✴️ Đặt tinh hoàn nhân tạo

ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo là một phẫu thuật đòi hỏi có độ vô trùng cao do đặt một chất liệu ngoại lai vào trong cơ thể.

Phẫu thuật đòi hỏi sau mổ phải có sự cân đối của vùng bìu 2 bên.

 

CHỈ ĐỊNH

Người bệnh sau cắt bỏ tinh hoàn do chấn thương, xoắn, tinh hoàn nằm trong ổ bụng hay ung thư...

Người bệnh thiếu hụt một bên tinh hoàn do: Bẩm sinh chỉ có 1 tinh hoàn, viêm teo tinh hoàn 1 bên...

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh đang có nhiễm trùng toàn thân hay tại chỗ vùng bộ phận sinh dục ngoài.

Người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Phẫu thuật viên (PTV) chuyên ngành Nam học (1 PTV chính + 2 PTV phụ + 1 người đưa dụng cụ).

Người bệnh

Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.

Chuẩn bị người bệnh như một người bệnh mổ theo kế hoạch.

Cạo lông sạch sẽ hoàn toàn bộ phận sinh dục ngoài.

Phương tiện

1 bộ dụng cụ phẫu thuật thường quy cơ bản.

Các loại chỉ khâu chuyên dụng như: Chỉ không tiêu (như prolene 4/0), chỉ tiêu chậm [Monosyn, vicryl (3/0, 4/0)], chỉ tiêu nhanh (safil quick, vicryl rapid: 4/0, 5/0)

Tinh hoàn nhân tạo loại phù hợp.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Tư thế

Người bệnh nằm ngửa. PTV chính và người đưa dụng cụ đứng phía bên cần đặt tinh hoàn của người bệnh. 2 PTV phụ đứng phía đối diện.

Vô cảm

Có thể gây tê tủy sống .

Kỹ thuật

Rạch da và phẫu tích tổ chức dưới da bìu.

Chú ý phẫu tích để tránh làm chảy máu cuống mạch tinh hoàn.

Cầm máu kỹ vùng bìu và các tổ chức xung quanh hạn chế chảy máu.

Tạo khoang vùng bìu đủ rộng để chuẩn bị đặt tinh hoàn nhân tạo.

Cố định tinh hoàn nhân tạo vào mạc bìu bằng Prolene 4/0 mũi rời.

Kiểm tra lại và cầm máu kĩ khoang vùng bìu

Đóng lại cân cơ bằng Vicryl 3/0 hoặc 4/0 mũi rời.

Đóng lại da mũi rời bằng chỉ tiêu nhanh hoặc chỉ không tiêu.

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Theo dõi

Tụ máu và chảy máu trong bìu trong 24h-48h đầu

Rút sonde tiểu trong vòng 24-48h sau mổ.

Tai biến và xử trí

Chảy máu sau mổ: Nếu chảy máu nhiều cần mở lại để kiểm tra và khâu cầm máu.

Phù nề tụ dịch vùng bìu: Cần trích rạch để tránh nhiễm trùng.

Thải loại tinh hoàn nhân tạo: Thường diễn ra muộn hơn, bắt đầu sau 1 tháng sau mổ. Vết mổ chảy dịch và tinh hoàn lộ dưới da cần rạch rộng, lấy bỏ tinh hoàn nhân tạo và làm sạch khoang vùng bìu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top