✴️ Đo hoạt độ AST (Aspatat transaminase)

NGUYÊN LÝ

Đo hoạt độ AST thường được làm cùng với ALT để xác định bệnh lý và theo dõi tiến triển của gan hay tim mạch,. Ngoài ra AST cũng được phối hợp với một số xét nghiệm khác như GGT để theo dõi người bệnh nghiện rượu.

Hoạt độ của enzym AST trong máu của người bệnh được xác định theo phương pháp động học enzyme, theo phản ứng:

Hoạt độ AST được đo bằng sự giảm nồng độ NADH theo thời gian ở bước sóng 340 nm.

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

 01 bác sĩ và 01 kỹ thuật viên được đào tạo về chuyên ngành hóa sinh.

Phương tiện, hóa chất

Phương tiện

Hệ thống máy phân tích hóa sinh của hãng Roche (MODULAR, COBAS 6000, COBAS 8000), hãng Olympus (AU 640, AU 2700, AU5800).

Máy ly tâm

Các ống xét nghiệm được chống đông bằng Li-Heparin hoặc EDTA hoặc không chống đông.

Pipét tự động các loại 1000µl, 500 µl, 100µl, 50 µl và 10 µl.

Đầu côn tương ứng các loại pipet tự động.

Bông, cồn, kim lấy máu, giá đựng bệnh phẩm.

Bàn lấy máu.

Găng tay

Hoá chất

  • Hoá chất làm xét nghiệm AST của hãng ROCHE, OLYMPUS.
  • Huyết thanh kiểm tra của BIO-RAD.
  • Chuẩn của AST.

Bệnh phẩm

Lấy 3 ml máu tĩnh mạch vào ống chống đông bằng Li-Heparin, EDTA, hoặc ống không chống đông

Ly tâm để tách huyết tương hoặc huyết thanh

Mẫu bệnh phẩm cần được phân tích càng sớm càng tốt. Có thể bảo quản mẫu huyết thanh hoặc huyết tương 7 ngày ở nhiệt độ 2-80C.

Người bệnh: Đã được tư vấn xét xét nghiệm, chuẩn bị tư tưởng khi khám bệnh, nhịn ăn sáng để lấy máu.

Phiếu xét nghiệm: Điền đầy đủ thông tin về người bệnh theo quy định. Phiếu xét nghiệm có chỉ định xét nghiệm AST trong máu.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Cài chương trình trên máy theo protocol của máy: chỉ làm khi bắt đầu triển khai xét nghiệm trên máy và khi có thay đổi trong chương trình cài đặt.

Dựng đường chuẩn: được làm khi bắt đầu triển khai xét nghiệm trên máy, khi thay đổi một trong các yếu tố: nồng độ chuẩn mới, thuốc thử mới, thay bóng đèn hay thay cóng phản ứng, và khi thấy kết quả kiểm tra chất lượng không đạt.

Mẫu huyết thanh kiểm tra chất lượng, mẫu bệnh phẩm đo hoạt độ AST được phân tích trên máy phân tích sinh hoá tự động MODULAR, COBAS 6000, COBAS 8000 (hãng Roche), hoặc các máy AU 640, AU 2700, AU 5800 (hãng Minh Tâm) theo protocol của máy.

Mẫu bệnh phẩm chỉ được chạy trên máy phân tích khi kết quả kiểm tra chất lượng đạt được độ chính xác và xác thực trong giới hạn cho phép và không vi phạm các luật của quy trình kiểm tra chất lượng.

Kết quả sau khi được đánh giá sẽ được điền vào phiếu xét nghiệm, điền vào sổ lưu trữ hoặc được chuyển vào phần mềm quản lý dữ liệu để in ra bằng máy.

 

NHẬN ĐỊNH KẾT QUẢ

Trị số bình thường:

  • Nam: < 37 U/L.
  • Nữ: < 31 U/L .

AST máu tăng trong các nguyên nhân:

Các bệnh gan (tỉ số AST/ALT <1): viêm gan do virut cấp, viêm gan do thuốc (rifampicin, INH, salicylat, heparin),Viêm gan nhiễm độc (CCl4, amanit phalloid), tắc mật do các nguyên nhân không phải ung thư, apxe gan.

Các bệnh gan (tỉ số AST/ ALT >1): Xơ gan, Viêm gan do rượu, Xâm nhiễm gan ( do di căn ung thư, nhiễm sarcoid, lao, u lympho, luput ban đỏ).

Các bệnh về tim: suy tim mất bù ( gan xung huyết), viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim , bóp tim ngoài lồng ngực, phẫu thuật tim, sau thông tim (tỉ số AST/ALT>1).

Viêm túi mật.

Nhiễm độc rượu cấp.

Viêm tuỵ cấp hoại tử.

Viêm đa cơ, viêm da và cơ,

Hội chứng vùi lấp.

Hoạt độ AST có thể giảm trong các nguyên nhân chính sau:

  • Bệnh Beriberi.
  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường.
  • Lọc máu.
  • Có thai
  • Hội chứng ure máu cao.

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ XỬ TRÍ

Khi thấy kết quả AST bất thường (cao hơn hoặc thấp hơn giá trị bình thường) cần kiểm tra lại kết quả bằng cách:

  • Nhấc ống máu để kiểm tra xem có đông dây hoặc bất thường về màu sắc huyết tương hay không?
  • Kiểm tra lại thông tin ống máu, đối chiếu với thông tin trên phiếu yêu cầu xét nghiệm: họ tên người bệnh, tuổi, giường, khoa…

Nếu thấy không có gì bất thường, nên chạy lại kiểm tra lại lần nữa trên máy đó cùng phối hợp với mẫu huyết thanh kiểm tra hoặc chuyển sang máy khác.

Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm:

  • Mẫu máu bị vỡ hồng cầu
  • Các thuốc có thể làm tăng hoạt độ AST là: cetaminophen, allopurinol, một số loại kháng sinh, acid ascorbic, chlpropamid, cholestyramin, cholinergic, clofibrat, codein, statin, hydralazin, isoniazid, meperidin, methyldopa, morphin, thuốc ngừa thai uống, phenothiazin, procainamid, pyridoxin, salicylat, sufonamid, verapamil, vitamin A.

+ Các thuốc có thể làm giảm hoạt độ AST là; metronidazol, trifluoperazin.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top