✴️ Sâm Ngọc Linh

Nội dung

Sâm ngọc linh được xem là thảo dược tốt đối với sức khỏe con người và thường được sử dụng để tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, ngăn ngừa ung thư và chữa bệnh suy giảm tình dục của nam giới. Bên cạnh đó, cây được sử dụng với nhiều mục đích chữa trị khác nhau.

+ Tên khác: Sâm Việt Nam, Sâm Khu Năm, sâm trúc, cây thuốc giấu, củ ngải rọm con

+ Tên khoa: Panax vietnamensis

+ Họ: Cuồng cuồng (Araliaceae)

I. Mô tả về sâm ngọc linh

+ Đặc điểm sinh thái của sâm ngọc linh

Sâm ngọc linh có dạng thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, có đường kính thân khoảng 4 – 8 mm. Thân rễ mang nhiều rễ nhánh và củ, có đường kính 1 – 2 cm thường mọc bò ngang trên hoặc dưới mặt đất. Trên đỉnh của thân mang lá kép hình chân vịt mọc vòng với 3 – 5 nhánh lá. Cuống lá kép dài 6 – 12 mm và mang 5 lá chét, lá chét ở chính giữa lớn hơn với độ dài 12 – 15 cm và rộng 3 – 4 cm.

Lá chét phiến thường có hình bầu dục, chọp nhọn và có mép răng cưa, có lông ở hai mặt. Hoa mọc dưới các lá thẳng với thân với cuống tán hoa dài 10 – 20 cm. Mỗi tán hoa có khoảng 60 – 100 hoa, có màu vàng nhạt. Quả mọc ở tán lá, mỗi quả chứa 2 hạt.

+ Phân bố

Cây sâm ngọc linh được tìm thấy nhiều tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam. Thông thường, cây mọc chủ yếu ở núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô, huyện Tu Mơ Rông ở tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, loại cây này còn tập trung nhiều ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam, núi Ngọc Lum Heo xã Phước Lộc huyện Phước Sơn.

+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Thân rễ và củ là chủ yếu. Ngoài ra có thể sử dụng rễ con và lá
  • Thu hái: Sau khi cây đạt 3 năm tuổi. Thường thu hoạch vào mùa đông
  • Chế biến: Rễ cây sau thu hoạch đem rửa sạch và phơi khô
  • Bảo quản: Nơi khô ráo và thoáng mát

+ Thành phần hóa học

Sâm ngọc linh có các thành phần chính như 14 acid béo, 20 nguyên tố đa vi lượng, 17 acid amin, 52 loại saponin.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top