Bệnh viêm đại tràng gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt nếu không được điều trị kịp thời viêm đại tràng có thể biến chứng thành ung thư. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh cũng như triệu chứng và cách điều trị hiệu quả căn bệnh này như thế nào, cùng tìm hiểu ngay sau đây.
1. Bệnh viêm đại tràng là gì và nguyên nhân nào gây ra bệnh?
1.1. Tìm hiểu chung bệnh viêm đại tràng là tình trạng gì?
Đại tràng (ruột già), là cơ quan cuối cùng của đường tiêu hóa, có chiều dài khoảng 1,2m. Đại tràng có nhiệm vụ xử lý chất thải từ quá trình tiêu hóa của ruột non, hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng còn sót lại và lưu trữ chất cặn bã trước khi được đào thải ra khỏi cơ thể qua hậu môn.
Do là nơi lưu giữ các chất thải trong quá trình tiêu hóa nên đại tràng là nơi rất thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Có thể nói viêm đại tràng là căn bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến hiện nay. Bệnh viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm gây ra tổn thương ở niêm mạc đại tràng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có hai loại bệnh viêm đại tràng là viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính.
1.2. Những nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm đại tràng?
Những nguyên nhân gây ra viêm đại tràng cấp tính
– Viêm do ngộ độc hay dị ứng thức ăn, thực phẩm.
– Viêm do không đảm bảo an toàn thực phẩm khi chế biến, ăn uống phải thực phẩm chưa nấu chín nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Ăn đồ tái sống bẩn, có chứa các ký sinh trùng phổ biến như lỵ amip, giun đũa, giun tóc, giun kim…
– Viêm do nhiễm phải các loại vi khuẩn như lỵ khuẩn trực tràng, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn tả, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn lao; siêu vi rotavirus, nấm candida…
– Viêm đại tràng có thể do tự miễn, khi cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể tấn công các tế bào niêm mạc đại tràng lành gây ra viêm loét.
– Ngoài ra bệnh còn là hệ quả của bệnh táo bón, dùng thuốc giảm đau hay kháng sinh nhiều ngày…
Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính được chia làm 2 nhóm, nhóm có nguyên nhân và nhóm không rõ nguyên nhân.
– Viêm đại tràng mãn tính nhóm có nguyên nhân là tình trạng xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính không điều trị dứt điểm.
– Viêm đại tràng mãn tính nhóm không rõ nguyên nhân là tình trạng viêm không đặc hiệu.
3. Những triệu chứng nhận biết viêm đại tràng thường thấy
– Người bệnh có dấu hiệu bị đau bụng thường xuyên. Người bệnh thường bị đau vùng hố chậu hai bên và đau vùng hạ sườn. Khi đi đại tiện dấu hiệu đau bụng có thể giảm bớt.
– Viêm đại tràng gây ra triệu chứng rối loạn đại tiện. Người bệnh thường đại tiện phân lỏng 3 đến 4 lần trong ngày, phân có lẫn nhầy máu. Ngoài ra, còn có hiện tượng táo bón xen lẫn tiêu chảy. Ngoài ra còn xuất hiện triệu chứng mót rặn và đau hậu môn. Người bệnh có biểu hiện mót rặn nhưng không đi ngoài được, triệu chứng này xảy ra khi ăn thức ăn lạ, thức ăn lên men…
– Người bệnh luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu khiến da xanh xao…
Viêm đại tràng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể chuyển sang dạng mãn tính khiến việc điều trị trở lên khó khăn đồng thời có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng, ung thư đại tràng…
Vì vậy khi gặp các triệu chứng bất thường về tiêu hóa, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.
4. Những chỉ định chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
– Chỉ định lấy mẫu phân để tiến hành soi tươi hoặc nuôi cấy, phân lập xác định vi khuẩn gây bệnh.
– Chỉ định chụp MRI đại tràng có thuốc cản quang.
– Các chỉ định về xét nghiệm máu để tìm dấu vết của nhiễm trùng.
– Thực hiện nội soi đường tiêu hóa dưới và sinh thiết tế bào để chẩn đoán chính xác mức độ viêm loét. Nội soi tiêu hóa là phương pháp được đánh giá là “chuẩn vàng” để truy tìm nguyên nhân gây ra các bệnh lý về dạ dày đại tràng nhờ khả năng quan sát toàn bộ niêm mạc bên trong đường tiêu hóa cùng với khả năng sinh thiết các tổn thương nghi ngờ.
5. Những cách điều trị bệnh viêm đại tràng hiện nay là gì?
Chỉ định phác đồ điều trị bệnh viêm đại tràng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và tình trạng bệnh.
– Điều trị viêm đại tràng bằng thuốc: Các loại thuốc trị bệnh viêm đại tràng được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm. Nếu nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, người bệnh được bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh để giảm nhiễm trùng.
Lưu ý: Điều trị bằng thuốc cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về đơn thuốc, thời gian uống và thời gian tái khám.
– Điều trị viêm đại tràng bằng phẫu thuật: Nếu tình trạng viêm loét quá nặng, có biến chứng nguy cơ cao gây ung thư có thể được chỉ định phẫu thuật cắt hớt niêm mạc bị bệnh.
6. Một số lưu ý trong điều trị bệnh viêm đại tràng
– Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc điều trị mà cần được thăm khám và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc khiến cho người bệnh bị kháng thuốc và khó điều trị hơn.
– Cần thay đổi để có chế độ ăn uống khoa học. Bệnh viêm đại tràng liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, do đó để hạn chế tình trạng viêm, cần thực hiện: Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn rau sống, dưa cà muối… Không nên ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu, thức ăn và gia vị cay nóng, không uống rượu bia… Nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm ưu tiên nhiều rau xanh và trái cây tươi, cung cấp đủ nước cho cơ thể…
– Có thói quen làm việc và nghỉ ngơi điều độ, thường xuyên vận động tránh ngồi 1 chỗ quá lâu, tránh những căng thẳng thần kinh không đáng có.
– Từ bỏ thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh.
– Xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ, thực hiện nội soi đường tiêu hóa để kịp thời phát hiện bất thường của cơ thể.
Bệnh viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến và có triệu chứng khá phức tạp. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn chữa khỏi được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Thường xuyên khám sức khỏe, tầm soát bệnh đường tiêu hóa bằng phương pháp nội soi giúp sẽ giúp bạn an tâm hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh