✴️ Polyp đại tràng có gây ung thư không? Chẩn đoán và điều trị

Khả năng phát triển thành ung thư của polyp đại tràng phụ thuộc vào kích thước, số lượng và giải phẫu bệnh học. Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để phát hiện polyp và có thể loại bỏ chúng ngay trong quá trình nội soi, hạn chế tối đa các biến chứng.

 

1. Tổng quan polyp đại tràng

1.1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là tổn thương tăng sinh từ các lớp niêm mạc, đẩy lồi vào trong lòng đại tràng. Chúng có dạng khối u, có cuống hoặc không có cuống.

Tùy thuộc và kích thước và vị trí của khối polyp mà polyp đó có thể lành tính hoặc ác tính. Đa phần polyp là lành tính, nhưng nó là mầm mống ung thư đại tràng. Chính vì vậy, polyp nên được cắt sớm nhằm mục đích vừa điều trị, vừa dự phòng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là một tăng sinh hình thành trên niêm mạc đại tràng

1.2. Dấu hiệu mắc polyp đại tràng

Polyp đường tiêu hóa nói chung thường không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là những polyp kích thước nhỏ. Do đó, người bệnh thường chỉ được phát hiện có polyp khi tiến hành các chẩn đoán hình ảnh hoặc thăm dò chức năng như nội soi đại tràng, chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể cảnh báo polyp đại tràng bao gồm:

– Đi ngoài ra máu: Người có polyp trong đại tràng khi đại tiện có thể thấy máu loang ra trên khuôn phân, hoặc phân lẫn nhầy với máu màu đen/ nâu, cũng có trường hợp nhờ nhờ như máu cá. Máu có thể dính trên giấy vệ sinh hoặc đồ lót sau khi đại tiện.

– Đau quặn bụng: Polyp có kích thước lớn sẽ kích thích làm tăng nhu động ruột, gây ra cơn đau quặn. Tuy nhiên triệu chứng này dễ bị nhầm thành các bệnh tiêu hóa khác. Cơn đau có thể kèm theo triệu chứng buồn nôn, nôn, bí đại tiện, bí trung tiện.

– Thay đổi thói quen đi ngoài: Polyp có kích thước lớn ở đại tràng có thể gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 1 tuần.

– Trước đó đã từng phát hiện polyp tại đại tràng.

Đây là các dấu hiệu sớm của polyp đường tiêu hoá dưới. Tuy nhiên cũng là dấu hiệu của một số bệnh lý khác về tiêu hóa. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người bệnh nên thực hiện nội soi đại tràng để xác định các tổn thương, chẩn đoán bệnh lý và polyp nếu có.

 

2. Polyp đại tràng có gây ung thư đường tiêu hoá không?

Polyp đường tiêu hoá dưới có thể chia thành 3 loại gồm: polyp tăng sản, polyp tuyến và polyp ác tính. Trong đó, polyp tăng sản và polyp tuyến là 2 loại phổ biến nhất. Polyp tăng sản không tiềm ẩn yếu tố ác tính, trong khi polyp tuyến lại là tiền thân của hầu hết bệnh ung thư đại tràng.

Không phải polyp tuyến nào cũng trở thành ung thư, nhưng các polyp có kích thước càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao. Với một số polyp tuyến có kích thước rất lớn (hơn 2cm) có thể bị ung thư hóa ở những vùng nhỏ.

Nếu các polyp tuyến được phát hiện sớm và cắt bỏ kịp thời sẽ hạn chế tối đa biến chứng thành ung thư đại tràng. Chính vì vậy, người bệnh nên thăm khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa hoặc thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm polyp và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Polyp đại tràng tiềm ẩn nguy cơ ung thư

Polyp đường tiêu hoá tiềm ẩn nguy cơ ung thư, cần được phát hiện và điều trị sớm

 

3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến polyp đại tràng

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của polyp chưa xác định rõ, nhưng có thể kể đến một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

– Đột biến gen khiến tế bào tăng sinh bất thường tạo thành polyp.

– Tuổi cao: Những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc polyp tăng cao.

– Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh: ăn nhiều thịt đỏ; ăn nhiều chất béo; ăn ít rau, quả, chất xơ; lười vận động; thừa cân;…

– Lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…

– Mắc các bệnh viêm đường tiêu hoá như: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,…

– Bệnh sử gia đình: Nguy cơ mắc polyp tăng cao ở những người có thành viên trong gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại tràng.

– Polyp di truyền: Người thừa hưởng đột biến gen gây ra polyp đại tràng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

 

4. Chẩn đoán polyp đại tràng

4.1. Nội soi đại tràng

Polyp đường tiêu hoá nói chung thường không gây ra dấu hiệu gì nên rất khó nhận biết qua biểu hiện bên ngoài. Để phát hiện polyp trong đại tràng, phương pháp hiệu quả nhất và được áp dụng phổ biến hiện nay là nội soi đại tràng.

Ống nội soi mềm có gắn đèn và camera ở đầu ống sẽ được bác sĩ đưa vào trong đại tràng của người bệnh để quan sát bề mặt niêm mạc đại tràng. Những tổn thương, bất thường bao gồm cả polyp (nếu có) sẽ được bác sĩ xác định qua quá trình nội soi.

Tính đến thời điểm hiện tại, công nghệ nội soi cao cấp MCU là công nghệ nội soi tân tiến hàng đầu thế giới, giúp bác sĩ quan sát rõ nét và chẩn đoán chính xác nhất polyp các bệnh lý đại tràng.

Nội soi cao cấp MCU tích hợp nội soi phóng đại nhuộm màu, giúp phát hiện các polyp dù là kích thước nhỏ nhất; xác định rõ cấu trúc bề mặt, ranh giới và tiên lượng tính chất của polyp. Kết hợp với siêu âm nội soi, bác sĩ có thể đánh giá mức độ xâm lấn của polyp, hỗ trợ việc điều trị. Thêm vào đó, bác sĩ TCI có thể tiến hành sinh thiết tức thì ngay trong quá trình nội soi để làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả chẩn đoán tế bào ung thư đại tràng sẽ có trong vài giờ, thay vì 5 – 7 ngày như các phương pháp khác.

4.2. Các phương pháp khác

Bên cạnh đó, một số phương pháp khác như siêu âm ổ bụng, chụp đại tràng cản quang, chụp MRI cũng có thể phát hiện được các khối polyp. Song, các kỹ thuật này cho kết quả không chính xác bằng nội soi đại tràng.

 

5. Điều trị polyp đại tràng

Các polyp có thể được cắt bỏ ngay trong quá trình thực hiện nội soi đại tràng. Tùy vào kích thước và hình dáng của polyp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cắt phù hợp. Các thiết bị chuyên dụng sẽ được luồn qua ống nội soi để thực hiện loại bỏ polyp. Phương pháp cắt polyp hiện đại hàng đầu hiện nay là cắt hớt niêm mạc (EMR) và cắt tách dưới niêm mạc (ESD).

Sau khi cắt polyp, bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm và gửi đi làm phân tích để xác định polyp đó có tiềm ẩn yếu tố ác tính gây bệnh ung thư đại tràng hay không. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh. Với phương pháp nội soi không đau, người bệnh hoàn toàn không có cảm giác đau đớn khi cắt polyp và có thể xuất viện ngay sau khi thực hiện thủ thuật.

Người bệnh sau khi cắt polyp cần ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh ăn các đồ cứng, cay, chua, nóng… gây kích thích phần niêm mạc vừa cắt bỏ polyp, dẫn đến hiện tượng chảy máu trong đại tràng. Cùng với đó, người bệnh cần tránh dùng các loại thuốc tránh đông máu (như aspirin, ibuprofen,…). Người bệnh sẽ được chỉ định tái khám với bác sĩ, nhận kết quả giải phẫu bệnh lý và bác sĩ sẽ tư vấn cách thức theo dõi trong thời gian về sau.

 

6. Tổng kết

Polyp đại tràng có nguy cơ phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nội soi đại tràng là phương pháp tốt nhất để sàng lọc các bệnh lý về đại tràng bao gồm cả polyp, cần được thực hiện định kỳ nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe đường tiêu hóa dưới.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top