✴️ Phân loại bệnh trĩ và điều trị bệnh trĩ (lòi dom)

1. Phân loại bệnh trĩ

Bệnh trĩ được chia thành các loại: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp

1.1. Trĩ nội

Trĩ nội được hình thành khi các xoang tĩnh mạch trĩ trên đường lược phồng to.

Bệnh trĩ nội có 4 cấp độ:  

  • Trĩ nội độ I: Búi trĩ được hình thành chỉ phình lên, không sa ra ngoài. Có thể đi ngoài ra máu.  
  • Trĩ nội độ II: Búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện, sau lại đó tự tụt vào.  
  • Trĩ nội độ III: Búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn khi đi ngoài và khó tụt vào. Người bệnh phải dùng tay ấn thì búi trĩ mới vào lại được.
  • Trĩ nội độ IV: Búi trĩ sa và thường xuyên ở ngoài hậu môn. Lấy tay ấn trĩ không vào lại được. 

1.2. Trĩ ngoại 

Trĩ ngoại được hình thành khi các xoang tĩnh mạch ở dưới đường lược phồng to, thường được che phủ bởi niêm mạc hoặc da ở rìa hậu môn.  

Trĩ ngoại có các cấp độ sau :

  • Cấp độ nhẹ: Cảm giác bị cộm, vướng ở hậu môn. Có thể búi trĩ bị sưng to, xoắn lại và gây đau rát, bất tiện cho người bệnh khi sinh hoạt.

Bệnh trĩ ngoại và cách điều trị

Bệnh trĩ ngoại và cách điều trị (Ảnh internet)

  • Cấp độ nặng: Búi trĩ lớn, nằm ngay lỗ hậu môn, rất bất tiện cho bệnh nhân khi đại tiện và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

1.3. Trĩ hỗn hợp

Trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại, khi mà búi trĩ đã kéo dài từ trong ra ngoài. 

bệnh trĩ

Bệnh trĩ hỗn hợp (Ảnh internet)

2. Các nguyên tắc trong điều trị bệnh trĩ 

Nguyên tắc 1: Tập luyện đều đặn

Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn có một hệ tuần hoàn máu khỏe mạnh. Tập thể dục còn thúc đẩy nhu động ruột, ổn định nhiệt độ cơ thể. Việc tập luyện đều đặn không chỉ hỗ trợ bạn trong việc điều trị bệnh trĩ mà còn giúp bạn tăng sức đề kháng, phòng ngừa một số bệnh khác.

Nguyên tắc 2: Phòng ngừa và điều trị dứt điểm táo bón

Táo bón là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trĩ. Vì vậy, để điều trị bệnh trĩ nhanh chóng, cần phải loại bỏ những yếu tố gây bệnh.

  • Thực hiện chế độ ăn uống cho người bị táo bón, tăng cường bổ sung chất xơ, rau xanh, thực phẩm nhuận tràng.
  • Không ăn những thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
  • Không sử dụng rượu bia thuốc lá, các chất kích thích.

Nguyên tắc 3: Tập thói quen đại tiện thường xuyên, đúng giờ

Việc đại tiện ở một thời điểm mỗi ngày sẽ khiến bạn đại tiện dễ dàng hơn. Khi “quen dạ” ruột hoạt động mạnh hơn, giúp phân ra ngoài dễ dàng hơn rất nhiều so với việc giờ giấc không ổn định và bạn phải mất nhiều thời gian cho một lần đại tiện. Hậu môn mở quá lâu là một kiêng kỵ lớn với bệnh nhân trĩ.

Nguyên tắc 4: Uống đủ nước mỗi ngày

Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hấp thu dinh dưỡng, chuyển hóa và đào thải chất độc ra ngoài cơ thể hơn. Ngoài ra, uống đủ nước còn  giúp phòng tránh táo bón và có thể ngăn ngừa bệnh trĩ hiệu quả

Nguyên tắc 5: Nhanh chóng đi cắt trĩ

Cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xác định mức độ bệnh và có phương pháp điều trị bệnh trĩ phù hợp nhất. Phương pháp để chấm dứt tình trạng bệnh duy nhất là cắt bỏ đám rối tĩnh mạch bị xơ hóa và gây nên phiền phức.

3. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ

3.1. Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp nội khoa:

Điều trị nội khoa áp dụng cho trĩ nội độ 1 và 2. Phương pháp này gồm có thuốc uống, thuốc đặt hậu môn dạng viên đạn, thuốc mỡ bôi ngoài. Các bài thuốc đông y có thể có hiệu quả. 

3.2. Điều trị thủ thuật: không phải mổ

Điều trị thủ thuật áp dụng cho các trĩ độ 1, 2 và một phần độ 3: 

  • Tiêm xơ búi trĩ. Tiêm xơ là phương pháp dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn điều trị bệnh trĩ. Mục đích của phương pháp này là làm xơ teo mạch máu và các tổ chức búi trĩ. Dần đàn búi trĩ sẽ hết sa xuống và bị teo nhỏ, sau đó thì dứt hẳn. Ưu điểm của phương pháp này là không đau, hiệu quả xơ hóa búi trĩ rất cao. Bệnh nhân sau khi được tiêm xơ chỉ cần nghỉ ngơi 30 phút là có thể ra về sinh hoạt bình thường. Tiêm xơ có thể có một số biến chứng như: chảy máu tại điểm tiêm, tiêm vào tuyến tiền liệt, viêm mào và tinh hoàn, rò hậu môn, rò âm đạo. 

điều trị bệnh trĩ

Tiêm xơ búi trĩ điều trị bệnh trĩ (Ảnh internet)

  • Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Phương pháp này sẽ làm giảm lượng máu được bơm vào búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp niêm mạc. 
  • Quan đông hồng ngoại: Là phương pháp sử dụng nhiệt để điều trị trĩ. Mục đích là làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ. Quan đông hồng ngoại không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng chi phí cho máy đắt và thường phảo làm thủ thuật nhiều lần. 

điều trị bệnh trĩ

Điều trị bệnh trĩ bằng thủ thuật (Ảnh internet)

3.3. Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp phẫu thuật cắt trĩ 

  • Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc: Là phương pháp cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm mạc có búi tĩnh mạch trĩ rối kéo niêm mạc từ trên xuống khâu với da ở hậu môn. Đây là phương pháp ít được áp dụng do có nhiều biến chứng như hẹp hậu môn, rỉ dịch ở hậu môn, đi ngoài không tự chủ.
  • Phẫu thuật cắt từng búi trĩ: Là phương pháp cắt riêng từng búi trĩ một, chỉ để lại ở giữa các búi trĩ các mảnh da. Nhược điểm là bệnh nhân đau sau mổ và không hiệu quả trong các trường hợp trĩ vòng.
  • Phẫu thuật Longo: Là phương pháp cắt vòng niêm mạc, dưới niêm mạc trực tràng trên đường lược khoảng 3cm nhằm kéo búi trĩ và niêm mạc trực tràng trở về vị trí bình thường. Nguồn máu đến búi trĩ sẽ bị cắt. Các búi trĩ do không được cấp máu sẽ teo dần đi. Phương pháp có ưu điểm là thời gian phẫu thuật rất ngắn và ít đau sau mổ. Tỉ lệ tái phát sau mổ rất ít. Nhược điểm là chi phí cao.
  • Khâu treo trĩ bằng tay: Được cải biên từ phẫu thuật Longo nhưng có giá thành thấp hơn.

3.4. Đối với trĩ ngoại

Không có chỉ định điều trị thủ thuật hay phẫu thuật trừ khi có biến chứng nhiễm trùng hay lở loét, tắc mạch tạo thành những cục máu đông nằm trong các búi trĩ.

4. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ trĩ 

4.1. Theo dõi vết mổ

Theo dõi vết mổ cắt trĩ là việc làm quan trọng hàng đầu giúp bệnh nhân nhận ra những biểu hiện bất thường. Khi có những dấu hiệu dưới đây, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

  • Vết mổ cắt trĩ chảy nhiều máuSau mổ cắt trĩ, vết mổ xuất hiện dịch màu hồng giống như máu là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy vết mổ ra nhiều máu đỏ cục, cần sơ cứu bằng việc dùng oxy già tẩm vào bông gạc y tế ép vào vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất được xử lý.
  • Vết mổ rỉ nhiều dịchRỉ dịch cũng là biểu hiện bình thường sau mổ cắt trĩ. Hiện tượng này thường chấm dứt sau 8 tuần kể từ khi tiến hành tiểu phẫu. Nếu tình trạng rỉ dịch tại vết mổ  kéo dài sau thời gian 8 tuần, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế để thăm khám.
  • Đau sau cắt trĩ: Đây là một trong những biểu hiện bất thường cần phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ. Để giảm đau, bệnh nhân nên vệ sinh hậu môn sạch sẽ bằng việc ngâm nước ấm, sau mỗi lần đi đại tiện nên rửa sạch bằng nước ấm rồi dùng giấy mềm thấm khô.

4.2. Những điều nên làm để tránh các biến chứng sau mổ

  • Việc giữ vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ rất quan trọng, tránh vết mổ bị vi khuẩn tấn công gây nên các bệnh viêm nhiễm.
  • Giữ vết mổ khô thoáng bằng việc lót giấy, băng.
  • Ăn những thức ăn dễ hấp thụ như cháo, súp, … trong ngày đầu sau khi mổ.
  • Tăng cường những thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn cho người bệnh trĩ để cải thiện chức năng đường ruột, giảm táo bón.
  • Uống nhiều nước (dao động từ 2 – 2,5 lít/ ngày).
  • Vận động nhẹ nhàng.
  • Khám lại dù có hay không sự xuất hiện của những triệu chứng bất thường.

4.3. Những điều không nên làm

  • Không nên tự ý bôi thuốc, ngâm hậu môn khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không nên hoạt động ở cường độ cao, chơi những môn thể thao mạnh như đá bóng, bơi lội, …
  • Không nên ăn các đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ,… để không gây kích ứng dẫn đến tiêu chảy.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
  • Không nên ngồi, đứng quá lâu trong một tư thế .
  • Không nên quan hệ tình dục khi vết thương chưa lành hẳn.
  • Không nên đi đại tiện quá nhiều lần và ngồi đại tiện quá lâu vì sẽ gây áp lực cho hậu môn

Xem thêm: Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp tiêm xơ búi trĩ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top