U não: phân loại u não

Nội dung

U não nguyên phát

U não nguyên phát là tình trạng các tế bào não và hệ thần kinh trung ương hình thành nên khối u, khác với lại u não do các vị trí khác trên cơ thể di căn đến não. Các khối u nguyên phát được phân loại thành khối u thần kinh đệm (bao gồm các tế bào thần kinh đệm) hoặc khối u không phải thần kinh đệm (phát triển trên hoặc trong các cấu trúc của não, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và các tuyến).

Tỷ lệ u não nguyên phát lành tính là 70% còn u não ác tính là 30%. Theo đó, người càng lớn tuổi thì khả năng bị u não nguyên phát càng cao. Bên cạnh đó, trẻ em cũng có khả năng bị u não nguyên phát cao hơn.

Một số khối u não nguyên phát bao gồm: 

  • U tế bào thần kinh đệm (Glioma): Khối u khởi phát ở não và tủy sống. Phân loại u não tế bào thần kinh đệm gồm có: u nguyên bào thần kinh đệm, u tế bào hình sao, u tế bào nhỏ, u nguyên bào thần kinh đệm ít nhánh,…
  • U màng não: U màng não khởi phát từ các màng bao quanh não và tủy sống và hầu hết là u lành tính.
  • U tế bào Schwann (Schwannoma): Là một dạng u thường phát triển trên các dây thần kinh kiểm soát tính giác và sự cân bằng. Schwannoma cũng là một dạng u lành tính.
  • U tuyến yên: Khi phân loại u não thì u tuyến yên được xếp vào nhóm u lành tính. Loại u này khởi phát trong tuyến yên ở đáy não và có thể ảnh hưởng đến các hormone quan trọng của tuyến yên.
  • U nguyên bào tủy (Medulloblastoma): Là dạng khối u hình thành từ phần sau của não, có thể xâm lấn và chèn ép phần dịch tủy sống. Đối tượng thường mắc u nguyên bào tủy chính là trẻ em, chỉ một số ít trường hợp người mắc bệnh u nguyên bào tủy là người trưởng thành.
  • U tế bào mầm: U tế bào mầm thường khởi phát ở tinh hoàn hoặc buồng trứng và bắt đầu xuất hiện từ khi chúng ta còn thơ ấu. U tế bào mầm có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, kể cả não.
  • U sọ hầu (Craniopharyngioma): U sọ hầu phát triển gần tuyến yên của não, có thể gây ảnh hưởng đến tuyến yên và các cấu trúc gần não.

 

U não thứ phát

Để phân loại u não theo nguồn gốc thì bên cạnh u não nguyên phát còn có u não thứ phát, tức khối u di căn từ các tế bào ung thư ở cơ quan khác, chẳng hạn như ung thư phổi di căn, ung thư vú di căn, ung thư đại tràng di căn… 

Các trường hợp u não thứ phát cao gấp 3-4 lần so với u não nguyên phát. Tuy nhiên, khác với khối u nguyên phát, khối u thứ phát 100% là khối u ác tính. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến u não thứ phát là do di căn từ ung thư phổi.

 

Phân loại u não theo tính chất

U não có thể được chia làm hai nhóm chính là u não lành tính và u não ác tính.

U não lành tính

U não lành tính là khối u phát triển chậm, không chứa tế bào ung thư và không di căn. Có thể phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u não lành tính, tránh trường hợp khối u chèn ép hệ tuần hoàn não gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. 

Các loại u não lành tính gồm có:

  • U thần kinh đệm: Khối u nằm ở thần kinh đệm.
  • U màng não: Khối u ở phần màng bao bọc não.
  • U dây thần kinh âm thanh: Khối u khởi phát trên dây thần kinh âm thanh và còn được gọi là u tế bào tiền đình.
  • U sọ hầu (Craniopharyngioma): Là khối u thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, vị trí u gần đáy não.
  • Hemangioblastomas: Còn được gọi là u nguyên bào mạch máu não, là một dạng u não hiếm gặp khi khối u xuất hiện ở mạch máu não.
  • U tuyến yên: Khối u nằm ở tuyến yên, trên bề mặt dưới của não.

Cần lưu ý, khối u lành tính vẫn có thể trở thành ác tính. Do đó, người bệnh không nên chủ quan mà cũng cần phối hợp điều trị từ sớm để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. 

 

U não ác tính

U não ác tính là khối u ở não có chứa tế bào ung thư, có thể di căn và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. U não ác tính thường tiến triển nhanh, tấn công các mô và các tế bào khỏe mạnh xung quanh khối u. 

Đặc điểm: Khi một bệnh nhân mắc khối u ác tính, phương pháp điều trị thường là kết hợp xạ trị, hóa trị với phẫu thuật. U não ác tính chiếm gần 30% tổng số ca u não nguyên phát, còn u não thứ phát (do di căn) thì 100% là khối u ác tính. 

Để phân loại u não theo tính chất, có thể kể đến một số dạng u não ác tính tiêu biểu như: U tế bào hình sao, u màng não thất, u thần kinh đệm ít nhánh, u thần kinh đệm hỗn hợp,…

 

Phân loại khối u não theo cấp độ

Một cách phân loại u não khác thường được các bác sĩ chuyên khoa áp dụng chính là phân loại u não theo từng cấp độ khác nhau dựa trên đặc điểm mô học của khối u. Trong đó, có tổng cộng 4 cấp độ từ 1 đến 4. Cấp độ 1 và 2 là u não ở mức nhẹ và vừa, cấp độ 3 và 4 là u não ở mức trung bình và nghiêm trọng. 

Thông thường, các khối u não cấp độ 1 và 2 là khối u có khả năng lành tính cao còn khối u cấp 3 và 4 là u não có xu hướng thiên về ác tính. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, u não cấp độ 2 sẽ phát triển thành khối u ác tính. Ngoài ra, các khối u có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu và thay đổi cấp độ. Chẳng hạn như khối u não cấp độ 2 có thể trở nặng và thành khối u não cấp độ 3.

U não cấp độ 1

Đây là cấp độ thấp nhất, thường được áp dụng cho các khối u lành tính. Các khối u não ở cấp độ 1 trông rất giống với các tế bào bình thường, phát triển chậm, ít có khả năng lây lan.

Hướng điều trị u não cấp độ 1 chính là phẫu thuật, không thực hiện xạ trị hoặc hóa trị. 

U não cấp độ 2

Theo cách phân loại u não dựa trên mức độ bệnh, các khối u cấp độ 2 cũng thuộc dạng khối u ở mức độ nhẹ, có các dấu hiệu với u ở cấp độ 1. Tuy nhiên, khối u não cấp độ 2 có thể xâm lấn và nhiều khả năng tái phát sau phẫu thuật. Vì thế, bác sĩ sẽ cân nhắc thêm việc có cần xạ trị và hóa trị kèm theo hay không.

Một số trường hợp u não lành tính ở cấp độ 2 có thể tiến triển thành khối u ác tính. 

U não cấp độ 3

Việc nhận biết các khối u não cấp độ 3 sẽ dễ dàng hơn do chúng trông bất thường và khác lạ hơn so với tế bào não thông thường. U não ở cấp độ 3 có thể lây lan đến tủy sống và các phần khác của não.

U não cấp độ 4

U não cấp độ 4 là mức độ nguy hiểm nhất, khối u phát triển mạnh mẽ và có tốc độ lây lan nhanh chóng sang các tế bào não khác, thậm chí lây sang tủy sống. Xạ trị và hóa trị là hai phương pháp được áp dụng để điều trị u não cấp độ 4.

 

return to top