✴️ Polyp đại trực tràng và những điều cần biết

Nội dung

Polyp đại trực tràng là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Một số loại polyp nếu không được xử lý sớm có thể tiến triển thành ung thư.

 

1. Polyp đại trực tràng là gì?

Polyp là một dạng tổn thương có hình dáng giống với khối u, có cuống hoặc không cuống. Chúng tạo thành bởi sự tăng sinh tổ chức dưới niêm mạc. Polyp đại trực tràng, hay còn gọi là polyp ruột già là những polyp hình thành ở niêm mạc đại tràng và trực tràng.

Polyp đại trực tràng là bệnh tiêu hóa thường gặp

Polyp đại trực tràng là bệnh tiêu hóa thường gặp.

 

Tình trạng polyp xuất hiện tại ruột già là rất phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy 1/3 dân số trên 60 tuổi có ít nhất 1 polyp ở bộ phận này. Một số loại polyp nếu không được loại bỏ kịp thời sẽ tiềm ẩn khả năng biến chứng thành ung thư.

 

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hình thành polyp

2.1. Nguyên nhân gây polyp đại trực tràng

Những đột biến gen trong tế bào của niêm mạc ruột già là nguồn gốc tạo thành polyp. Các tế bào này được phân chia, trưởng thành và chết đi theo một trình tự chính xác. Tuy nhiên những thay đổi về gen khiến chúng bị tăng sinh bất thường, tích lũy lại hình thành polyp.

2.2. Các yếu tố nguy cơ

Tình trạng hình thành polyp liên quan đến những yếu tố nguy cơ sau:

  • Tuổi tác: Tỉ lệ mắc polyp tăng lên ở người cao tuổi, đặc biệt là trên 50 tuổi.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ, ít chất xơ.
  • Sử dụng nhiều các chất kích thích: uống nhiều rượu bia, thường xuyên hút thuốc lá.
  • Ít vận động.
  • Yếu tố di truyền: Những người có thành viên trong gia đình mắc polyp đại trực tràng có nguy cơ cao hơn so với người khác.

 

3. Các loại polyp đại trực tràng

Polyp tăng sản và polyp tuyến là những loại polyp phổ biến nhất tại ống tiêu hóa dưới. Để phân biệt hai loại này, bác sĩ không chỉ dựa vào hình ảnh mà còn dựa vào kết quả xét nghiệm mô bệnh học sau khi sinh thiết hoặc cắt polyp.

Polyp tăng sản thông thường có kích thước nhỏ. Chúng thường không có khả năng chuyển biến thành ác tính.

Polyp tuyến chiếm tỉ lệ 2/3 polyp đại trực tràng. Đây là loại tiềm ẩn nguy cơ trở thành ung thư. Nhìn chung polyp tuyến có kích thước càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao.

Có nhiều loại polyp đại trực tràng khác nhau

Có nhiều loại polyp đại trực tràng khác nhau.

 

Nếu phân loại theo hình dạng, polyp đại tràng được chia thành 3 loại chính: polyp có cuống, polyp không cuống và polyp phẳng. Polyp có cuống giống với cây nấm, có cuống nhỏ bám vào niêm mạc. Polyp không cuống lại bám vào niêm mạc bằng chân rộng. Còn polyp phẳng thì nằm bằng hoặc lõm thấp hơn bề mặt niêm mạc, khó chẩn đoán hơn 2 loại trên.

 

4. Dấu hiệu của polyp đại trực tràng

Polyp đại tràng – trực tràng thường không có triệu chứng rõ ràng. Đa số người bệnh không có biểu hiện và chỉ được phát hiện thông qua nội soi đại trực tràng. Tuy nhiên, một số người có thể có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác như:

  • Đại tiện phân lẫn máu, đại tiện phân đen.
  • Đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng.
  • Đau bụng: Phổ biến là cơn đau do tắc ruột khi polyp có kích thước lớn. Triệu chứng đau thường kèm theo nôn, bí trung đại tiện.
  • Thiếu máu, chóng mặt, mệt mỏi.

 

5. Polyp đại trực tràng có nguy hiểm không?

Polyp có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại trực tràng, do đó cần được phát hiện và điều trị sớm. Theo thời gian, khi quá trình đột biến trong tế bào tiếp tục diễn ra, các tế bào tại polyp sẽ tiếp tục phân chia và tăng sinh mất kiểm soát. Điều này khiến các polyp tăng dần về kích thước và từ lành tính có khả năng trở thành ác tính.

