Phương pháp nầy hiện nay được xem như là một phương pháp điều trị chuẩn nhất (gold standard microsurgery). Đây là một phương pháp sử dụng kính vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm nhằm giải phóng rễ thần kinh. Thật ra, phẫu thuật loại bỏ nhân đệm đã được áp dụng từ lâu khi chưa có kính vi phẫu thuật ra đời hay còn được gọi là phẫu thuật kinh điển (traditional surgery discectomy). Tuy nhiên, phẫu thuật nầy hiện nay vẫn còn được áp dụng mặc dù kính vi phẫu thuật đã ra đời từ cuối thập niên 60, nhưng mãi đến thập niên 80 kính vi phẫu thuật mới được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực khác của ngoại khoa thần kinh. Còn vi phẫu thuật loại bỏ nhân đệm (microdiscectomy) đã đượcáp dụng khá rộng rãi từ cuối thập niên 90 và hiện nay phương pháp nầy được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới với kết quả rất tốt, đã được nhiều tác giả đề cập như Osenbach (1). Với phương pháp nầy, các phẫu thuật viên quan sát rất rõ tủy sống, rễ thần kinh, các tĩnh mạch quanh màng cứng và nhân đệm, có thể hạn chế đến mức thấp nhất những tai biến có thể xảy ra trong phẫu thuật. Năm 2007, bệnh viện Chợ Rẫy đã phẫu thuật 829 thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, nhưng vi phẫu thuật chỉ được ứng dụng khoảng 12% do không đủ kính vi phẫu thuật để đáp ứng kỹ thuật này.
Đối với phương pháp vi phẫu thuật để lấy nhân đệm, thời gian mổ ngắn, chỉ mất từ 3 đến 4 ngày nằm viện sau mổ. Sau mổ 24 giờ bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại để sinh hoạt cá nhân.
Đối với những trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng do thấp khớp mãn tính, nhân đệm lồi không điển hình nhưng cũng có kèm đau rễ ở mức độ nhẹ, thường kết quả phẫu thuật mang lại hiệu quả thấp. Vì trên cơ địa của bệnh thấp khớp mãn tính phải điều trị lâu dài tại chuyên khoa khớp.
Còn đối với những trường hợp có thoái hóa cột sống nặng kèm thoát vị đĩa đệm thắt lưng, thường sau phẫu thuật đôi khi vẫn còn đau cột sống do ảnh hưởng của bệnh lý thoái hóa cũ.
Nội soi trong ngành phẫu thuật thần kinh đã được ứng dụng từ thập niên 20-30 nhưng đây là thời kỳ còn rất mới, chỉ áp dụng một số trường hợp ở não nhưng tỉ lệ biến chứng và tử vong cao. Vả lại, thời kỳ nầy các trang thiết bị dùng trong nội soi còn nhiều nhược điểm nên khả năng ứng dụng còn nhiều hạn chế.
Mãi đến thập niên 70, một số ứng dụng nội soi có nhiều tiến bộ hơn để sinh thiết một vài loại u trong não thất. Nhưng từ thập niên 80, nhiều trang thiết bị nội soi được cải tiến để áp dụng vào phẫu thuật thần kinh đem lại hiệu quả đáng khích lệ hơn.
Đến thập niên 90, nội soi đã áp dụng phổ biến trong các lĩnh vực ngoại thần kinh, trong đó có ứng dụng nội soi để điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, một loại bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Về phương pháp nội soi và phương pháp vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm được coi như là hai phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp nội soi với đường rạch da ngắn hơn phương pháp mổ vi phẫu. Còn kết quả điều trị của hai phương pháp nầy hoàn toàn giống nhau như nhận định của Tanabe và Imae.
Bệnh lý thoát vị đĩa đệm rất phổ biến hiện nay, nhờ vào phương pháp chẩn đoán của MRI, đây là một phương tiện có giá trị chẩn đoán tốt, giúp cho các phẫu thuật viên chọn lựa chỉ định ngoại khoa phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Vi phẫu thuật và nội soi là hai phương pháp phổ biến trên khắp thế giới hiện nay, nhằm loại bỏ nhân đệm để giải phóng rễ thần kinh bị chèn ép. Kết quả không có gì khác nhau giữa hai phương pháp này.