✴️ Tổng quan về vi rút bệnh cúm

Nội dung

Cấu tạo của virus cúm

Các virút cúm thuộc giống influenza virus, họ orthomyxovirus.

 

Vi rút cúm có 4 loại protein: HA, NA, nucleocapsid và chất gian bào (M).

Trên lớp vỏ bọc  lipid  của  vi rút  có   2   loại   glycoprotein lớn là hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA).  HA  và NA là  2  protein  bề  mặt,  quyết định tính kháng nguyên của vi rút.

Vi rút cúm có 2 loại protein cấu trúc: nucleocapsid (NP) và chất gian bào (M), quyết định tuýp kháng nguyên A, B, C của vi rút và không có phản ứng chéo giữa 3 tuýp này với nhau.

Nucleocapsid gồm bộ gen (RNA/DNA) với một màng protein bên ngoài, hợp thành capsid của vi rút.

Chất gian bào là protein vây quanh nucleocapsid và tạo ra 35-45% khối lượng hạt phân tử.

Ngoài cùng của vi rút là vỏ bao vi rút, gồm hai lớp lipid bao lấy các protein của vi rút.

Có 3 loại vi rút cúm: A, B và C. Các vi rút cúm A và B của người gây ra các dịch bệnh theo mùa. Vi rút cúm C có thể gây bệnh nhẹ ở đường hô hấp và hiếm khi gây ra các trận dịch địa phương.

Vi rút cúm A – gây bệnh  cúm  cho  loài  chim  (thủy cầm hoang dã, gà, vịt) và vài loài  động  vật  có  vú (heo, ngựa, hải cẩu), những loài này  chỉ  duy  nhất mắc vi rút cúm A. Một vài vi rút cúm A gây  bệnh nghiêm trọng cho cả gia cầm và, hiếm hơn, cho người. Đôi khi, các vi rút từ loài  chim  hoang  dã sống dưới nước truyền sang gia cầm, và  có  thể bùng  phát  thành  các  đại  dịch  cúm  cho  người.

Các loại vi rút cúm A được phân thành các thứ týp căn cứ vào hai loại protein H và N trên bề mặt của vỏ vi rút. Cho đến nay có 18 typ (H) và 11 typ (N) đã được biết, như vậy, đứng về lý thuyết, có 198 cách kết hợp khác nhau có thể có giữa các protein này. Vài ví dụ: H17 N10 được phân lập từ loài dơi ăn  trái  cây  năm  2010  (A/bat/Pê-ru/10);  H18N11  được phân lập từ dơi ở Pê-ru năm 2013. Hiện có 4 loại HA (H1, H2, H3, H4) và 2 loại NA (N1, N2) được phân lập từ người.

Mỗi thứ tuýp của vi rút  A có thể đột biến thành những dòng có khả năng gây bệnh khác nhau, một số chỉ gây bệnh cho  một  loài vật nhất định trong khi một số khác có thể gây bệnh cho nhiều loài khác nhau.

Các biến thể chính của cúm đôi khi được đặt tên theo loài vật chủ như: cúm chim, cúm người, cúm heo, cúm ngựa, cúm ở loài chó.

Đa số các dòng được biết là các dòng đã tuyệt chủng. Ví dụ, thứ týp cúm hàng năm H3N2 không còn bao gồm dòng đã gây ra cúm Hong Kong trước đây nữa.

Các vi rút cúm A có thể đứt đoạn thêm để trở thành những dòng khác. Các thứ týp hiện nay của các vi rút cúm A ở người là các vi rút cúm A (H1N1) và cúm A (H3N2). Mùa xuân năm 2000, một vi rút cúm A mới (H1N1) phát sinh gây bệnh cho người. Vi rút mới này thường được gọi là “2009 H1N1”, thay thế cho vi rút H1N1 lưu hành trước đây ở người.

Vi rút cúm B – không có phân ra các thứ týp, nhưng về sau chúng có thể đứt đoạn để trở thành các nòi giống và các dòng. Các vi rút cúm B được biết là chỉ gây nhiễm cho người và hải cẩu. Các vi rút cúm B hiện đang lưu hành thuộc về một trong hai giống B/Yamagata và B/ Victoria, được biết từ những năm 1979. Tuy nhiên người ta cho là cũng đã có những dòng mới. Năm 2004, đa số vi rút giống với dòng B/Shangai/361/2002 thuộc nòi giống B/Yamagata/16/88 HA lineage.

Vi rút cúm C – có thể gây bệnh nhẹ cho đường hô hấp và được cho là không phát thành dịch cúm theo mùa. Vi rút cúm C gồm các chủng vi rút phân lập được từ người và heo. Người ta có ít thông tin hơn về vi rút cúm C, nhưng các nghiên cứu cho biết là loại này có ở khắp nơi trên thế giới và gây bệnh cho đường hô hấp trên, gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ hay ở người già có vấn đề về sức khỏe. Vi rút này gây bệnh nhẹ nên không cần tiêm chủng vacxin.

Khả năng biến đổi kháng nguyên 

Có 3 tuýp kháng nguyên cho 3 loại vi rút A, B, C.

Hiện tượng thay đổi cấu trúc kháng nguyên xảy ra thường nhất là ở týp A, ít hơn ở týp B, và gần như không đổi ở týp C. Vi rút cúm týp A còn gây nhiễm các loại thủy cầm, gà, vịt, heo, ngựa, hải cẩu. Vi rút cúm týp C còn gây nhiễm cho heo.

Một khả năng độc đáo của vi rút cúm là khả năng “biến đổi kháng nguyên”, dựa vào sự biến đổi cấu trúc của 2 loại glycoprotein bề mặt là HA và NA, gồm 2 cơ chế là sự trôi giạt kháng nguyên và sự thay đổi kháng nguyên (về vị trí, bản chất, hình dáng).

Sự trôi giạt kháng nguyên: các  đột  biến  nhỏ liên tục xảy ra giúp vi rút có khả năng biến đổi glycoprotein bề mặt HA (và có thể cả NA), do đó không còn bị bất hoạt bởi kháng thể trước đó nữa

Sự thay đổi kháng nguyên: đây là trường hợp một vi rút nào đó trao đổi RNA với một vi rút khác (trong trường hợp có 2 chủng vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể cùng một lúc) để tạo ra một chủng vi  rút  mới  mà  cơ  thể  con người chưa có kháng thể để chống lại. Chính những thay đổi kháng nguyên này đã gây  ra  nhiều  trận  dịch lớn  trên  thế  giới.  Cơ chế   thay   đổi   kháng nguyên   có   thể   xảy ra  giữa  vi  rút  cúm nhiễm ở người và vi rút cúm nhiễm ở gia cầm hoặc heo.

Trong  hơn  1  thập kỷ qua, các thứ týp của vi rút cúm A phân lập được trên các mẫu bệnh phẩm từ gia cầm hoặc chim gồm có  H9,  H7, và đặc biệt là H5, còn H1N1 phân lập được từ heo đã gây ra trận đại dịch năm 2009.

Danh pháp

Các trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) của các quốc gia chấp thuận qui ước đặt tên cho các vi rút cúm. Qui  ước  này  được  WHO công  nhận  năm  1979  và công bố 2/1980, theo đó:

  •  Loại kháng nguyên (ví dụ A, B, C)

  •  Nguồn vật chủ (ví dụ: heo, ngựa, gà…). Nếu nguồn gốc vi rút phân lập được từ người thì không đưa vào.

  •  Nguồn gốc địa dư (ví dụ: Denver, Taiwan…)

  •  Số của dòng (ví dụ: 15, 7…)

  •  Năm phân lập được (ví dụ: 57, 2009…)

  •  Cho các vi rút cúm A, mô tả kháng nguyên hemagglutinin và neuraminidase đặt trong các dấu ngoặc đơn (ví dụ (H1N1), (H5N1)…)

Ví dụ:

  •  A/vịt/Alberta/35/76 (H1N1) cho vi rút bắt nguồn từ vịt.

  •  A/Perth/16/2009 (H3N2) cho vi  rút  bắt  nguồn từ người.

Các vi rút cúm A (H1N1), A (H3N2), và một hay hai loại vi rút cúm B (tùy theo loại vacxin) được sử dụng để điều chế vacxin cúm hàng năm. Tiêm vacxin  cúm  có  thể  bảo  vệ  chống  các  vi  rút  cúm cùng loại hay có liên quan với các vi rút của vacxin. Vacxin cúm mùa không có tác dụng bảo vệ chống lại  các  vi  rút  cúm  C.  Ngoài  ra,  các  vacxin  cúm KHÔNG CÓ tác dụng chống lại nhiễm vi rút và các bệnh gây ra bởi các vi rút khác cũng có các triệu chứng giống như cúm. Có nhiều vi rút khác không phải cúm cũng có thể  gây ra các bệnh giống với cúm có thể lây lan trong mùa cúm.

Điều trị

Bốn  loại  thuốc  kinh  điển  được  chuẩn thuận  điều  trị  cho  bệnh  nhiễm cúm  A: Amantadine, Rimantadine, Zanamivir, Oseltamivir

 

Xem thêm: Phân biệt cảm và cúm

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top