Hiện tượng polyp ác tính hóa có thể quan sát được thông qua hình ảnh giải phẫu bệnh. Bất thường về cấu trúc, hình dạng, sự sắp xếp của tế bào tự độ thấp chuyển sang độ cao như vậy gọi là hiện tượng loạn sản, tiền ung thư.

 

6. Chẩn đoán polyp đại trực tràng

Các phương pháp chẩn đoán polyp đại trực tràng bao gồm nội soi đại trực tràng, nội soi đại tràng ảo (sử dụng công nghệ chụp cắt lớp điện toán), chụp đại tràng đối quang kép. Trong đó nội soi đại trực tràng là cách tốt nhất và được áp dụng phổ biến nhất.

Với phương pháp nội soi này, một ống nội soi mềm có gắn camera và đèn sẽ được đưa vào hậu môn người bệnh, qua trực tràng và xuyên suốt vào đại tràng. Nhờ đó bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ niêm mạc đại trực tràng, phát hiện các bất thường trong đó có polyp. Đồng thời bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật can thiệp xử lý polyp như sinh thiết, cắt, cầm máu,…

Sự ra đời của công nghệ nội soi NBI 5P tân tiến đã nâng cao hiệu quả chẩn đoán polyp đại tràng cũng như các bệnh lý tiêu hóa nói chung. Ánh sáng dải tần hẹp đơn sắc giúp quan sát sâu dưới lớp niêm mạc, cùng khả năng phóng đại hình ảnh tới hơn 100 lần giúp NBI 5P dễ dàng phát hiện mọi tổn thương tại ống tiêu hóa, chỉ điểm các tổ chức tiền ung thư từ giai đoạn khởi phát.

Công nghệ nội soi NBI 5P đang được ứng dụng rộng rãi. Chính vì khả năng chẩn đoán vượt trội, nội soi đại trực tràng với công nghệ hiện đại này ngày càng được đông đảo người bệnh lựa chọn.

 

7. Xử lý polyp đại trực tràng

Polyp ruột già nếu được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ chặn đứng nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định cắt hoặc thực hiện các thủ thuật khác.

7.1. Polyp đại trực tràng cắt được

Polyp có kích thước từ 0.2 – 2cm có thể được cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi đại trực tràng. Polyp có kích thước từ 0.2 – 1cm và polyp có cuống thường được chỉ định cắt bằng phương pháp thường quy. Trong khi đó polyp lớn hơn 1cm hoặc có hình dạng dẹt, phẳng được loại bỏ bằng phương pháp cắt hớt niêm mạc (EMR).

Phương pháp EMR giúp cắt trọn khối polyp, giảm thiểu nguy cơ chảy máu hoặc thủng khi tách phần tổn thương khỏi lớp cơ thành ống tiêu hoá.

Các polyp sau khi được cắt bỏ sẽ được làm xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả, hướng theo dõi và thời gian tái khám phù hợp cho từng người bệnh.

7.2. Polyp chưa cắt được

Bên cạnh trường hợp cắt được, có những polyp chưa được chỉ định cắt trong nội soi. Polyp có kích thước nhỏ hơn 0.2cm cần được theo dõi thêm vì có thể nhầm lẫn với tổn thương viêm. Polyp lớn hơn 2cm, polyp nghi ngờ ác tính hoặc những tổn thương chưa xác định có thể sinh thiết hoặc kết hợp các phương pháp chẩn đoán khác.

 

8. Phòng ngừa polyp đại trực tràng

Để phòng tránh polyp đại tràng nói riêng và polyp ống tiêu hóa nói chung, mỗi người cần lưu ý:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: sử dụng nhiều chất xơ, giảm lượng chất béo.
  • Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực (tập thể dục, chơi thể thao…), duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
  • Một số nghiên cứu cho thấy các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid, các yếu tố chống oxy hóa (vitamin A, C, E, canxi…) có tác dùng ngăn ngừa hình thành polyp. Tuy nhiên bạn chỉ nên sử dụng các loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Khám tiêu hóa và nội soi đại tràng định kỳ mỗi năm để kịp thời phát hiện và xử lý polyp cũng như các bệnh lý đại trực tràng (nếu có).

Trên đây là các thông tin cơ bản về polyp đại trực tràng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý tiêu hóa phổ biến này và nắm được cách phòng bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top