8 nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt

Nội dung

Hạ huyết áp tư thế đứng

Hạ huyết áp có thể gây chóng mặt, đặc biệt là nếu bạn đang nằm hoặc ngồi rồi đột ngột đứng lên. Khi bạn đứng lên quá nhanh, máu sẽ không kịp di chuyển lên đầu, do vậy, bạn sẽ có cảm giác hơi chóng mặt nhẹ.

Để dự phòng chóng mặt dạng này, hãy cho cơ thể thời gian để thay đổi tư thế một cách từ từ. Ngoài ra, có thể đi khám và trao đổi với bác sỹ về các vấn đề xảy ra với hệ tuần hoàn của bạn, nếu có. Điều này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý để điều trị kịp thời.

 

Mất nước

Bị mất nước nhẹ có thể khiến bạn bị ngất, mất thăng bằng bởi tình trạng mất nước sẽ làm chậm quá trình tuần hoàn máu. Thiếu nước có thể sẽ khiến huyết áp tụt xuống rất nhanh và có thể gây chóng mặt. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn luôn uống đủ nước để duy trì huyết áp ở mức ổn định.

 

Quá liều caffeine

Uống nhiều hơn lượng caffeine khuyến nghị một ngày (nhiều hơn 400mg/ngày) có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt. Caffeine là một chất kích thích, và chất kích thích sẽ hạn chế lưu lượng máu chảy tới não. Máu chảy tới não không đủ có thể là nguyên nhân dẫn đến chóng mặt.

 

Hoảng loạn, lo lắng

Tất cả chúng ta đều sẽ lo lắng vào một thời điểm nào đó, nhưng nếu lo lắng đi kèm với dấu hiệu chóng mặt thì đó có thể là dấu hiệu của một cơn hoảng loạn sắp xảy ra hoặc rối loạn lo âu.

Hoảng loạn và rối loạn lo âu có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt nhẹ vì hoảng loạn có thể sẽ khiến tim bạn đập nhanh và thở nông, cả 2 dấu hiệu này đều gây ra tình trạng chóng mặt. Nếu bạn cảm thấy không thể tự bình tĩnh trở lại được trong một số trường hợp cụ thể, hãy liên lạc với bác sỹ.

 

Tăng thông khí

Khi tăng thông khí, bạn sẽ hít thở quá nhanh hoặc quá sâu, dẫn đến lượng khí CO2 quá thấp và hạn chế khả năng vận chuyển oxy đến các chi. Tăng thông khí thường xảy ra trong khi cơn lo lắng xảy ra nhưng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết, rối loạn tim hoặc phổi hoặc cũng có thể là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng, theo Viện Nghiên cứu về Sức khỏe Hoa Kỳ. Tình trạng này còn có thể gây ra cảm giác ngứa râm ran ở tay chân và chóng mặt.

 

Chấn động

Nếu bạn vừa va đầu vào đâu đó, kể cả là vào chạn bếp thì chóng mặt có thể là dấu hiệu cho thấy não bạn đã bị chấn động. Đa số các cơn chấn động đều rất nhẹ nhưng các cơn chấn động có thể gây ra tổn thương với não và có thể cần đến khám bác sỹ để lượng giá và điều trị kịp thời. Để hồi phục sau một cơn chấn động, có thể sẽ mất vài giờ, hoặc thậm chí là vài tuần.

 

Viêm tai giữa

Khi bạn bị nhiễm trùng tại tai giữa, do một cơn cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm đường hô hấp trên, thì mủ và dịch nhầy có thể sẽ hình thành ở phía sau màng nhĩ. Việc này có thể sẽ khiến bạn bị chóng mặt và mất cảm giác thăng bằng một cách rõ rệt. Cơ chế giữ thăng bằng của cơ thể bị ảnh hưởng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chóng mặt.

 

Thiếu thiamin

Thiếu thiamin (còn gọi là thiếu vitamin B1) là một nguyên nhân khác gây chóng mặt. Đây là một vitamin rất quan trọng để duy trì hệ thần kinh trung ương, do vậy, thiếu thiamin có thể dẫn đến cảm giác suy nhược (vì cơ thể không chuyển hóa được nguồn thực phẩm nạp vào thành năng lượng), nhịp tim bất thường vì hệ thần kinh bị ảnh hưởng.

Theo thời gian, thiếu vitamin B1 cũng có thể dẫn đến bệnh cơ tim, hoặc phì đại tim, và làm cản trở lưu lượng máu chảy đến não, gây chóng mặt. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần phải được chăm sóc y tế ngay.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top