổ lao tiềm tàng này dù có được điều trị đến bao nhiêu nữa, vẫn có thể phát triển trở lại. Do đó, từ 1954 Bailey đã chủ trương cắt bỏ toàn bộ lá phổi. Đây là một phẫu thuật lớn trên một bệnh nhân lao phổi nặng, nên phải hết sức chú ý đến thể trạng và việc gây mê hồi sức.
Các hang lao xơ hoá hoặc dò vào màng phổi:
Hang lao là kết quả của hiện tượng casin hoá trong quá trình phát triển của lao. Ở giai đoạn đầu, khi mới xuất hiện thì có khả năng điều trị hang lao bằng nội khoa. Nhưng trong quá trình điều trị, hang lao có thể bị xơ hoá, cứng lại, không còn mềm mại như lúc đầu. Việc điều trị nội khoa lúc này ít có kết quả. Do đó cần tiến hành phẫu thuật cắt phổi như: cắt thuỳ phổi, cắt lá phổi.
Đối với một số hang lao đã vỡ vào khoang màng phổi thì cắt phổi là phương pháp bảo đảm kết quả cao hơn cả.
Chảy máu phổi:
Ho ra máu ào ạt là một biến chứng dễ tử vong trong lao phổi. Quá trình casein hoá ổ lao có thể làm vỡ một số mạch máu ở phổi.
Trong trường hợp ho ra máu ồ ạt hoặc ho ra máu với số lượng vừa phải nhưng kéo dài thì có chỉ định phẫu thuật cắt phổi để cứu sống tính mạng bệnh nhân.
Trước khi mổ cần xác minh khu vực xuất huyết của phổi để lựa chọn phần phổi sẽ cắt bỏ cho chính xác và thích hợp.
Viêm lao phổi kiểu bã đậu:
Viêm lao phổi kiểu bã đậu sẽ làm cho phổi bị huỷ hoại, vì vậy tuỳ theo vị trí cụ thể mà có chỉ định cắt phổi rộng hay hẹp.
Chống chỉ định của phẫu thuật cắt phổi trong lao phổi
Trừ những trường hợp bắt buộc phải cắt phổi khi đang có lao tiến triển, (như trường hợp chảy máu ở phổi ồ ạt, hang lao xơ không điều trị được nữa bằng nội khoa .... ) , các phẫu thuật cắt phổi chỉ được phép tiến hành khi lao phổi đã được điều trị nội khoa ổn định. Trong trường hợp cắt phân thùy phổi, thì thương tổn lao càng phải ở trong tình trạng thật ổn định.
Trường hợp chống chỉ định tuyệt đối là khi phổi đối diện có thương tổn lao chưa ổn định. Phải hết sức cân nhắc ở những trường hợp có bệnh mãn tính cả hai phổi như hen, viêm phế quản hai bên, giãn phế quản hai bên.
Cần kiểm tra chức năng hô hấp trong cắt phổi. Khi tỷ số Tiffeneau dưới 30 % thì việc cắt phổi rất nguy hiểm.
Những tai biến trong phẫu thuật cắt phổi
Phẫu thuật cắt phổi có một giá trị lớn trong điều trị ngoại khoa lao phổi, nhưng dễ gây tai biến, có khi tử vong, nhất là trên một cơ thể suy nhược vì lao phổi.
Tai biến hàng đầu là vấn đề chảy máu do phải bóc tách nhiều. Đây là đặc điểm của phẫu thuật trên một phổi lao, khác hẳn với một phổi thường. Ngoài ra còn có vấn đề chảy máu do tan sợi tơ huyết sau mổ.
Trong cắt phổi do lao rất dễ bị dò phế quản. Cần kiểm tra những thương tổn lao phế quản trước khi mổ. Trong khi mổ phải tránh cắt qua phần phổi có thương tổn lao để tránh dò phế quản. Khi có dò phế quản, phổi sẽ co lại, tạo thành khoang tàn dư. Tiếp theo đó sẽ xuất hiện mủ màng phổi và việc điều trị khó hơn so với mủ màng phổi thường.
Những biến chứng có thể gặp hơn nữa là xẹp phổi, thương tổn lao tái phát.
