Tắc nghẽn đường ruột là một trong những bệnh lý phổ biến ở đường ruột, đứng thứ 2 sau bệnh viêm ruột thừa. Căn bệnh này có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Đâu là nguyên nhân gây tắc nghẽn ở đường ruột? Hãy cùng chuyên trang Bệnh tiêu hóa tìm hiểu về vấn đề này nhé!
1. Nguyên nhân tắc nghẽn đường ruột từ bên trong lòng ruột
Tắc đường ruột xuất phát từ yếu tố bên trong lòng ruột thường xảy ra do các nguyên nhân như:
Giun đũa dính kết lại gây tắc ruột, khiến cho các chất trong ruột không được lưu thông. Nguyên nhân này thường gặp ở trẻ em và người lớn ở những vùng nông thôn, trồng rau, ăn uống mất vệ sinh.
Do người bệnh tiêu thụ các loại thức ăn khó tiêu hóa như măng, xơ mit, thức ăn chế biến dạng tái, không nhai kỹ,… Chúng sẽ tạo thành các bối thức ăn và gây cản trở việc tiêu hóa trong đường ruột, dẫn tới tắc ruột.
Tắc ruột có thể do sỏi mật gây ra. Sỏi mật di chuyển từ ống dẫn mật xuống tá tràng và di chuyển xuống ruột. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường ít gặp.
Chế độ ăn uống không khoa học, dẫn tới sự mất cân bằng các chất trong đường ruột gây táo bón
2. Nguyên nhân tắc nghẽn đường ruột xuất phát từ thành ruột
Tắc ruột do các yếu tố ở đường ruột như :
Các khối ung thư của ruột non hoặc đại tràng, chúng phát triển từ niêm mạc thành ruột, hướng vào bên trong lòng ruột, trở ngại các chất trong ruột lưu thông.
Hẹp thành ruột do viêm nhiễm hoặc do sẹo xơ: Nguyên nhân này hay gặp ở các trường hợp lao ruột, bệnh Crhon ruột, viêm ruột sau xạ trị, hẹp miệng nối ruột, hẹp ruột sau chấn thương.
Lồng ruột: Do đoạn ruột phía trên chui vào đoạn ruột phía dưới. Lồng ruột thường gặp ở trẻ em còn bú, ở người lớn ít gặp và thường phối hợp với các nguyên nhân tắc ruột ở thành ruột như khối u, túi thừa…
3. Nguyên nhân tắc nghẽn đường ruột do các yếu tố ngoài thành ruột
Do ảnh hưởng từ các ca phẫu thuật ở ổ bụng như: phẫu thuật mổ ruột thừa, phẫu thuật đại tràng, tá tràng, cắt túi mật,… Rủi ro này thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh béo phì, lượng mỡ quá nhiều khiến cho việc quan sát bị hạn chế trong quá trình làm phẫu thuật.
Do các thoát vị bao gồm các thoát vị thành bụng (thoát vị bẹn, thoát vị đùi, thoát vị rốn…) và các thoát vị nội: thoát vị bịt, thoát vị khe Winslow, thoát vị Treitz,…) có thể gây nghẹt khi ruột chui vào các khe lỗ này.
Do xoắn ruột: Bệnh xảy ra do quai ruột bị xoắn trên trục mạc treo của nó. Ở ruột non, xoắn ruột thường do hậu quả của tắc ruột ở phía trên do dây chằng dính vào đỉnh hoặc chân của quai ruột đó. Ở đại tràng, xoắn ruột thường tự phát do đoạn đại tràng Sigma dài, hai chân gần nhau, bị lộn xoay xuống (xoắn đại tràng Sigma), xoắn của manh tràng do đại tràng phải không dính bẩm sinh, ít gặp.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn tới tắc nghẽn đường ruột như:
Thiếu máu cấp và huyết khối tĩnh mạch mạc treo cũng làm liệt nhu động ở đoạn ruột tương ứng.
Rối loạn chuyển hoá: Kali máu thấp, tăng canxi máu, toan chuyển hoá.
Tổn thương ruột trong các bệnh toàn thân: Tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa porfirin, xơ cứng bì.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh