✴️ Viêm ruột thừa cấp được điều trị như thế nào?

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính xảy ra tại ruột thừa. Đây là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Chậm trễ trong xử trí có thể dẫn tới biến chứng viêm phúc mạc đe dọa tính mạng người bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh lý này và các lưu ý chăm sóc người bệnh sau điều trị.

 

1. Thông tin chung về bệnh

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, hẹp và dài vài centimet, dạng túi, dính vào manh tràng. Đoạn ruột này nằm ở phần bụng dưới bên phải, khu vực nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Hiện nay chức năng của ruột thừa đối với cơ thể vẫn chưa được xác định.

Viêm ruột thừa cấp xảy ra khi có tình trạng viêm cấp tính ở ruột thừa. Nguyên nhân gây viêm có thể bắt nguồn từ sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa do sỏi phân, dị vật, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, khối u của ruột thừa hoặc manh tràng,…

Sự tắc nghẽn khiến lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng. Chúng khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Biến chứng vỡ có thể xảy ra nếu không được điều trị kịp thời. Mủ sẽ lan tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, viêm ruột thừa có thể bị các cơ quan quanh đó giới hạn lại và hình thành các ổ áp xe.

Bệnh viêm ruột thừa cấp

Tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa cần được phát hiện và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm

 

2. Điều trị viêm ruột thừa cấp

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là tiêu chuẩn vàng trong điều trị viêm ruột thừa. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng.

2.1. Phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa

Có hai phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được ứng dụng phổ biến hiện nay là:

– Phẫu thuật mở: Thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng 5 – 10 centimet.

– Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật thông qua một vài lỗ nhỏ ở bụng. Bác sĩ sẽ đưa một camera video hình ảnh và các thiết bị chuyên dùng cho việc cắt ruột thừa vào ổ bụng của người bệnh.

Phẫu thuật nội soi thông thường giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn. Đồng thời, vết thương ít đau và ít để lại sẹo sau phẫu thuật. Đây là phương pháp tối ưu cho hầu hết người bệnh nếu không thuộc các trường hợp chống chỉ định như: người có bệnh lý tim mạch và bệnh lý hô hấp nặng, người đã phẫu thuật ổ bụng trước đó,…

Mổ mở sẽ là lựa chọn tốt hơn trong các trường hợp sau đây:

– Vị trí ruột thừa bất thường.

– Viêm ruột thừa có biến chứng, không thể thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc thực hiện không an toàn.

– Trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa mà ruột thừa quá chướng hơi, hoặc ổ bụng quá bẩn không thể làm sạch bằng phẫu thuật nội soi.

Việc chuyển từ phương pháp mổ nội soi sang mổ mở là chỉ định dựa trên sự an toàn cho người bệnh và hiệu quả của điều trị. Với phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, người bệnh thường nằm viện 1 – 2 ngày tùy thuộc vào tình trạng hồi phục cụ thể. Trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây viêm phúc mạc, thời gian nằm viện sẽ lâu hơn, thường khoảng 5 ngày.

2.2. Phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp không phẫu thuật

Những trường hợp không biến chứng có thể điều trị với kháng sinh, tỷ lệ thành công là khoảng hơn 90%. Tuy nhiên điều trị bảo tồn không mổ có tỷ lệ tái phát sau 1 năm khá cao, lên đến hơn 30%. Chính vì vậy, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm vẫn là tiêu chuẩn vàng cho điều trị tình trạng viêm cấp tính.

Trường hợp ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp xe ruột thừa, bác sĩ sẽ chọc dẫn lưu áp xe dưới siêu âm và điều trị kháng sinh phối hợp. Người bệnh sẽ được xem xét cắt ruột thừa sau 6 tháng khi tình trạng đã ổn định.

Nếu viêm ruột thừa không có biến chứng và tình trạng của người bệnh không đảm bảo cho phẫu thuật (như người bị rối loạn đông máu, có bệnh nội khoa nặng kèm theo,…) thì bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng điều trị bảo tồn với kháng sinh.

Điều trị viêm ruột thừa cấp

Người bệnh viêm ruột thừa triệu chứng nhẹ có thể sử dụng thuốc kháng sinh điều trị

2.3. Biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Biến chứng của phẫu thuật cắt ruột thừa có tỷ lệ từ 4 – 15%, bao gồm:

– Chảy máu vết mổ hoặc ổ bụng.

– Vết mổ hoặc ổ bụng bị nhiễm trùng.

– Tổn thương tạng rỗng.

– Dịch áp xe tồn lưu.

– Dính ruột sau mổ.

– Các biến chứng liên quan đến gây mê hồi sức (thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi,…).

Tỷ lệ biến chứng phụ thuộc vào tình trạng biến chứng của ruột thừa viêm, phương pháp phẫu thuật và các bệnh lý đi kèm. Theo đó:

– Mổ nội soi có tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ thấp hơn mổ mở.

– Người bệnh viêm ruột thừa có biến chứng sẽ có tỷ lệ dịch áp xe tồn lưu, dính ruột sau mổ cao hơn người bệnh viêm ruột thừa đến sớm không biến chứng.

– Biến chứng thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi, khó thở, vết thương phục hồi chậm, vấn đề tim mạch,… thường gặp ở những người béo phì, suy tim, suy thận, bệnh phổi, tiểu đường, hút thuốc,…

 

3. Lưu ý về việc chăm sóc người bệnh viêm ruột thừa cấp

3.1. Chế độ sinh hoạt

– Sau điều trị, người bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

– Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, không bưng bê vật nặng hoặc thực hiện các hoạt động gắng sức. Người bệnh có thể chọn các vận động nhẹ nhàng (như đi bộ) để tập luyện sau phẫu thuật.

– Rửa vết mổ nhẹ nhàng, có thể để vết mổ tiếp xúc với không khí để bề mặt nhanh se lại. Tránh dùng các loại bột hoặc kem thoa lên vết mổ. Thông thường vết sẹo sẽ liền lại sau 4 – 6 tuần, bề mặt sẽ mềm và nhạt dần theo thời gian.

– Trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật, người bệnh không tắm bồn, không tham gia các hoạt động dưới nước cho đến khi vết mổ lành hẳn.

– Mặc trang phục thoải mái, không mặc đồ bó sát nhằm tránh gây kích ứng da quanh vị trí vết mổ.

– Đặt một chiếc gối trước bụng, đè vào khi ho, cười hoặc xoay người, giúp giảm đau và bảo vệ bụng.

– Không lái xe cho đến khi tái khám lần đầu tiên sau mổ.

– Tham khảo tư vấn của bác sĩ về thời điểm có thể quan hệ tình dục sau phẫu thuật.

3.2. Chế độ ăn uống sau điều trị viêm ruột thừa cấp

– Người bệnh cần chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, trung bình 6 – 8 bữa/ ngày.

– Uống nhiều nước và các loại thức uống không chứa caffeine; tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo.

– Người bệnh có thể quay về chế độ ăn như cũ ở thời điểm phù hợp theo tư vấn của bác sĩ.

Phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp

Người bệnh có thể đi bộ, vận động nhẹ nhàng sau phẫu thuật

3.3. Trường hợp sau phẫu thuật cần liên lạc với bác sĩ

Khi có các triệu chứng sau mổ như dưới đây, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ:

– Sốt cao trên 38 độ C, có thể kèm ho hoặc không. Triệu chứng này cảnh báo nhiễm trùng ổ bụng hoặc nhiễm trùng phổi.

– Khó thở đột ngột, đau ngực.

– Vết mổ bị hở miệng; vết mổ sưng đỏ quá mức hoặc chảy dịch.

– Nhịp tim tăng cao (đạt trên 100 nhịp/ phút).

– Đau bụng nhiều hơn hoặc có cảm giác khó chịu.

– Có cục máu đông hình thành ở chân gây đau bắp chân, sưng chân.

– Tiêu chảy liên tục, sốt: Đây là dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột.

– Bàng quang trống.

– Táo bón.

Trên đây là thông tin về phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp và những lưu ý khi chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật. Người bệnh cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, tái khám đúng thời điểm để việc chữa trị đạt hiệu quả cao nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top