Rối loạn tiền đình nhẹ thường bị bỏ qua do các biểu hiện không điển hình, dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác. Trong khi đây là bệnh lý cần phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau. Bài viết cung cấp các thông tin về tác hại của rối loạn tiền đình, 5 dấu hiệu nhận biết rối loạn tiền đình và cách phòng tránh.
Rối loạn tiền đình là bệnh lý không còn quá xa lạ với nhiều người. Đây là tín hiệu cảnh báo sự tổn thương dây thần kinh số 8 do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp phần lớn ở người trưởng thành. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác mất thăng bằng, đôi khi dễ bị ngã, suy giảm tập trung, cơ thể mệt mỏi,… Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, lao động của chính bản thân người bệnh lẫn những người xung quanh.
Hơn nữa, rối loạn tiền đình còn kéo theo nhiều “biến chứng ngầm” nguy hiểm đó là nguy cơ đột quỵ cao, dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, người bệnh không thể xem nhẹ những dấu hiệu bất thường, dù chỉ là mới nghi ngờ. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tiến triển xấu của bệnh cũng như tránh những rủi ro không đáng có
Hoa mắt, chóng mặt vốn là những biểu hiện hay gặp thường ngày. Hoa mắt là cảm giác xây xẩm mặt mày, xuất hiện khi thay đổi tư thế. Còn chóng mặt là cảm giác nhìn bất kỳ một vật nào đó cũng thấy nó đang quay tròn, kéo dài từ vài giây cho tới hàng giờ. Hai dấu hiệu này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: làm việc căng thẳng, thiếu ngủ trầm trọng, tăng/giảm huyết áp,….
Đặc biệt, hoa mắt và chóng mặt thường xuyên cũng là biểu hiện bất thường của hệ tiền đình. Khi tiền đình rối loạn trong hoạt động, não bộ sẽ không nhận biết được tư thế của đầu, dẫn đến tình trạng chóng mặt. Lúc này người bệnh nhìn vào đồ vật bất kỳ sẽ luôn có cảm giác bị đảo lộn và đôi khi cảm giác bị kéo về một hướng khó xác định.
Mới đầu, tình trạng xoay tròn, bấp bênh chỉ xuất hiện thoáng qua, nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Chính vì thế, tuy đầu không thấy đau nhức nhưng luôn cảm giác bị đè nén, nặng trĩu. Bên cạnh đó, có thêm những triệu chứng kèm theo như: đổ mồ hôi, mất cân bằng, buồn nôn,…
Thao thức không chìm vào được giấc ngủ, khó ngủ, tỉnh giữa chừng và không thể ngủ lại được nữa,…là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý rối loạn tiền đình đang gõ cửa sức khỏe. Thực tế nhiều người cho rằng đó là ảnh hưởng của áp lực công việc, suy nghĩ nhiều hay ảnh hưởng từ vấn đề tuổi tác. Tuy nhiên, không thể không loại trừ khả năng rối loạn tiền đình. Bởi khi quá trình hoạt động của hệ thống này bị rối loạn thì người bệnh sẽ không điều khiển được các chức năng một cách chính xác. Trong đó, chức năng duy trì nghỉ ngơi của não bộ và mắt bị ảnh hưởng, dẫn tới tình trạng mất ngủ.
Mất ngủ trong thời gian dài còn khiến cơ thể mệt mỏi, choáng váng và ngày hôm sau. Gây nguy hiểm tới sức khỏe và giảm hiệu quả làm việc.
Rối loạn tiền đình ở mức độ nhẹ sẽ bao gồm cả cảm giác lảo đảo, mất thăng bằng và dễ ngã. Điều này xuất phát từ sự mất đồng bộ thông tin từ tiền đình, tiểu não, mắt và ngoại tháp.
Khi mất cân bằng, người bệnh sẽ có những xu hướng sau:
– Khó đi thẳng, dễ vấp ngã
– Trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn
– Khó duy trì tư thế đúng, đầu thường nghiêng sang một bên
– Luôn phải nhìn xuống đất để xác định vị trí
– Đi lại khó khăn trong bóng tối
– Đôi khi cần bám,dựa vào tường hay đồ vật nào đó để di chuyển
Người bị rối loạn tiền đình ban đầu sẽ có sự nhạy cảm hơn về mặt thị giác. Chẳng hạn như:
– Hoa mắt và không nhìn rõ mọi vật
– Nhạy cảm với ánh sáng chói, các loại ánh sáng nhấp nháy
– Có thiên hướng tập trung đối tượng ở gần thay vì các đối tượng ở xa
– Mắt trở nên khó chịu khi nhìn khung cảnh đông đúc như: kẹt xe, xếp hàng dài trong siêu thị/quán ăn,….
Bên cạnh nhạy cảm về thị giác, người rối loạn tiền đình ở giai đoạn sớm cũng bị ảnh hưởng về thính giác. Hầu như ai cũng sẽ thấy tình trạng giảm thính lực rõ rệt, đôi khi nghe không rõ như trước. Đồng thời, người rối loạn tiền đình cũng thường xuyên cảm thấy ù tai hay có tiếng ồn trong tai. Những âm thanh lớn cũng có tác động đến thính giác, làm tăng triệu chứng chóng mặt và hoa mắt.
Tập thể dục hàng ngày là cách chủ động để phòng ngừa bệnh rối loạn tiền đình nhẹ hiệu quả. Các bài tập vật lí trị liệu đặc thù sẽ giúp bù trừ sự cân bằng của hệ thống tiền đình. Nếu kiên trì, bạn sẽ thấy những kết quả tốt rõ rệt. Cụ thể là tăng sự thăng bằng khi đứng hoặc di chuyển, tăng sự thích nghi với việc thay đổi tư thế.
Hơn nữa, cần tập trung tập luyện tại vùng đầu, cổ gáy. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng hoa mắt, chóng mặt và người lảo đảo, dẫn đến bị va vấp và bị thương.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với người bị rối loạn tiền đình. Axit folic, chất xơ và các loại vitamin thiết yếu là những chất dinh dưỡng cần bổ sung cho cơ thể khi bị rối loạn tiền đình. Một số thực phẩm cần ưu tiên cho vào bữa ăn hàng ngày như là:
– Rau chân vịt, cải bó xôi, súp lơ
– Các loại trái cây: cam, quýt, bưởi, kiwi, dứa,…
– Bánh mì, lạc và các loại ngũ cốc
– Thịt gà, cá
Bên cạnh đó, cần tránh rượu, bia, thuốc lá, cà phê… Bởi những loại chất này có thể khiến bạn bị ù tai nhiều hơn, gây ra các cơn đau đầu thể nặng.
Các biện pháp tập luyện và chế độ dinh dưỡng chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ. Để giải quyết tình trạng rối loạn tiền đình, bạn cần xác định rõ nguyên nhân và một phác đồ điều trị tối ưu.
Vì vậy, nếu nghi ngờ bản thân có những dấu hiệu rối loạn tiền đình ở giai đoạn đầu, nên đến hệ thống y tế uy tín để kiểm tra và có cách thức điều trị hiệu quả nếu phát hiện dấu hiệu bất thường. Song song với đó, cần chủ động duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe trong điều kiện tốt nhất, có sự can thiệp kịp thời để giảm thiểu các cơn choáng váng, mất thăng bằng xuất hiện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh