✴️ [Giải đáp] Thoát vị bẹn phải là bệnh gì?

Nội dung

1. Thoát vị bẹn phải là bệnh gì?

Thực chất thoát vị bẹn phải chính là biểu hiện của bệnh thoát vị bẹn, do thành bẹn bên phải của cơ thể yếu hơn hoặc chịu tổn thương tạo ra lỗ hổng khiến vùng tạng ruột sa ra ngoài gây nên bệnh lý thoát vị bẹn. Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở một bên (trái/phải) hoặc là cả hai bên.

Thoát vị bẹn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng hay gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

thoát vị bẹn phải là bệnh gì

Thực chất thoát vị bẹn phải chính là biểu hiện của bệnh thoát vị bẹn xảy ra ở vị trí vùng bẹn bên phải.

 

2. Nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn

2.1. Thoát vị bẹn có 2 dạng thường gặp nhất là:

– Thoát vị gián tiếp: thường là do yếu tố bẩm sinh tạo thành đến từ cấu tạo của ống phúc tinh mạc.

– Thoát vị trực tiếp: biểu hiện khi tạng và mỡ thừa đi ra ngoài qua một khu vực yếu của thành bẹn. Thoát vị bẹn trực tiếp hay gặp ở những người lao động nặng, người mắc táo bón kinh niên.

 

2.2. Một số lý do điển hình gây nên bệnh thoát vị bẹn

– Do bẩm sinh: bệnh được hình thành xuất phát từ ống phúc tinh mạc, ngay từ bẩm sinh ống này đã tạo nên túi thoát vị gián tiếp có sẵn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý thoát vị bẹn về sau. Ngoài ra với những người có sẵn túi thoát vị gián tiếp còn có thể mắc các bệnh lý khác liên quan đến bộ phận sinh dục như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc…

– Do sự suy yếu thành bụng, nguyên nhân này thường gặp ở những người tuổi già gây thoát vị trực tiếp. Hoặc do mắc một số bệnh gây mất collagen trong mô, do thương tích vùng bẹn, do suy dinh dưỡng hoặc béo phì, do lao động quá sức,… cũng gây suy yếu vùng thành bẹn và gây thoát vị.

– Sự tăng áp lực ở ổ bụng một cách liên tục và kéo dài chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy thoát vị bẹn phải, bao gồm:

+ Mắc táo bón kéo dài trong nhiều năm

+ Do bệnh u đại tràng gây áp lực lên hệ tiêu hóa nói chung và thành bụng nói riêng.

+ Do bệnh lý hẹp niệu đạo hoặc bướu lành ở tuyến tiền liệt gây ra hiện tượng khó tiểu, gián tiếp tạo áp lực lên thành bụng.

+ Người thường xuyên mắc ho kéo dài.

+ Ở phụ nữ thì có thể gặp thoát vị bẹn ở phụ nữ có thai hoặc có khối u lớn trong bụng.

 

3. Các triệu chứng khi mắc bệnh thoát vị bẹn

– Đau và nhô ra khối phồng, nhất là khi leo cầu thang, khi ho hoặc mang vác các vật nặng, thường thì khối phồng này sẽ biến mất khi người bệnh nằm xuống

– Thoát vị bẹn khiến người bệnh có cảm giác bị co kéo hay là đau lan từ vùng bụng xuống bìu

– Da bìu bị căng tức, sưng đỏ

– Trong trường hợp thoát vị bẹn sa hẳn ra ngoài và không còn khả năng tự co lại khi nằm xuống thì thành bụng sẽ luôn luôn sưng phồng khó chịu, sờ bằng tay có thể cảm nhận rõ được hình dạng của tạng ruột rất nguy hiểm

 

4. Biến chứng của thoát vị bẹn nghiêm trọng thế nào?

4.1. Thoát vị nghẹt

Xảy ra khi tạng ruột chui qua thành bụng và kẹt lại không thể tự co vào bên trong, lúc này các mạch máu bị chèn ép gây đau cho bệnh nhân, nhiều trường hợp không can thiệp kịp thời còn gây ra hoại tử vùng ruột đang bị sa ra ngoài.

 

4.2. Thoát vị kẹt

Cũng tương tự như thoát vị nghẹt, kẹt tạng xảy ra khi ruột hoặc mô mỡ không thể co lại lên bụng được, tạng lúc này sẽ bị dính vào túi, hoặc các tạng thoát vị dính lại với nhau tạo ra một khối phòng ngày càng lớn và kẹt lại bên ngoài thành bụng. Tuy nhiên, khác với thoát vị nghẹt, thoát vị kẹt không phải đối mặt với nguy cơ bị chèn ép các mạch máu dẫn tới hoại tử ruột và người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức do căng tức, sưng phồng khó chịu mà thôi.

 

4.3. Chấn thương thoát vị

Chấn thương thoát vị là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất mà người bệnh cần lưu tâm, trường hợp này xảy ra khi tạng sa ra ngoài sau đó bị va đập hoặc tổn thương bởi một tác động hay sự cố nào đó, chấn thương thoát vị có thể dẫn tới dập ruột, nguy hiểm hơn là vỡ các bộ phận khác bên trong.

 

5. Điều trị thoát vị bẹn như thế nào là tối ưu nhất?

Với mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có cách điều trị thoát vị bẹn phù hợp riêng. Thường thì phương pháp điều trị thoát vị bẹn sẽ được quyết định bởi lứa tuổi mắc bệnh.

– Đối với trẻ sơ sinh mắc thoát vị bẹn bẩm sinh do cấu tạo ống phúc tinh mạc thì có thể chờ một thời gian, theo dõi xem ống phúc tinh mạc này có tự bít không, nếu có thì sẽ tự ngăn chặn được nguy cơ thoát vị bẹn về sau, nếu không thì sẽ tiếp tục đánh giá tình trạng và can thiệp xử lý

– Đối với người lớn thông thường sẽ có 2 phương pháp điều trị là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở.

Phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất giúp bịt kín chỗ thoát vị và củng cố vững chắc thành bụng để các tạng trong ổ bụng không thể chui qua trong khi các phương pháp điều trị khác không thể đáp ứng được điều này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top