Ung thư trực tràng là gì?
Ung thư trực tràng là khi các tế bào ung thư bắt đầu khởi phát ở trực tràng, nó không chỉ phát triển, xâm lấn tại trực tràng mà các tế bào ung thư này còn lan sang các bộ phận khác của cơ thể, hay còn gọi là di căn.
Ung thư trực tràng có nguy hiểm không?
Ung thư trực tràng nằm trong top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong danh sách những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chỉ sau ung thư phổi, dạ dày và gan.
Căn bệnh này thường có các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, ung thư trực tràng thực sự trở thành mối lo lắng không trừ bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi bệnh khá cao.
Triệu chứng của ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Do vậy khi gặp những dấu hiệu dưới đây thì cần phải hết sức lưu ý và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn:
Rối loạn tiêu hóa kéo dài;
Phân mỏng dẹp hơn bình thường, phân sẫm màu kèm dịch nhầy, có máu;
Sụt cân bất thường;
Chảy máu ở hậu môn;
Thói quen đại tiện thay đổi bất thường;
Mệt mỏi và suy nhược;
Đau chướng bụng;
Sờ thấy khối u.
Nguyên nhân gây ung thư trực tràng
Mắc một số bệnh về đường ruột như viêm loét trực tràng kéo dài, mắc bệnh polyp trực tràng, bệnh Crohn…;
Gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đại – trực tràng;
Bản thân từng mắc ung thư đại – trực tràng;
Chế độ ăn uống chưa khoa học như ăn quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt dê…); thường xuyên ăn thực phẩm muối lên men, tiêu thụ quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn…;
Thừa cân – béo phì;
Hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích.
Người nào có nguy cơ mắc ung thư trực tràng?
Hầu hết các trường hợp ung thư trực tràng thường xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên do họ có nguy cơ cao mắc polyp trực tràng và ung thư trực tràng.
Ngoài ra, những người có tiền sử cá nhân hoặc người thân trong gia đình có polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng, những người có hội chứng đa polyp đại trực tràng di truyền hoặc có bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng cũng có nguy cơ mắc ung thư trực tràng.
Các giai đoạn của bệnh ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng giai đoạn đầu
Ung thư trực tràng giai đoạn đầu được chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn 0 và giai đoạn 1:
Giai đoạn 0 được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Các tế bào ung thư mới chỉ xuất hiện ở niêm mạc hoặc các lớp lót bên trong trực tràng;
Khi ở giai đoạn 1: Ung thư đã phát triển xuyên qua lớp niêm mạc vào thành trong trực trang nhưng vẫn chưa vượt qua thành; chưa lây lan sang các mô và các hạch bạch huyết lân cận.
Ung thư trực tràng giai đoạn 2
Khi bệnh phát triển tới giai đoạn 2 cũng đồng nghĩa khối u đã xâm lấn sâu hơn vào trong hoặc xuyên qua thành trực tràng. Lúc này, tế bào ung thư có thể lấn sang các mô lân cận nhưng vẫn chưa lây lan tới các hạch bạch huyết gần đó hoặc ở nơi khác.
Ung thư trực tràng giai đoạn 3
Tế bào ung thư ở giai đoạn 3 đã phát triển qua lớp thành mạc ruột và lan tới các hạch bạch huyết xung quanh. Tiên lượng sống của người bệnh trong giai đoạn này là 44 – 83%.
Ung thư trực tràng giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối, ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp của thành ruột và xâm lấn sang các hạch bạch huyết vùng. Đồng thời khối u đã di căn ra các bộ phận khác của cơ thể như gan hoặc phổi. Tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh còn rất thấp chỉ khoảng 8%.
Phương pháp điều trị ung thư trực tràng
Phẫu thuật
Phẫu thuật ung thư trực tràng là phương pháp loại bỏ khối u trực tràng, các mô và một số hạch bạch huyết lân cận. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả thường được áp dụng trong trường hợp bệnh ở giai đoạn sớm.
Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật ung thư trực tràng là phẫu thuật mổ mở và mổnội soi. Tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, cấu trúc giải phẫu của đoạn trực tràng cần can thiệp, mức độ phức tạp của bệnh lý mà phẫu thuật viên sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Hóa trị
Hóa trị trong ung thư trực tràng là một phần quan trọng trong điều trị bệnh ung thư trực tràng. Đây là phương pháp sử dụng thuốc trong việc ngăn chặn và tiêu diệt tế bào ung thư.
Thuốc hóa trị ung thư trực tràng có thể được dùng qua đường tiêm hoặc đường uống. Tùy theo tình trạng của bệnh lý mà bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc khác nhau, có liều lượng và lịch trình sử dụng cụ thể.
Hóa trị ung thư trực tràng giúp giảm nhẹ triệu chứng và hóa trị bổ trợ cho trước hoặc sau phẫu thuật.
Xạ trị
Xạ trị trong ung thư trực tràng là phương pháp sử dụng tia X có năng lượng cao chiếu trực tiếp vào khu vực khối u của người bệnh nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường sử dụng với mục đích hỗ trợ điều trị, làm tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân trước hoặc sau phẫu thuật hoặc có thể sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật.
Có 2 hình thức xạ trị là xạ trị chiếu ngoài và xạ trị áp sát.
Phương pháp khác: dùng thuốc, đốt, áp lạnh…
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân đang ở giai đoạn mấy cũng như sức khỏe của người bệnh, từ đó bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi ca bệnh. Ngoài những phương pháp điều trị ung thư trực tràng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì còn các phương pháp khác như dùng thuốc, đốt, áp lạnh… cũng sẽ được bác sĩ cân nhắc lựa chọn để điều trị cho bện nhân ung thư trực tràng.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng nên ăn gì?
Chia nhỏ bữa ăn, ngày ăn nhiều bữa;
Uống đủ nước mỗi ngày;
Bổ sung các thực phẩm chế biến từ sữa;
Ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, ít chất béo, ít mặn;
Ăn nhiều rau xanh, nước ép hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt;
Ăn các loại quả có màu đỏ như cà rốt, cà chua, đu đủ….;
Thực phẩm cần được chế biến đơn giản, dễ tiêu hóa như các món luộc, hấp.
Ung thư trực tràng không nên ăn gì?
Tránh ăn thức ăn khô, cứng, mặn, khó tiêu hóa;
Không ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, tực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói…;
Không ăn những món muối lên men như dưa, cà muối…;
Không ăn các đồ cay nóng hoặc gây nóng như dứa, tiêu, ớt…;
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt trâu, thịt dê…;
Không hút thuốc, rượu bia, đồ uống có cồn và các thức uống có ga.
Biện pháp phòng ngừa ung thư trực tràng
Kiểm tra đạ trực tràng thường xuyên;
Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh như hạn chế ăn thịt đỏ, thịt đã chế biến sẵn… Thường xuyên bổ sung thêm các vitamin E, C và A…;
Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì;
Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và đồ có cồn;
Luyện tập thể dục thường xuyên;
Tầm soát ung thư đại trực tràng 6 tháng/ lần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh