Mổ viêm ruột thừa hay phẫu thuật để loại bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị chính trong phần lớn các ca viêm ruột thừa. Mổ viêm ruột thừa bao gồm nội soi và mổ hở. Việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng thực tế để tư vấn cho người bệnh phương pháp phù hợp nhất.
1.Mổ viêm ruột thừa nội soi
Mổ nội soi là phương pháp rất được ưa chuộng hiện nay để loại bỏ ruột thừa vì ít để lại sẹo và thời gian phục hồi nhanh chóng hơn so với mổ hở.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch 3 hoặc 4 vết rạch nhỏ ở ổ bụng, sau đó chèn các dụng cụ này vào bên trong:
Ống bơm khí CO2 làm căng ổ bụng, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát hơn.
Ống nội soi có gắn camera và nguồn sáng.
Dụng cụ phẫu thuật nhỏ được sử dụng để cắt bỏ ruột thừa.
Khi đã cắt bỏ xong ruột thừa, bác sĩ sẽ tiến hành đóng vết mổ.
2. Mổ hở viêm ruột thừa
Với một số trường hợp không thể mổ nội soi, mổ hở là phương pháp được lựa chọn:
Ruột thừa bị vỡ và hình thành một khối u được gọi là khối ruột thừa.
Người bệnh đã từng mổ hở ổ bụng trước đây.
Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch lớn ở vùng bụng phía dưới bên phải để cắt bỏ ruột thừa.
Khi ruột thừa bị vỡ đã dẫn tới tình trạng nghiêm trọng hơn là viêm phúc mạc, bác sĩ có thể sẽ phải tạo một vết rạch dài dọc giữa bụng để xử lý.
Ở cả hai phương pháp phẫu thuật, ruột thừa bị loại bỏ sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm để kiểm tra xem có dấu hiệu của ung thư hay không. Đây là một biện pháp phòng ngừa mặc dù rất hiếm khi xảy ra.
3. Chăm sóc sau mổ viêm ruột thừa
Một trong những ưu điểm của mổ nội soi là thời gian phục hồi ngắn và hầu hết người bệnh có thể xuất viện một vài ngày sau điều trị.
Nếu mổ hở hoặc phức tạp hơn, ví dụ như biến chứng viêm phúc mạc, người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện lâu hơn để theo dõi, thường khoảng 1 tuần.
Trong những ngày đầu tiên sau khi mổ viêm ruột thừa, người bệnh có thể cảm thấy đau và bầm tím. Tình trạng này sẽ cải thiện dần theo thời gian, người bệnh cũng có thể uống thuốc giảm đau nếu cần thiết.
Những người mổ nội soi sẽ cảm thấy đau ở đầu vai trong khoảng một tuần. Điều này là do khí bơm vào ổ bụng trong quá trình nội soi còn sót lại.
Một số trường hợp có thể bị táo bón ngắn hạn. Để giảm bớt sự khó chịu, người bệnh nên ăn nhiều chất xơ, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nếu táo bón ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt của người bệnh.
Trước khi rời khỏi bệnh viện, bệnh nhân sẽ được tư vấn về cách chăm sóc vết thương và những hoạt động cần tránh.
Nhìn chung, người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường một vài tuần sau mổ viêm ruột thừa. Mặc dù cần tránh các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực khoảng 4 – 6 tuần ở những người mổ hở.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh