ĐẠI CƯƠNG
Hội chứng ngừng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó động tác hô hấp hoạt động trở lại thường phối hợp với sự thức dậy ngắn.
Đa ký giấc ngủ (Polysomnography) là kỹ thuật thăm dò hết sức quan trọng cho phép chẩn đoán hội chứng ngừng thở khi ngủ. Cho phép định lượng sự ngừng thở và kiểm tra tính chất tắc nghẽn, cần thiết để xác định sự thay đổi cấu trúc giấc ngủ rất đặc trưng của hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Mục tiêu của đa ký giấc ngủ là phân tích tiếp diễn một số biến đổi của hệ tuần hoàn và hệ hô hấp trong giấc ngủ.
Nghiên cứu về giấc ngủ và các giai đoạn của nó (giấc ngủ chậm và nông: giai đoạn I và II, giấc ngủ chậm và sâu: giai đoạn III và IV, giấc ngủ kịch phát) và giai đoạn thức tỉnh trong quá trình ngủ và hé mở mắt là hàng đầu.
Cần phải đo điện não đồ, điện nhãn cầu, điện cơ của các cơ má như là thăm dò cơ bản.
Hé mở mắt được xác định bằng sự biến đổi của điện não và hoặc điện cơ trong khoảng ít nhất là 3 giây. Nguyên nhân hô hấp của hé mở mắt được xác định bởi sự hiện diện của ngừng thở, của giảm thông khí phế nang và sự tăng hô hấp gắng sức ngay trước khi hé mở mắt.
Sự phân tích tự động và lập trình hóa những thay đổi tuần hoàn hô hấp là nguyên tắc hiện nay, nhưng nó không phải là tương tự đối với điện não đồ đòi hỏi phải có sự phân tích bằng mắt.
CHỈ ĐỊNH
Để chẩn đoán
Nghi ngờ hội chứng ngừng thở khi ngủ:
Ngáy to khi ngủ.
Có cơn ngừng thở khi ngủ do người nhà người bệnh kể lại.
Ngủ phải thức giấc nhiều lần trong đêm.
Buồn ngủ ban ngày.
Đau đầu, mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng.
Người bệnh COPD, hen phế quản, suy hô hấp mạn tính, biến chứng tâm phế mạn, nghi ngờ có giảm oxy máu khi ngủ, cơn ngừng thở hoặc thở yếu khi ngủ.
Người bệnh bị suy tim, tăng huyết áp, béo phì, viêm amidan mạn tính quá phát, bất thường hàm mặt.
Người bệnh có rối loạn hô hấp khi ngủ kết hợp với rối loạn cơ hô hấp, cơ thành ngực, bệnh lý thần kinh - cơ.
Rối loạn hô hấp khi ngủ ở người bệnh ngủ ngáy có chỉ định phẫu thuật.
Để theo dõi hiệu quả điều trị
Đánh giá hiệu quả của phương pháp thở CPAP trong điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Đối chiếu kết quả đo đa ký với diễn biến lâm sàng định kỳ cho những người bệnh hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Chỉ định khác
Ngoài những chỉ định đã nêu ở trên, kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ còn có thêm một số chỉ định sau:
Trường hợp đo đa ký hô hấp hoàn toàn bình thường nhưng triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ hội chứng ngừng thở khi ngủ. Trường hợp này cần chỉ định đo đa ký giấc ngủ để hoặc khẳng định loại trừ chẩn đoán.
Rối loạn vận động và hành vi khi ngủ:
Hội chứng chân không nghỉ và cử động chi có chu kì.
Rối loạn hành vi trong giai đoạn cử động mắt nhanh (REM).
Rối loạn hành vi trong giai đoạn non REM như mộng du, cơn hoảng sợ ban đêm, mê nói khi ngủ…
Chứng ngủ nhiều ban ngày không do rối loạn hô hấp:
Cơn ngủ rũ.
Chứng ngủ nhiều ban ngày khác.
Mất ngủ và các rối loạn khác do thiếu ngủ:
Nghi ngờ triệu chứng mất ngủ do rối loạn hô hấp hoặc rối loạn vận động trong khi ngủ.
Chỉ định trong một số trường hợp mất ngủ kéo dài, đặc biệt muốn đánh giá đầy đủ về bản chất của mất ngủ.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Đa ký giấc ngủ là kỹ thuật không xâm nhập, có thể thực hiện trên tất cả các đối tượng người bệnh. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng đối với những người bệnh có tình trạng hô hấp và huyết động không ổn định.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
01 Bác sĩ chuyên khoa Hô hấp đã được đào tạo về thăm dò hội chứng ngừng thở khi ngủ.
01 Điều dưỡng được đào tạo về lắp đặt máy, theo dõi người bệnh mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Phương tiện
01 Hệ thống thăm dò đa ký giấc ngủ.
01 Máy thở Auto CPAP dùng điều trị thử cho người bệnh.
01 Hệ thống máy tính.
01 Hệ thống máy in màu, in kết quả.
01 Máy camera hồng ngoại theo dõi người bệnh liên tục.
01 Màn hình theo dõi người bệnh.
Người bệnh
Người bệnh được khám lâm sàng, làm xét nghiệm: điện tâm đồ, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, mỡ máu, tiểu đường… và làm bệnh án ngoại trú, xếp lịch hẹn đo đa ký giấc ngủ.
Giải thích kỹ cho người bệnh và gia đình hiểu về phương pháp đo đa ký giấc ngủ để có sự hợp tác tốt nhất.
Duy trì nếp sinh hoạt và công việc hàng ngày bình thường hôm trước khi đo đa ký (không thức khuya hơn, không ngủ nhiều hơn mọi ngày).
Duy trì các thuốc và phương pháp điều trị hàng ngày của người bệnh (thuốc huyết áp, tim mạch, tiểu đường…).
Tắm và gội đầu sạch sẽ để có được giấc ngủ tốt nhất và tín hiệu của điện cực đo điện não được chuẩn nhất.
Tối hôm ghi đa ký không uống rượu - bia, café, chè. Không uống thuốc ngủ, thuốc an thần. Nếu người bệnh đã dùng thuốc ngủ, thuốc an thần nhiều ngày trước đó, thì có thể vẫn dùng tiếp.
Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án chuyên khoa Hô hấp có sửa chữa và bổ sung thêm thang điểm Epworth.
Phòng đo
Phòng đo đa ký được bố trí khu vực riêng biệt với khu điều trị nội trú, đảm bảo yên tĩnh. Phòng được trang bị các đồ dùng nội thất tương đương với tiêu chuẩn của khách sạn ba sao. Bao gồm giường nằm, tủ cá nhân, bàn ghế uống nước, kệ đọc sách, bàn làm việc, đèn làm việc, đèn ngủ, bồn rửa mặt và vệ sinh cá nhân.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH ĐO ĐA KÝ
Bước 1: giải thích và ký cam kết
Đến ngày hẹn đo, người bệnh và người nhà được bác sĩ và điều dưỡng giải thích về phương pháp ghi và các vấn đề người bệnh cần lưu ý trong khi đo đa ký giấc ngủ, ký cam kết đồng ý thực hiện.
Bước 2: cài đặt các thông số vào máy đo đa ký và kết nối máy tính
Các thông số về nhân khẩu học, thời gian bắt đầu đo, thời gian kết thúc đo, các thông số cần đo, những ghi chú về lâm sàng của người bệnh…
Bước 3: lắp máy và mắc điện cực
Lúc 21giờ30phút điều dưỡng lắp máy, mắc điện cực và chuẩn bị máy đo xong, người bệnh bắt đầu được ghi cho tới sáng hôm sau (thời gian ghi ít nhất là 6 giờ).
Bước 4: theo dõi người bệnh trong suốt quá trình đo
Người bệnh được theo dõi về nhịp tim, hô hấp, độ bão hoà oxy, tư thế của người bệnh khi ngủ... Tất cả các thông số sẽ được ghi lại và quay video.
Bước 5: tháo máy đo, gỡ điện cực và các phụ kiện
Tháo máy đo, gỡ điện cực và các phụ kiện vào buổi sáng hôm sau khi người bệnh ngủ dậy.
Bước 6: đọc phân tích và trả lời kết quả
Điều dưỡng in sao kết quả đo của máy vào đĩa DVD, ghi rõ tên tuổi người bệnh, ngày đo đa ký.
Bác sĩ đọc và trả lời kết quả, đồng thời tư vấn cho người bệnh.
Lưu ý:
Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc hội chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ có chỉ định dùng CPAP sẽ phải đo đa ký lần thứ hai vào buổi tối tiếp theo để xác định áp lực cài đặt tối ưu. Người bệnh được đo đa ký trong khi ngủ kết hợp với thở máy CPAP.
THEO DÕI
Trong suốt thời gian đo, kíp kỹ thuật sẽ theo dõi người bệnh liên tục nhờ camera hồng ngoại.
Người bệnh được theo dõi về nhịp tim, hô hấp, độ bão hoà oxy, tư thế của người bệnh khi ngủ. Tất cả các thông số sẽ được ghi lại và quay video.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Đa ký giấc ngủ là kỹ thuật không xâm nhập, không gây tai biến cho người bệnh. Tuy nhiên cần chuẩn bị các phương tiện cấp cứu để xử trí những người bệnh có cơn đột quỵ hoặc ngừng tuần hoàn trong khi ngủ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Xuân Bích Huyên và CS. Nhận xét ban đầu về hội chứng ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn trên người bệnh Việt Nam. Báo cáo khoa học Hội nghị hội Phổi Pháp Việt, năm 2008.
Đặng Vũ Thông và CS. Nhận xét về kết quả điều trị hội chứng ngưng thở lúc ngủ tắc nghẽn bằng máy CPAP tại TP Hồ Chí Minh. Báo cáo khoa học Hội nghị hội Phổi Pháp Việt, năm 2010.
Epstein LJ, Kristo D, Strollo PJ Jr, et al. Clinical guideline for the evaluation, management and long-term care of obstructive sleep apnea in adults. J Clin Sleep Med 2009; 5:263.
Flemons WW. Clinical practice. Obstructive sleep apnea. N Engl J Med 2002; 347:498.
Giles TL, Lasserson TJ, Smith BH, et al. Continuous positive airways pressure for obstructive sleep apnoea in adults. Cochrane Database Syst Rev 2006; 3:CD001106.
Jennum P, Riha RL. Epidemiology of sleep apnoea/hypopnoea syndrome and sleep-disordered breathing. Eur Respir J 2009; 33:907.
Lancaster LH, Mason WR, Parnell JA, et al. Obstructive sleep apnea is common in idiopathic pulmonary fibrosis. Chest 2009; 136:772.
Marshall NS, Wong KK, Liu PY, et al. Sleep apnea as an independent risk factor for all-cause mortality: the Busselton Health Study. Sleep 2008; 31:1079.
Punjabi NM. The epidemiology of adult obstructive sleep apnea. Proc Am Thorac Soc 2008; 5:136.
Redline S, Yenokyan G, Gottlieb DJ, et al. Obstructive sleep apnea-hypopnea and incident stroke: the sleep heart health study. Am J Respir Crit Care Med 2010; 182:269.
White DP. Pathogenesis of obstructive and central sleep apnea. Am J Respir Crit Care Med 2005; 172:1363.
Young T, Skatrud J, Peppard PE. Risk factors for obstructive sleep apnea in adults. JAMA 2004; 291:2013.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh