Đau rễ thần kinh
Đau rễ thần kinh phản ánh một quá trình tổn thương kích thích rễ thần kinh. Có thể do chèn ép cơ học (thoát vị đĩa đệm, chèn ép do xương); do viêm rễ, viêm ngoài màng cứng, viêm màng nhện của tủy sống; do u rễ.
Đau rễ thần kinh thường đau theo dải, lan từ thắt lưng xuống chân, tương ứng với vùng phân bố của rễ thần kinh. Đau rễ xuất hiện sau giai đoạn đau thắt lưng cục bộ, đau tăng lên khi đi lại, đứng lâu, ngồi lâu. Đau dội mạnh lên khi ho, hắt hơi, rặn đại tiện. Nằm nghỉ tại giường lại giảm đau nhanh chóng. Đây là một hậu quả của thoát vị đĩa đệm.
Trường hợp đau một rễ thần kinh thường gặp trong thoát vị đĩa đệm tầng L4 – L5 (đốt thắt lưng 4 – 5) và thoát vị đĩa đệm L5 – S1 (đốt thắt lưng 5 – xương cùng thứ nhất). Trường hợp thoát vị đĩa đệm hai tầng sẽ gây đau hai rễ thần kinh, thường gặp ở hai đĩa đệm cuối là L4 – L5 và L5 – S1 vì đây là đoạn bản lề của cột sống thắt lưng, nơi chịu sức ép mạnh của tải trọng phần trên cơ thể và sự chuyển động của cột sống về nhiều phía.
Rối loạn vận động
Rối loạn cơ thắt: trong tổn thương các rễ vùng xương cùng (rễ S3, S4, S5) có biểu hiện lúc đầu bí tiểu sau tiểu dầm dề, luôn luôn có nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động do liệt cơ thắt kiểu ngoại vi không giữ được nước tiểu.
Ngoài các triệu chứng trên, hậu quả của thoát vị đĩa đệm để lại còn gây loạn phản xạ, rối loạn thần kinh thực vật…
Hội chứng đuôi ngựa
Trường hợp đau nhiều rễ thần kinh do chèn ép của khối thoát vị đĩa đệm lớn, nhiều tầng tạo nên bảng lâm sàng như là một khối u, được gọi là hội chứng đuôi ngựa. Đau nhiều rễ cũng ít gặp nhưng rất quan trọng vì thường là khởi đầu của bệnh cảnh hội chứng đuôi ngựa do khối thoát vị đĩa đệm lớn (thể giả u) chèn ép đuôi ngựa. Đặc điểm lâm sàng là đau khốc liệt, người bệnh không thể chịu nổi, đòi hỏi cấp cứu về thần kinh. Đau lại kèm theo liệt cơ, mất cảm giác, rối loạn cảm giác…
Có 3 hội chứng đuôi ngựa tùy theo tầng thoát vị đĩa đệm, có các hội chứng khác nhau:
Hội chứng đuôi ngựa trên: liệt ngoại vi toàn bộ ở hai chân, rối loạn cảm giác hai chân từ nếp bẹn trở xuống, rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi. Thể này ít gặp vì thoát vị đĩa đệm ở đoạn cao (L1 – L2 và L2 – L3) ít có điều kiện xảy ra.
Hội chứng đuôi ngựa dưới: do thoát vị đĩa đệm L5 – S1, có rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không có liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân (rễ L5, S1, S2).
Hội chứng đuôi ngựa giữa: thường gặp do thoát vị đĩa đệm L3 – L4 và L4 – L5. Liệt gấp cẳng chân, liệt các động tác của bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân; mất cảm giác toàn bộ cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi và mông; rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi.
Để ngăn ngừa những hậu quả của bệnh thoát vị đĩa đệm gây ra, người bệnh cần tìm đến bệnh viện có chuyên khoa Cơ xương khớp. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết, các bác sĩ sẽ giúp đánh giá tình trạng và mức độ bệnh. Từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng đơn thuốc điều trị của bác sĩ kết hợp với chế độ vận động, sinh hoạt phù hợp. Áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu để giảm đau, loại bỏ sớm bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh