✴️ Đau thần kinh tọa là đau ở đâu? Có nguy hiểm không?

Nội dung

1. Đau thần kinh tọa là đau ở đâu?

Nhiều người bị đau phần hông, thắt lưng dọc xuống chân, nghe nói đây là dấu hiệu của chứng đau dây thần kinh tọa nhưng không biết chính xác đau thần kinh tọa là đau ở đâu?

Cùng tìm hiểu ngay:

– Đau thần kinh tọa hay nhiều người còn gọi nôm na là đau dây thần kinh hông hay tọa thống phong (theo y học cổ truyền).

– Đây là tình trạng đau nhức từ lưng dưới hoặc phần hông dọc xuống chân. Có thể đau ở đằng sau, bên ngoài hoặc ở phía trước chân, đau có thể lan xuống cẳng chân, bàn chân hoặc ngón chân. Có thể kèm theo triệu chứng yếu hoặc tê. Thông thường chỉ đau ở một bên thân thể.

– Cơn đau thường xuất hiện sau khi người bệnh bê vác vật nặng, đặc biệt là bên vác vật nặng ở vùng hông.

đau thần kinh tọa là đau ở đâu

Đau thần kinh tọa là đau ở phần lưng dưới, hông hoặc thắt lưng, đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân, bàn chân, ngón chân.

 

2. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Gần 90% trường hợp đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm cột sống lưng. Khối thoát vị đè lên một trong các rễ thần kinh thắt lưng hoặc xương cùng gây viêm dây thần kinh và gây đau.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng có thể gây đau dây thần kinh tọa như: thoái hóa đốt sống, hẹp ống sống, khối u vùng chậu, khối u vùng cột sống, mang thai, hội chứng piriformis, ung thư, viêm hoặc nhiễm trùng, chấn thương cột sống, …

nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa.

 

3. Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau thần kinh tọa không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất của người bệnh mà còn có nguy cơ gây tàn  phế, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và công việc.

Mỗi khi cơn đau thần kinh tọa diễn ra khiến người bệnh cảm thấy đau và mệt mỏi, đi lại khó khăn, không muốn làm việc, mang vác vật nặng khó, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đau thần kinh tọa phổ biến ở độ tuổi từ 10-59. Nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn phụ nữ.

 

4. Chẩn đoán và điều trị đau thần kinh tọa

4.1 Chẩn đoán

Khám ban đầu với bác sĩ

Ban đầu bạn sẽ được thăm khám với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra và có thể làm một số bài kiểm tra để đánh giá chức năng của các dây thần kinh khi xuất hiện cơn đau được như mô tả như trên: đau dọc từ phần hông, mông và lan tỏa đến cẳng chân, bàn chân hoặc ngón chân, đau ở một bên chân, có thể kèm theo tê bì, yếu cơ,… đây sẽ là căn cứ để các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là đau dây thần kinh tọa.

Sau khi thăm khám lâm sàng xong, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm một số xét nghiệm hoặc chẩn đoán đoán cận lâm sàng để đánh giá tình trạng tổn thương, chẩn đoán phân biệt và từ đó xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Để chẩn đoán đau dây thần kinh tọa có thể sử dụng phương thức chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng để đánh giá xem: vùng đĩa đệm cột sống thắt lưng có bị thoát vị hay thoái hóa không, cột sống thắt lưng có khối u chèn ép hay không,…

Bác sĩ có thể chỉ định làm cho làm xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt nếu nghi ngờ có dấu hiệu của bệnh lý ung thư, áp xe ngoài màng cứng tủy sống, bệnh thần kinh tiểu đường, bệnh zona thần kinh, …

Để chẩn đoán phân biệt có thể gồm một số chỉ định thêm như đo điện cơ, chọc dò thắt lưng,… tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và tình hình sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.

 

4.2 Điều trị

Điều trị đau thần kinh tọa tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau thần kinh tọa. Nếu nhẹ có thể hoạt động thể chất kết hợp với vật lý trị liệu. Có thể điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) hoặc phẫu thuật nhưng chủ yếu là điều trị nội khoa.

Hoạt động thể chất

Người bị đau thần kinh tọa nên kết hợp giữa nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng, có thể áp dụng vật lý trị liệu với những trường hợp đau dây thần kinh tọa ở mức độ vừa và nhẹ.

Điều trị nội khoa

Thuốc hỗ trợ triệu chứng đau thần kinh tọa, người bệnh phải được thăm khám và có chỉ định kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc giãn cơ, giảm đau thần kinh, thuốc chống co giật bởi các tác dụng phụ và nguy hiểm khó lường từ việc tự ý sử dụng thuốc khi chưa qua thăm khám.

Phẫu thuật

Nếu đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng, bác sĩ có thể cân nhắc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ đĩa đệm như phẫu thuật cắt đĩa đệm, tạo hình đĩa đệm nhằm mục đích giảm đau cho người bệnh.

Nếu do giãn đốt sống hoặc hẹp ống sống, phẫu thuật có thể giúp giảm đau cho người bệnh hiệu quả hơn việc sử dụng thuốc kéo dài.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top