CÁC THỦ THUẬT VÀ PHẪU THUẬT ÉP PHỔI
Dựa vào tính chất co giãn của phổi, người ta tiến hành nhiều phương pháp khác nhau làm cho phổi bị ép lại để điều trị các hang lao.
Phương pháp bơm khí màng phổi:
Là một phương pháp có từ lâu đời (Mac Ruer đã tiến hành từ năm1834).
Bơm hơi màng phổi là một phương pháp dễ làm, hầu như không tai biến, không đau đớn, rẻ tiền. Sau khi điều trị, phổi giãn ra được như bình thường, không làm cho phổi tàn phế và không gây biến dạng lồng ngực. Tuy không nhiều, nhưng cũng có một ít biến chứng như: tràn khí màng tim, tràn khí trung thất hoặc tràn khí dưới da, mủ màng phổi (Heaton 6,2%, Come 10 %), tắc mạch do khí (Forlanaini 1/350; Gousales de Vega 310/700.000).
Đến hội nghị lao quốc tế ở Roma 1963 thì phương pháp này được bàn cãi rất nhiều. Đến nay sau khi theo dõi, người ta thấy không hơn gì phương pháp điều trị đơn thuần bằng thuốc chống lao, nhất là với các thuốc chống lao mới. Hiện nay phương pháp này coi như bị bỏ hẳn.
Phẫu thuật đệm chất dẻo:
Người ta cho rằng phương pháp bơm khí màng phổi ít có giá trị vì không ép phổi được thường xuyên. Sau một thời gian thì không khí bơm vào bị hấp thu, phổi nở ra lại bình thường, nên ít có giá trị bền vững trong điều trị hang lao.
Từ khi Tuffier mổ tách được màng phổi thành ra khỏi thành ngực (1891) thì tác giả đã nghĩ đến phương pháp ép phổi có tính chất lâu dài. Do đó đến 1910 tác giả đã dùng mỡ để độn vào giữa thành ngực và màng phổi, gây ép phổi, bền vững trong điều trị hang lao ở phổi. Nhưng sau một thời gian mỡ lại tiêu bớt đi, như một khối máu tụ thường vẫn được hấp thu. Vì vậy sau đó Baer (1913), rồi đến Sauerbruch (1914) đã dùng Paraffin thay cho mỡ. Nhưng sau đó người ta thấy không hợp lý vì đưa một dị vật vào cơ thể.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với sự phát triển của các chất dẻo tổng hợp, hàng chục công trình đã ra đời để tìm những chất dẻo tổng hợp khác nhau, mà lúc đó người ta cho là không gây phản ứng gì cho cơ thể. Một vài ví dụ như polyethylene (bine 1952), polymethalcryl ether acid (Wilson 1945), cao su silicon (Rowe 1948)...phương pháp ép bằng bóc tách màng phổi khỏi thành ngực rồi bơm chất độc vào, được phổ biến rộng rãi nhanh chóng với hàng trăm công trình nghiên cứu khác.
Nhưng sau một thời gian người ta thấy xuất hiện nhiều trường hợp mủ màng phổi, kèm theo những thương tổn tổ chức tại khu vực đó, một vấn đề còn được đặt ra là ung thư do chất hoá học tổng hợp ở lâu trong cơ thể gây nên...
Cho đến nay phương pháp này hầu như đã bỏ hẳn.
Phẫu thuật cắt dây thần kinh hoành
Mục đích của thủ thuật là làm kiệt dây thần kinh hoành để gây ép phổi. Đây là một phẫu thuật cũ, hiện nay không được dùng tới.
Phẫu thuật cắt xẹp thành ngực
Là phương pháp phẫu thuật để điều trị tình trạng bệnh lý ở hai nơi khác nhau:
Ở phổi: qua tác dụng ép phổi, để điều trị hang lao.
Ở khoang màng phổi: lấp khoang tàn dư để điều trị mủ màng phổi mãn tính.
Năm 1888 Quincke đã cắt sườn gây ép phổi để điều trị một trường hợp áp xe phổi. Từ đấy người ta đã nghĩ đến cắt sườn để điều trị hang lao vì người ta cho rằng hang lao cũng là một áp xe phổi mà nguyên nhân là lao. Năm 1890 Spengler lại cắt sườn để điều trị khoang tàn dư ở phổi trong mủ phổi mãn tính.
Phẫu thuật cắt xẹp thành ngực trong điều trị mủ màng phổi:
Trước đây, phẫu thuật cắt xẹp thành ngực là phẫu thuật duy nhất để điều trị mủ màng phổi. Tác dụng của nó là lấp khoang tàn dư. Nhưng từ khi có phẫu thuật bóc vỏ phổi ra đời thì phương pháp cắt xẹp thành ngực không còn tính chất độc tôn nữa.
Phẫu thuật thông dụng là phẫu thuật Heller: cắt bỏ các sườn ở khoang tàn dư và rạch dọc lá thành làm thành từng dải để lấp khoang tàn dư. Phẫu thuật Schède thì lại cắt bỏ cả sườn, lá thành cơ... chỉ để lại da như vậy sau phẫu thuật da ngực sẽ áp sát vào khoang tàn dư, phẫu thuật này gây nhiều chấn thương.
Phẫu thuật cắt xẹp thành ngực để điều trị hang xơ lao
Để điều trị hang lao xơ tốt nhất là làm thủ thuật cắt phổi. Thế nhưng không phải khi nào cũng làm được như vậy. Ở một số hang lao được điều trị nội khoa dài ngày, phổi dính chặt vào lá thành và các cơ quan trong lồng ngực thêm vào đó thể trạng suy kiệt của bệnh nhân nên phẫu thuật cắt phổi rất khó và nguy hiểm.
Với trường hớp như vậy, thì có thể dùng phương pháp cắt xẹp thành ngực để có tác dụng ép phổi lâu dài, nhằm điều trị các hang lao.
Ở Việt Nam phẫu thuật cắt xẹp thành ngực vẫn giữ một vị trí quan trọng trong điều trị hang lao hoặc lao phổi nói chung. Thủ thuật này dễ làm hơn và ít tai biến hơn so với cắt thuỳ phổi. Nếu bệnh nhân yếu và nếu phải lấy nhiều sườn thì người ta mổ làm hai lần. Lần mổ thứ nhất, lấy từ sườn 1 đến sườn 4, lần mổ sau lấy tiếp. Hai lần mổ cách nhau khoảng 15 ngày. Nếu chỉ lấy 4, 5 sườn thì có thể làm luôn trong một thì.
Trong phẫu thuật cắt xẹp thành ngực để điều trị hang lao, bao giờ cũng phải lấy sườn 1 để đỉnh phổi xẹp xuống. Thủ thuật cắt bỏ sườn 1 là thủ thuật khó, nguy hiểm nhất vì sườn 1 liên quan với mạch máu dưới đòn.
Phẫu thuật cắt xẹp thành ngực để điều trị phổi bị phá huỷ do lao:
Ở những trường hợp phổi bị phá huỷ do lao mà không có chỉ định cắt phổi, người ta làm phẫu thuật cắt xẹp thành ngực. Ở đây phải lấy nhiều sườn, từ sườn 1 trở xuống, vì vậy thường mổ làm hai thì.
Nhược điểm của phẫu thuật cắt xẹp thành ngực là:
Sau mổ lồng ngực bệnh nhân bị biến dạng, lồng ngực vẹo sang một bên, do đó các bộ phận khác cũng có thể bị biến dạng theo, nhất là cột sống.
Bệnh nhân khạc đờm rất nhiều, tống BK ra ngoài, làm ô nhiễm môi trường.
CÁC THỦ THUẬT DẪN LƯU
Có 2 loại dẫn lưu: dẫn lưu màng phổi và dẫn lưu hang lao.
Dẫn lưu màng phổi: tràn dịch màng phổi do lao là một tràn dịch vàng chanh, không có chỉ định dẫn lưu màng phổi. Nhưng khi có bộ nhiễm sẽ thành mủ màng phổi thì việc điều trị phức tạp hơn trước hết cần phải dẫn lưu màng phổi để tháo mủ ra ngoài.
Để điều trị các hang lao lớn: trước đây người ta làm thủ thuật mở hang lao ra ngoài thành ngực. Qua đó dùng phương pháp tẩm mốc tạo một hiện tượng lên sẹo trong hang lao. Đây là một phương pháp cũ, thời gian điều trị khá dài, có khi hàng năm. Bệnh nhân dễ chết vì suy kiệt nên hiện nay bỏ hẳn.
PHẪU THUẬT BÓC VỎ PHỔI
Mủ màng phổi do lao là một vấn đề hay gặp trong bệnh lý của lao phổi nói chung. Việc điều trị thường kéo dài và dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này các fibrin đọng lại trên lá tạng thành một lớp vỏ xơ làm phổi không nở ra được, tạo nên một khoang trống ở màng phổi gọi là khoang tàn dư. Để điều trị những trường hợp như vậy, có thể cắt xẹp thành ngực (còn gọi là tạo hình lồng ngực) để lấp khoang tàn dư. Một phẫu thuật khác có kết qủa tốt hơn, sinh lý hơn, là bóc lớp vỏ xơ trên lá tạng làm phổi nở ra và lấp kín khoang tàn dư. Phẫu thuật này được gọi là bóc vỏ phổi.
Lịch sử của phẫu thuật bóc vỏ phổi:
Nếu đi ngược lịch sử y học thì phẫu thuật bóc vỏ phổi có từ 1893 do Fowler làm đầu tiên trên một bệnh nhân bị mủ màng phổi kéo dài 33 tháng. Dùng gạc, Fowler đã bóc tách được màng xơ trên lá tạng. Sau 28 ngày thì phổi nở lại được bình thường. 1 năm sau (1894) Delorma tiếp tục làm và mô tả dưới danh từ bóc vỏ phổi. Từ đây được gọi là phẫu thuật bóc vỏ phổi của Delorma. Cho đến nay hơn 100 công trình đã viết và phát triển phẫu thuật này.
Ở thời điểm của Delorma, người ta chỉ thuần tuý bóc phần màng xơ trên lá tạng để cho phổi nở ra. Lá thành tuy cũng bị dầy, nhưng vẫn được để nguyên, điều đó có nghĩa là các khe liên sườn vẫn bị co rút như cũ, động tác hô hấp của thành ngực bị hạn chế. Hiện nay trong phẫu thuật bóc vỏ phổi, người ta bóc toàn bộ cả lá thành và lá tạng bị dầy dính, vừa giải phóng phổi vừa tạo điều kiện cho cơ hoành hoạt động trở lại. Nói cho chính xác hơn, người ta gọi là bóc màng phổi (pleurectomie) để hiểu là lấy toàn bộ màng phổi cả lá thành và lá tạng.
Kết quả:
Bóc vỏ phổi có giá trị vừa lấp khoang tàn dư, vừa phục hồi chức năng hô hấp, tránh biến dạng của lồng ngực và cột sống. Tuy vậy là một phẫu thuật lớn gây chảy nhiều máu, sau mổ phải được săn sóc tốt. Nếu phổi không được nở ra đầy đủ, thì lại hình thành mủ màng phổi tái phát. (Violet 1904: 33,1%, Herzo 1949: 1,3%).
Trong điều kiện thể trạng bệnh nhân yếu nhất là sau quá trình lao, nếu gây mê hồi sức không đầy đủ có thể tử vong (Bernou 1945: 21,8%, Epstein 1967: 5,5%). Vì vậy ở những trường hợp thể trạng bệnh nhân yếu người ta thường làm thủ thuật tạo hình lồng ngực.
Với sự tiến bộ của phẫu thuật ngực, việc điều trị lao phổi bằng ngoại khoa có một vai trò quan trọng mang lại nhiều kết quả nhưng vấn đề luôn luôn được đặt ra là phải có chỉ định phẫu thuật đúng và đúng phương pháp. Công tác hồi sức rất quan trọng, vì các phẫu thuật trong lao phổi đều là những phẫu thuật lớn với hai biến chứng dễ gặp là suy thở và chảy máu thứ phát sau phẫu thuật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh