✴️ 5 biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ thường gặp và hướng giải quyết

Các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ có thể dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh lý nội thần kinh khác. Nguyên nhân là do triệu chứng không quá rõ rệt, phần lớn chỉ thể hiện suy giảm trí nhớ, khả năng nhận thức và kỹ năng xã hội của người bệnh. Điều này khiến việc chăm sóc người bệnh trở nên khó khăn hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về chứng sút trí tuệ và 5 biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ cùng hướng giải quyết, mời bạn đọc cùng theo dõi.

 

1. Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ có tên y khoa là Dementia. Đây là tên gọi mô tả nhóm triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ và khả năng xã hội. Từ đó gây ảnh hưởng tới các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Lưu ý, sa sút trí tuệ không được coi là một bệnh lý cụ thể mà có thể do một số bệnh lý khác gây ra.

Sa sút trí tuệ thường gặp ở người trên 65 tuổi (phổ biến với tỷ lệ khoảng 10%). Ở người trên 85 tuổi thì tỷ lệ này có thể lên tới 65%. Mặc dù người cao tuổi có thể gặp phải một số vấn đề về suy giảm trí nhớ, nhưng không thể kết luận chung người cao tuổi bị chứng sa sút trí tuệ. Chỉ khi sự suy giảm trí nhớ ở người bệnh vượt mức dự kiến so với lứa tuổi và có thêm ít nhất một vấn đề liên quan tới nhận thức khác (sự chú ý, khả năng ngôn ngữ, kỹ năng thị giác…) thì mới có thể khẳng định họ bị sa sút trí tuệ.

 

2. Các biểu hiện chính của bệnh sa sút trí tuệ 

Ở giai đoạn đầu, người bị sa sút trí tuệ sẽ có những biểu hiện sau:  

2.1 Mất trí nhớ gần

Người bệnh thường lặp lại một câu hỏi hoặc hay đi tìm đồ dùng cá nhân, thường quên những sự việc vừa mới xảy ra, thậm chí là quên tên người quen… Hay quên, không rõ ngày tháng hay các sự kiện trọng đời. Tuy nhiên, người bệnh thường bỏ qua các dấu hiệu này do khi bệnh ở mức độ nhẹ các biểu hiện không rõ ràng, rất dễ lầm tưởng với các triệu chứng “đãng trí” bình thường chẳng hạn như phụ nữ hay quên sau sinh do thiếu sắt hoặc khả năng nhớ kém hơn khi về già. Những sai lầm trong việc chẩn đoán này làm mất đi cơ hội được điều trị và phục hồi của người bệnh.

2.2 Rối loạn định hướng

Người bệnh có thể cảm thấy lạc lõng hoặc bị lạc đường ngay cả khi ở nơi quen thuộc. Một số người không xác định được phải trái, xa gần. Những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể trở nên lạc lõng trong chính căn nhà của mình. 

2.3 Rối loạn hoạt động

Người bệnh không nhớ cách ăn uống bình thường, không thể tự ăn uống hoặc không tự vệ sinh cá nhân. Họ cần được người khác hỗ trợ trong việc chăm sóc bản thân, kể cả những việc rất nhỏ. Điều này không những khiến người bệnh luôn cảm thấy tự ti mà còn gây phiền toái cho người thân của họ.

2.4 Rối loạn ngôn ngữ

Người bệnh có thể quên cách dùng những từ đơn giản. Điều này khiến họ gặp khó khăn khi diễn đạt, giao tiếp với những người xung quanh.

2.5 Giảm khả năng tính toán

Người bệnh có thể sẽ không nhận ra các con số, không thực hiện được phép tính đơn giản, đôi khi khả năng giải quyết vấn đề cũng suy giảm dần, ảnh hưởng tới công việc và đời sống hàng ngày. Kèm theo đó, người bệnh cũng có biểu hiện lo âu, dễ kích động…

Ở giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ bị giảm trí nhớ nặng dần trong vòng 2 – 10 năm. Hậu quả là việc sinh hoạt thường ngày như ăn uống, tắm rửa, tiểu tiện… sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Rối loạn trí nhớ là biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở người sa sút trí tuệ

 

2. Nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ

– Bệnh Alzheimer: Bệnh lý này thường gặp ở người trên 60 tuổi với đặc điểm mất trí nhớ tiến triển chậm. Kèm theo đó, bệnh nhân cũng có thể bị rối loạn ngôn ngữ, khả năng thị giác, khả năng xác định không gian.

– Sa sút trí tuệ do mạch máu: Khi mắc bệnh mạch máu não, bệnh nhân có thể bị suy giảm hoạt động nhận thức. Mức độ suy giảm nhận thức phụ thuộc vào vị trí mạch máu não bị tổn thương.

– Sa sút trí tuệ thể Lewy: Căn bệnh này có biểu hiện lâm sàng khá giống Alzheimer nhưng biểu hiện suy giảm chức năng nhận thức, hiện tượng ảo giác khi nhìn có xu hướng tiến triển nhanh hơn. Đặc biệt bệnh nhân dạng này thường khá nhạy cảm với tác động của các thuốc điều trị loạn thần.

– Sa sút trí tuệ trán – thái dương: Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể biến đổi về nhân cách, suy thoái các kỹ năng xã hội, kém nhạy về cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể sẽ rối loạn trí nhớ. 

– Sa sút trí tuệ do bệnh Parkinson: Khoảng 3/4 bệnh nhân cao tuổi mắc Parkinson sẽ có triệu chứng sa sút trí tuệ sau mười năm. Đặc điểm của bệnh gồm khả năng nhận thức và vận động chậm dần, biểu hiện suy giảm trí nhớ và chức năng thực hiện.

Alzheimer được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng sa sút trí tuệ

 

3. Phương pháp điều trị sa sút trí tuệ

Hiện nay vẫn chưa có khuyến cáo cụ thể về cách xử trí sớm sa sút trí tuệ. Tuy nhiên qua theo dõi lâm sàng và các nghiên cứu sinh học về quá trình lão hóa ở người cao tuổi, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây.

3.1. Phương pháp dinh dưỡng và nội tiết khi có biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ

Trong các giả thuyết về dinh dưỡng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ, các nhà khoa học có chú ý đến tác dụng của các acid béo và kích lực oxy hóa trong quá trình lão hóa ở não.

Các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh bệnh nhân sử dụng loại cá béo (có nhiều DHA) hoặc các acid béo đa phần không bão hòa omega-3 (Barberger-Gateau P, 2005) đều giảm triệu chứng sa sút trí tuệ hoặc suy giảm nhận thức. Do đó, trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta nên bổ sung các thực phẩm giàu acid béo có lợi như các loại hạt, ngũ cốc, cá…

3.2. Sử dụng thuốc điều trị khi có biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ

Có một số loại thuốc có khả năng tác động đến các triệu chứng suy giảm nhận thức ở giai đoạn đầu, ví dụ như:

– Thuốc điều hòa tuần hoàn não

– Thuốc chống oxy hóa

– Thuốc ức chế cholinesterase

– Thuốc chủ vận nicotin

– Các chất ức chế ubiquitin hóa

Tuy vậy, việc sử dụng các loại thuốc cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ. Bởi một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu tới bệnh nhân nếu sử dụng quá liều. Tốt nhất khi có các biểu hiện sa sút trí tuệ, bạn nên đi khám để được khám, chẩn đoán và kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Việc dùng thuốc điều trị bệnh sa sut trí tuệ phải có sự chỉ định của bác sĩ

 

3.3. Điều chỉnh nếp sinh hoạt khi có biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ

Nhìn chung, để duy trì một trí tuệ minh mẫn, hạn chế chứng sa sút trí tuệ thì bạn cần phải thực hành lối sống lành mạnh như:

– Duy trì hoạt động trí óc thông qua việc học ngôn ngữ, các trò chơi tư duy như ghép hình, ghi nhớ, phản xạ…

– Tập luyện thể lực bằng việc đi bộ (nhanh) 30 – 45 phút, ít nhất 3 lần/tuần.

– Duy trì giấc ngủ sâu, đủ 8 tiếng mỗi ngày.

– Giữ tâm trạng ổn định, tránh xa áp lực và căng thẳng.

Tóm lại, chứng sa sút trí tuệ có ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người bệnh. Các biện pháp thay đổi lối sống hay dinh dưỡng chỉ mang tính tham khảo. quan trọng là bạn cần sớm nhận diện bệnh qua những biểu hiện bệnh sa sút trí tuệ và đi khám, chẩn đoán sớm để điều trị sớm và dứt điểm căn bệnh này. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top