✴️ Viêm ruột thừa cấp có phải mổ hay không?

Nội dung

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng ruột thừa bị nhiễm trùng, viêm lên. Bệnh lý này đe dọa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Viêm ruột thừa cấp có phải mổ hay không là quan tâm của rất nhiều người.

 

1. Mức độ nguy hiểm của viêm ruột thừa cấp

Ruột thừa thường được cho là một bộ phận “thừa” trên cơ thể. Thực tế ruột thừa đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Ruột thừa bị viêm là tình trạng rất hay xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên phần lớn là do sỏi phân bị tắc nghẽn tại ruột thừa, khiến vi khuẩn hình thành và phát triển. Khi bị nhiễm trùng nặng, ruột thừa sẽ bị mưng mủ và có thể vỡ ra.

Tình trạng ruột thừa bị viêm vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là có nguy cơ xảy ra các biến chứng sau đây:

– Ruột thừa vỡ: Vỡ ruột thừa là tình trạng cần cấp cứu do hiện tượng nhiễm trùng nặng mà không được chú ý. Vi khuẩn sẽ tràn từ ruột thừa ra ổ bụng và khiến người bệnh bị nhiễm trùng vùng bụng. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

– Có áp xe ruột thừa, đám quánh ruột thừa: Các dịch mủ khi bị vỡ bị dính vào các vị trí trong ổ bụng tạo thành áp xe. Khối áp xe có thể vỡ ra bất cứ lúc nào nên cũng cần lưu ý để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Viêm ruột thừa cấp rất nguy hiểm vì có thể bị vỡ ruột thừa

Viêm ruột thừa cấp rất nguy hiểm vì có thể bị vỡ ruột thừa.

 

2. Giải đáp viêm ruột thừa cấp cần mổ hay không?

Với những biến chứng nguy hiểm kể trên, tình trạng viêm ruột thừa cấp cần được xử lý ngay lập tức. Hiện nay phẫu thuật được coi là giải pháp hàng đầu để loại bỏ triệt để cơn đau ruột thừa. Viêm ruột thừa nếu chẩn đoán sớm thì sẽ được mổ ngay mà không có biến chứng. Tình trạng viêm ruột thừa cấp nếu đã xảy ra biến chứng thì cần cấp cứu, mổ xử lý biến chứng kịp thời.

Hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa khi nhập viện đều cần phải mổ, tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ tùy trường hợp.

2.1. Trường hợp chưa có biến chứng

Nếu bị viêm ruột thừa chưa có biến chứng, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ sau khi nhập viện. Mổ có 2 phương pháp là mổ nội soi và mổ mở.

– Mổ nội soi được ưu tiên sử dụng do ít đau, mau lành, thẩm mỹ hơn.

– Mổ mở được áp dụng theo yêu cầu của bệnh nhân và các trường hợp đặc biệt không thể mổ nội soi.

2.2. Trường hợp có biến chứng từ viêm ruột thừa cấp:

– Nếu hình thành ổ áp xe ruột thừa và khu trú trong bụng, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu ổ áp xe. Mục đích là lấy hết dịch mủ, dọn dẹp ổ áp xe. 6 tháng sau mới quay lại mổ ruột thừa.

– Nếu có đám quánh ruột thừa, sẽ được theo dõi định kỳ để đánh giá mức độ nguy hiểm. Một số trường hợp ruột thừa có thể tự tiêu hủy. Một số thì đám quánh sẽ phát triển thành áp xe và cần dẫn lưu xử lý.

– Nếu dịch bị tràn ổ bụng, sau khi dẫn  lưu ổ bụng và tình trạng ổn định sẽ tiến hành cắt bỏ phần ruột thừa còn lại.

Viêm ruột thừa điều trị bằng thuốc là trường hợp đặc biệt. Đó là các bệnh nhân đã quá lớn tuổi không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân có nhiều bệnh nền… Áp dụng thuốc điều trị chỉ mang mục đích giảm bớt biến chứng, chưa có đánh giá cụ thể về tính hiệu quả.

 

3. Chú ý sau khi mổ viêm ruột thừa cấp

Sau mổ, bệnh nhân cũng cần chú ý vài điều để chóng khỏe và đạt hiệu quả điều trị.

3.1. Chế độ dinh dưỡng sau mổ viêm ruột thừa cấp

Về dinh dưỡng:

– Thời điểm chưa có nhu động ruột, không ăn trực tiếp qua miệng mà nên qua đường tĩnh mạch.

– Khi có nhu động ruột, bệnh nhân cần uống nước, ăn lỏng trước khi ăn đặc.

– Uống sữa sau đó nửa ngày.

– Bệnh nhân ăn cháo, đồ lỏng, dễ nuốt trong vòng 2 ngày đầu. Sau đó ăn uống bình thường.

3.2. Chế độ vận động sau mổ viêm ruột thừa cấp

Về vận động:

– Bệnh nhân nên hoạt động tay chân nhẹ nhàng khi tình trạng ổn định.

– Cần nằm nhiều tư thế, không nằm lệch 1 chỗ. Sau khi ổn định có thể ngồi dậy, và đi lại nhẹ nhàng trong phòng.

– Nếu sau mổ ruột thừa vẫn còn ống dẫn lưu thì bệnh nhân cần nằm nghiêng, không quay nhiều tư thế.

3.3. Vấn đề ống dẫn lưu sau mổ viêm ruột thừa cấp

Về ống dẫn lưu:

– Để tránh hiện tượng nhiễm khuẩn ngược dòng, ống dẫn lưu cần nối vào túi vô khuẩn với dung dịch sát khuẩn.

– Lưu ý nằm nghiêng để dịch dễ dàng thoát ra, tránh hiện tượng tắc ống dẫn lưu.

– Cần để ý màu sắc dịch qua ống dẫn lưu, nếu đột nhiên có màu lạ hoặc màu đỏ thì cần thông báo cho bác sĩ chuyên khoa.

– Hằng ngày cần thay băng, sát khuẩn thân ống dẫn lưu và túi dịch.

– Trong trường hợp lắp ống dẫn lưu để phòng ngừa thì muộn nhất là 2 – 4 ngày, có thể được rút ống dẫn lưu.

– Nếu bệnh nhân bị áp xe ruột thừa lắp ống dẫn lưu thì khi có chỉ định rút cần rút chậm chậm. Mỗi ngày rút 1 – 2cm cho đến khi dịch trong thì rút hẳn.

– Nếu có hiện tượng mưng mủ ở vết mủ cần báo ngay cho bác sĩ điều trị, không tự ý xử  lý. Cần thay băng cho vết mổ hằng ngày.

Bệnh nhân và người nhà cần chú ý các dấu hiệu bất thường để kịp thời báo cho bác sĩ. Không tự ý xử lý khi chưa có chỉ định để vết thương chóng lành nhất.

Hi vọng với những thông tin trên thì bạn đọc đã có cho mình lời giải đáp viêm ruột thừa cấp có phải mổ hay không. Khi có các dấu hiệu đau vùng bụng từ âm ỉ đến dữ dội cần nhanh chóng nhập viên để được chẩn đoán và điều trị ngay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top