Lỗ rò hậu môn là một đường rò nhỏ hình thành nối giữa trực tràng và da gần hậu môn. Đây là hậu quả của nhiễm trùng gần hậu môn gây ra áp-xe trong các mô gần đó. Khi mủ thoát ra, có thể để lại một đường rò nhỏ ở vùng gần hậu môn.
Rò hậu môn có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, kích ứng da và thường không tự lành nếu như không được điều trị. Phẫu thuật được khuyến cáo trong hầu hết các trường hợp rò hậu môn.
Triệu chứng của một lỗ rò hậu môn
Các triệu chứng của lỗ rò hậu môn có thể bao gồm:
- Kích ứng da quanh hậu môn;
- Xuất hiện các cơn đau liên tục, đau nhói có thể trầm trọng hơn khi ngồi xuống, ho hoặc đại tiện;
- Khi trung đại tiện có hơi hoặc phân xì ra lỗ rò
- Dịch tiết ra từ gần hậu môn
- Chảy mủ hoặc máu khi đi đại tiện;
- Sưng và đỏ xung quanh hậu môn, có thể sốt nếu bị áp-xe
- Trong một số trường hợp, bệnh nhân khó kiểm soát nhu động ruột (đại tiện không tự chủ);
- Phần cuối của lỗ rò có thể nhìn thấy như một lỗ trên da gần hậu môn.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng dai dẳng của lỗ rò hậu môn. Bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra hậu môn và nhẹ nhàng đưa một ngón tay vào bên trong trực tràng để kiểm tra các dấu hiệu của lỗ rò.
Nếu nghi ngờ có lỗ rò, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm, thăm dò chức năng để chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất bao gồm:
- Khám lâm sàng;
- Soi trực tràng;
- Siêu âm, chụp MRI hoặc CT scan.
Nguyên nhân của lỗ rò hậu môn
Hầu hết các lỗ rò hậu môn hình thành sau một áp xe hậu môn không lành đúng cách sau khi hết mủ. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của lỗ rò hậu môn bao gồm:
- Bệnh Crohn ;
- Viêm túi thừa;
- Viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis Suppurativa)
- Nhiễm bệnh lao (TB) hoặc HIV
- Biến chứng của phẫu thuật gần hậu môn
Phương pháp điều trị rò hậu môn
Rò hậu môn thường cần phẫu thuật vì chúng hiếm khi lành nếu không được điều trị. Có nhiều thủ thuật khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp sẽ phụ thuộc vào vị trí và độ phức tạp của lỗ rò. Các lựa chọn điều trị chính bao gồm:
- Phẫu thuật rò: Loại phẫu thuật phổ biến nhất cho lỗ rò hậu môn, trong đó phẫu thuật cắt dọc theo toàn bộ chiều dài của lỗ rò để hở và giúp vết thương lành trở lại.
- Kỹ thuật Seton: Nếu lỗ rò xuyên qua một phần đáng kể của cơ thắt hậu môn, bác sĩ phẫu thuật có thể khuyến nghị nên đặt seton giúp lỗ rò thoát dịch trước khi tiến hành thực hiện các phương pháp phẫu thuật khác
- Khoét bỏ đường rò và khâu lại cơ thắt bị đứt
- Chuyển vạt niêm mạc để che lỗ trong của đường rò
- Lấp đầy lỗ rò bằng cách sử dụng một loại keo đặc biệt. Sau một thời gian các mô lành sẽ hình thành và thay thế vật liệu.
- Phẫu thuật bằng tia laser
- Dùng chất chêm sinh học làm đầy lỗ rò
Các nguy cơ của phẫu thuật rò hậu môn
Giống như bất kỳ điều trị nào khác, điều trị cho lỗ rò hậu môn cũng có một số nguy cơ nhất định bao gồm:
- Nhiễm trùng – Tình trạng này có thể cần sử dụng thêm kháng sinh; trường hợp nặng có thể cần được điều trị tại bệnh viện;
- Lỗ rò tái phát - Lỗ rò đôi khi có thể tái phát mặc dù đã phẫu thuật
- Đại tiện không tự chủ - đây là một nguy cơ tiềm ẩn với hầu hết các phương pháp điều trị rò hậu môn, mặc dù tình trạng không tự chủ nghiêm trọng là rất hiếm và vẫn có các phương pháp can thiệp nhằm khắc phục tình trạng trên.
Nguy cơ sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí lỗ rò, nguyên nhân hình thành lỗ rò. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật về những nguy cơ tiềm ẩn của phương pháp điều trị trước khi tiến hành thực hiện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp