Bệnh ảo giác ở người già (Hallucination) là căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh, một số giác quan của con người bị rối loạn làm cho người bệnh rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Đề cập về căn bệnh này, tạp chí Live Strong của Mỹ vừa cập nhật 6 điều cần biết để phòng tránh chữa trị, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người trong cuộc.
Bệnh ảo giác đôi khi còn gọi là chứng ảo giác giác quan (Sensory hallucination), trong đó giác quan bị rối loạn, người trong cuộc tưởng như mình nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy những việc mà thực tế lại không có thật. Chính những ảo giác này làm họ lo lắng, sợ hãi và tìm cách đối phó hoặc chạy trốn. Thậm chí có người còn nghe thấy giọng nói hoặc người vô tình ở ngay trong thân xác của bản thân họ, điều khiển họ làm những việc nguy hiểm như tấn công người khác, có người còn cảm thấy đang bay bổng rơi xuống vực thẳm sâu. Nhóm người này còn có những chứng bệnh khác đi kèm như ảo thị, ảo thính, ảo vị, ảo khứu giác.
Trước tiên những người mắc phải căn bệnh này thường đi kèm chứng sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, bị mù hoặc bị điếc, mắc phải những căn bệnh trầm trọng khác liên quan đến não bộ, đặc biệt là khối u não, gan thận bị suy yếu không thực hiện được chức năng vốn có, bị trúng độc, hoặc bị rối loạn tâm lý hoặc do thay đổi một số loại thuốc chữa bệnh, bị nhiễm trùng, bị bệnh tim mạch hoặc bị chấn thương. Ngoài ra còn co những lý do tâm thần làm cho bệnh tình gia tăng, ví dụ như: ảo giác thấy người thân qua đời nay hiện về khuyên nhủ; nghiện thuốc kích thích, rượu bia cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh. Chứng ảo thị thường là do ngộ độc rượu, ma túy, cocain, nhiễm độc chất salicylat, u-rê máu tăng vọt, do mắc bệnh sa sút trí tuệ thể nhẹ Alzheimer… Chứng ảo thính thường làm cho bệnh nhân khó chịu buồn bực dẫn đến suy luận, cho rằng người khác nói xấu mình. Chứng ảo vị, ảo khứu là căn bệnh sai lệch về mùi vị, xúc giác, thường xuất hiện ở nhóm người nghiện ma túy. Đôi khi người bệnh cảm thấy những bộ phận trong cơ thể chuyển động hay có những vật gì đó đang di chuyển trong người.
Những người mắc bệnh ảo giác dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên rất nguy hiểm đến tính mạng vì vậy không nên để họ sống cô đơn, một mình. Những người này cần được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, kể cả ăn uống, thuốc thang cho đến những tình huống cần được cấp cứu gấp. Nếu cần có thể đưa những người này vào các trung tâm điều trị chuyên nghiệp hoặc được kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc cũng như các khuyến cáo thường xuyên.
CBS là căn bệnh nói về tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân mắc bệnh về thị lực, từ đó phát sinh ra những hiện tượng về ảo giác. Đây cũng là căn bệnh thường gặp ở nhóm người cao niên mắc bệnh nghiêm trọng về mắt. Nếu bị hội chứng CBS thì nguy cơ bị ảo thị rất cao, tuy nhiên mức độ mắc bệnh còn tùy thuộc vào sức khỏe của từng người. Trước tiên những người này sẽ nhìn thấy những dòng kẻ ngang trên những đồ vật mà họ nhìn thấy (gọi là trường thị giác) hoặc chim bay, đồ vật bay trước mắt mà thực tế chẳng có gì. Ngoài ra còn yếu tố khách quan tác động, ví dụ ánh sáng tự nhiên mờ ảo làm tăng, giảm chứng ảo giác vì vậy mà những người mắc bệnh thị lực càng nặng thì chứng ảo thị lại càng nan y, trầm trọng.
Nhóm người cao tuổi có rủi ro mắc chứng ảo giác là rất cao. Nhẹ thì ảo mộng, suy giảm thị lực, mê sảng, suy giảm trí nhớ và nặng thì thấy những ánh hào quang, ngất xỉu, đau nửa đầu và ảo tưởng liên tục. Điều quan trọng là cần khám và giải mã những bí ẩn của chứng gián đoạn cảm giác và ảo giác thực. Ngoài ra, cũng phải phân biệt giữa ảo giác thực và bệnh ảo tưởng. Riêng ảo tưởng là căn bệnh thường gặp ở nhóm người mắc bệnh rối loạn tâm thần và “cặp” với căn bệnh ảo giác. Tuy nhiên, chứng ảo tưởng này không phải là dạng bệnh rối loạn ảo giác mà nó liên quan đến trí óc, tâm trí cũng như quá trình suy nghĩ của người bệnh.
Ảo giác là căn bệnh chứa đựng nhiều bí ẩn đến nay chưa khám phá hết nên kết quả điều trị vẫn còn hạn chế, vì vậy việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp này bác sĩ thường khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như nhiễm trùng nặng, cơ thể mất nước, bị ngộ độc, đường huyết giảm, bị động kinh, bị bệnh tim mạch, bị chấn thương hoặc có u ở não... Tùy theo trạng thái sức khỏe tâm thần của người bệnh, bác sĩ có thể khuyến cáo cách điều trị như: dùng thuốc an thần, thuốc bổ não hoặc chuyển họ tới bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh