ĐẠI CƯƠNG
Viêm xương sọ là hình thái tổn thương nhiễm trùng của xương sọ, thường xảy ra sau phẫu thuật, can thiệp, tổn thương xương sọ: chấn thương sọ não, mổ bệnh lý u não... Viêm xương sọ thường xảy ra trên các người bệnh có nguy cơ cao của nhiễm trùng: suy giảm hệ miễn dịch, thể trạng già yếu, mổ nhiều lần, công tác vệ sinh khử khuẩn không đảm bảo... và thường xảy ra sau phẫu thuật đặt lại nắp sọ trong mổ chấn thương sọ não, bệnh lý não và sau tổn thương sọ, da đầu do điện giật. Điều trị bảo tồn bằng khánh sinh thường được cân nhắc lựa chọn trước tiên. Phẫu thuật được đặt ra khi điều trị bảo tồn thất bại.
CHỈ ĐỊNH
Điều trị nội khoa bằng khánh sinh nhiều đợt thất bại.
Dịch viêm chảy ra qua vết thương da đầu nhiều, liên tục
Dịch mủ viêm tạo thành ổ áp xe lớn gây chèn ép.
Có rách màng cứng kèm theo.
Có hình ảnh viêm xương sọ trên hình ảnh học.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Trường hợp toàn thân quá nặng, không có chỉ định mổ
Người bệnh có rối loạn đông máu
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
Bác sĩ: hai bác sĩ: một phẫu thuật viên chính, một bác sĩ phụ
Điều dưỡng: một chuẩn bị dụng cụ và phục vụ phẫu thuật viên. Một điều dưỡng chạy ngoài phục vụ chung.
Phương tiện:
Bộ dụng cụ mổ sọ thông thường: dao mổ, khoan sọ, cưa sọ (máy hoặc tay), panh (pince), phẫu tích có răng và không răng, kìm kẹp kim, máy hút, dao điện, dao điện lưỡng cực.
Vật tư tiêu hao: 100 gạc con, 20 gói bông sọ, 2 sợi chỉ Prolene 4.0, 2 sợi Vicyl 3.0, 1 gói surgicel, 1 gói spongel, 1 sáp sọ, một bộ dây truyền dịch làm dẫn lưu.
02 chai nước muối sinh lý 9‰ ; 100 ml oxy già, 01 lọ bétadine.
Người bệnh:
Cạo tóc, vệ sinh
Hồ sơ bệnh án đầy đủ phần hành chính, phần chuyên môn cụ thể, đủ triệu chứng, diễn biến bệnh, tiền sử, các xét nghiệm. CT scanner sọ. Thủ tục ký mổ
Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 - 120 phút
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra hồ sơ: Đảm bảo các đề mục
Kiểm tra người bệnh: Đúng tên tuổi, chuẩn bị mổ
Thực hiện kỹ thuật
Hai mục tiêu chính: Làm sạch vết thương: dị vật, dịch mủ viêm, giả mạc, xương viêm....và cầm máu.
Bước 1: Người bệnh gây mê toàn thân, thường nội khí quản
Bước 2: Vệ sinh bên ngoài vết thương: xà phòng betadin, nước muối sinh lý, không cố lấy dị vật cắm vào trong
Bước 3: Xử lý vết thương.
Sát khuẩn trải toan.
Phần ngoài màng cứng: vệ sinh từ ngoài vào trong, lấy dị vật, dịch mủ, xương viêm…, cầm máu mép da tốt. Gặm rộng rãi xương sọ để thao tác được thuận lợi (thường ra quanh vết thương sẵn có 1,5 - 2cm). Rửa nhiều lần trường mổ bằng nước muối sinh lý và oxy già xen kẽ
Nếu có rách màng cứng: Rửa nhiều lần bằng nước muối sinh lý, vá kín lại màng cứng, có thể phải tạo hình màng cứng
Khâu treo màng cứng, đặt một dẫn lưu ngoài màng cứng
Dịch mủ viêm đòi hỏi phải gửi cấy vi khuẩn.
Luôn luôn bỏ nắp sọ bị viêm kèm nạo sạch mô viêm trên màng cứng. Phải gặm rộng rãi xương sọ viêm đến phần xương sọ bình thường.
Bước 4: Đóng vết mổ 2 lớp hay 1 lớp nếu nhiễm trùng nặng kèm dẫn lưu.
THEO DÕI VÀ NGUYÊN TẮC XỬ TRÍ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG
Theo dõi
Toàn thân: Thở, mạch huyết áp
Tình trạng thần kinh
Chảy máu sau mổ
Dẫn lưu sọ
Viêm màng não, nhiễm trùng huyết
Tình trạng vết mổ
Xử trí tai biến
Chảy máu: mổ lại để cầm máu, truyền máu
Động kinh: thuốc điều trị động kinh
Viêm màng não: chọc dịch, cấy vi khuẩn, điều trị theo kháng sinh đồ.
Nhiễm trùng vết mổ, tụ mủ dưới màng cứng
Nhiễm trùng huyết: kháng sinh điều trị theo kháng sinh đồ
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh