Thông thường, đĩa đệm có tính mềm và được nối với nhau bởi hệ thống khóa của xương sườn, giúp hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt thường ngày với các chuyển động cơ thể như: cúi, vặn, quay, nghiêng… Vì thế thoái hóa đĩa đệm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cản trở sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
1. Nguyên nhân thoái hóa đĩa đệm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh về đĩa đệm như lão hóa, mất nước, rách hoặc nứt đĩa đệm,…. Ngoài ra, các vấn đề về đĩa đệm cũng có thể bắt nguồn từ viêm khớp xương mạn tính, làm rách xương sụn hoặc mô mềm giữa các khớp xương. Nếu cơ bị chấn thương dẫn tới tình trạng sưng, viêm quá to có thể gây ra các cơn đau đĩa đệm do trong trường hợp này ống tủy sống sẽ bị thu hẹp vì bị các cơ chèn ép, khiến người bệnh phải chịu các cơn đau gay gắt. Một vấn đề khác nữa là sự mất nước trong đĩa đệm khiến đĩa đệm trở nên khô, cứng, mất đi độ linh hoạt dẻo dai vốn có, thậm chí còn có thể gây ra các ma sát trên đĩa đệm dẫn đến đau lưng mạn tính. Các chấn thương bên ngoài còn có khả năng làm rách các bao xơ bên ngoài đĩa đệm đồng thời phá hủy các nhân nhầy bên trong. Kết quả là, đĩa đệm bị lồi ra hoặc thậm chí bị phân thành nhiều mảnh.
2. Những ai dễ bị ảnh hưởng bởi thoái hóa đĩa đệm nhất?
Đối tượng dễ bị mắc phải căn bệnh thoái hóa đĩa đệm thông thường là những người có thói quen thực hiện các động tác sinh hoạt không đúng tư thế, đặc biệt là các động tác bưng, bê, nâng hay nhặt vật nặng. Bên cạnh đó những cá nhân có thói quen ăn uống không tốt, thường xuyên hút thuốc lá, béo phì cũng là đối tượng dễ bị mắc căn bệnh này. Người béo phì có trọng lượng tương đối lớn vì thế lực nén lên đĩa đệm cột sống là cao hơn người bình thường và tác động một cách thường xuyên khiến đĩa đệm nhanh thoái hóa kéo theo các vấn đề về xương khớp.
3. Phương pháp điều trị thoái hóa đĩa đệm
Để giảm đau nhanh và hiệu quả do thoái hóa đĩa đệm bạn có thể chườm nóng và chườm lạnh. Chườm nóng hoặc lạnh có thể giải tỏa các cơn đau lưng, giải tỏa căng thẳng cho bệnh nhân.
Thông thường, các bác sĩ khuyên người bệnh sử dụng thuốc để giảm đau như acetaminophen hoặc các loại thuốc chống viêm khác. Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen thường được sử dụng khi người bệnh gặp phải cơn đau quá nặng.
Vật lý trị liệu là phương pháp được các chuyên gia trên thế giới đề xuất để điều trị căn bệnh thoái hóa đĩa đệm. Mặc dù vậy phương pháp này cần có sự tham gia thực hiện của các chuyên gia bác sĩ để đem lại hiệu quả tối ưu.
Trong trường hợp bệnh quá nặng, phẫu thuật sẽ là một giải pháp cần thiết. Mặc dù vậy, phẫu thuật chỉ nên là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp khác không có hiệu quả bởi phương pháp này chứa rất nhiều rủi ro.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh