Hội chứng nôn ói chu kỳ

Nội dung

1. Định nghĩa

Hội chứng nôn ói chu kỳ là một rối loạn trục não-ruột mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tái phát có chu kỳ của các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, đau bụng. Hội chứng nôn ói chu kỳ ảnh hưởng cả người lớn và trẻ nhỏ, tần suất # 2% ở dân số Mỹ, thường gặp ở nữ và ở tất cả các chủng tộc.

Hội chứng nôn ói chu kỳ trước đây được biết đến là bệnh lý của trẻ em, tuy nhiên hiện nay hầu hết ai cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Đây là căn bệnh với đặc trưng những đợt buồn nôn kéo dài và nôn ói nặng từ vài giờ đến nhiều ngày, xen kẽ là những thời điểm bệnh nhân không có triệu chứng gì.

Độ tuổi mắc hội chứng nôn ói chu kỳ thường là trẻ từ 3-7 tuổi, tuy nhiên tình trạng này vẫn xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi và người trưởng thành. Trong đó tỷ lệ nữ giới mắc bệnh chiếm 53% còn nam giới là 47%.

· Sinh lý bệnh hội chứng nôn ói chu kỳ (CVS) không rỏ và là sự kết hợp nhiều yếu tố như gen, môi trường, thần kinh thể dịch, tự chủ. CVS liên quan chặt chẽ với đau đầu Migraine và có cơ chế sinh lý bệnh tương tự.

· Chẩn đoán hội chứng nôn ói chu kỳ dựa vào tiêu chuẩn ROME và những hình ảnh được khuyến cáo như nội soi dạ dày thực quản, siêu âm hoặc cắt lớp ổ bụng… nhằm chẩn đoán phân biệt nguyên nhân khác.

 

Bốn giai đoạn của hội chứng nôn ói chu kỳ

Hội chứng nôn ói chu kỳ được chia ra thành bốn giai đoạn bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Khoảng cách không triệu chứng là thời điểm không có hiện tượng gì giữa hai đợt nôn ói
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn tiền triệu chứng, người bệnh bắt đầu có một số biểu hiện như nôn ói, có thể đau bụng kèm theo. Tình trạng này sẽ kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ. Người bệnh có thể dùng thuốc để chặn đứng các triệu chứng nôn ói nặng về sau. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bệnh cũng nhận biết được tình trạng của bản thân, đặc biệt là nhiều người ngay sau khi ngủ dậy đã có biểu hiện nôn ói đột ngột.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn nôn ói nặng, người bệnh có thể nôn ói ngay sau khi ăn, thậm chí sau khi sử dụng thuốc cũng không tiến triển tốt hơn được. Người bệnh trong thời gian này thường xanh xao, hay cảm thấy chóng mặt và kiệt sức.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn hồi phục, các cơn buồn nôn và nôn ói dần dần biến mất, sức khỏe của người bệnh dần dần hồi phục, cảm thấy đói và mặt dần hồng hào hơn.

 

2. Điều trị cắt cơn hội chứng nôn ói chu kỳ (CVS)

a. Triptans: Sumatriptan được chấp thuận cho điều trị cắt cơn ở bệnh nhân đau đầu Migraine và cũng được khuyến cáo ở bệnh nhân CVS. Để đạt hiệu quả tối ưu sumatriptan xịt mũi được khuyến cáo với liều 20mg trong giai đoạn tiền triệu, có thể lặp lại sau 2 giờ nếu cần thiết, không quá 6 liều (20mg/liều) trong 1 tuần. Tác dụng phụ thường gặp như: tê rần tay chân, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ. Chống chỉ định Triptans ở bệnh nhân bệnh mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên, tăng huyết áp, đột quỵ.

b. Chống nôn:

· Ondansetron là chất đối kháng thụ thể 5 - HT3 có chọn lọc cao được sử dụng rộng rãi ở bệnh nhân CVS với buồn nôn và nôn ói. Ondansetron cũng được chứng minh có hiệu quả ở bệnh nhân nôn ói do hoá trị. Hiệu quả tốt khi kết hợp với thuốc an thần benzodiazepine trong giai đoạn cấp. Cần loại trừ QT kéo dài trước khi dùng thuốc

· Aprepitant cũng là lựa chọn cắt cơn ở bệnh nhân CVS. Khuyến cáo liều hàng ngày từ 80-125mg

3. Điều trị ngừa cơn ở bệnh nhân hội chứng nôn ói chu kỳ:

· Phòng ngừa CVS mức độ trung bình- nặng với tricyclic antidepressants (TCAs), đặc biệt amitriptyline là lựa chọn đầu tay. Nhằm hạn chế tác dụng phụ amitriptyline sẽ được khởi đầu liều thấp (10-25mg/ngày trước ngủ) sau đó tăng dần 10mg mỗi tuần. Tác dụng phụ thường gặp như khô miệng, táo bón, bí tiểu, tăng cân, buồn ngủ. Theo dõi QT trước và sau khi sử dụng, giảm liều nếu QT kéo dài >450msec ở nam và >470msec ở nữ.

· Topiramate được khuyến cáo là lựa chọn thay thế ở bệnh nhân trưởng thành với CVS mức độ trung bình- nặng. Liều khuyến cáo topiramate 25 mg/ngày, tăng dần 25 mg/ tuần => max 100 mg/ngày (50 mg b.i.d. or 100 mg XL single dose) hoặc đến khi đáp ứng lâm sàng hoặc xuất hiện tác dụng phụ như rối loạn nhận thức, dị cảm, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi.

· Aprepitant được khuyến cáo là lựa chọn thay thế ở bệnh nhân trưởng thành với CVS mức độ trung bình-nặng, là lựa chọn thứ 2 nếu bệnh nhân kháng trị với TCAs hoặc topiramate. Liều125 mgx 2 lần/ tuần với người trưởng thành >60 kg và 80 mgx 2 lần/ tuần với người trưởng thành 40‐60 kg. 

· Zonisamide hoặc levetiracetam được khuyến cáo là lựa chọn thay thế ở bệnh nhân trưởng thành với CVS mức độ trung bình-nặng. Liều zonisamide, khởi đầu 100 mg/ngày, tăng 100 mg/ngày => max 400 mg/ngày. Levetiracetam khởi đầu 500 mg chia làm 2 lần/ngày và tăng 500 mg/tuần => mục tiêu 1000–2000 mg/ngày

· Co‐Q10 và riboflavin được khuyến cáo là lựa chọn thay thế ở bệnh nhân trưởng thành với CVS mức độ trung bình-nặng, có thể dùng kết hợp với các thuốc phòng ngừa CVS khác. Liều Co-Q10 khuyến cáo 10 mg/kg/ngày chia làm 2 lần (dạng dung dịch hoặc viên nang). Riboflavin (vitamin B2) 200 mg 2 lần/ngày

return to top