TS Gary Steinberg, chủ nhiệm bộ môn thần kinh tại Trường Y Đại học Stanford và các đồng nghiệp đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Stroke.
Tuy thử nghiệm chỉ bao gồm một số ít bệnh nhân đột quỵ, song đã mang lại những kết quả rất tích cực, và một số chuyên gia y tế khẳng định những phát hiện này có thể dẫn đến "những cách điều trị giúp thay đổi cuộc sống" cho bệnh nhân đột quỵ.
Bởi với những bệnh nhân không được vận chuyển đến viện kịp thời, họ sẽ có rất ít cơ hội phục hồi trong khi nghiên cứu cho thấy cấy ghép tế bào gốc cải thiện sự hồi phục của bệnh nhân khi dùng sau khi bị đột quỵ tới 3 năm.
Trong nghiên cứu bao gồm 18 bệnh nhân - tuổi trung bình 61 – bị đột quỵ lần đầu từ 6 tháng đến 3 năm trước. Tất cả đều mất khả năng vận động do hậu quả của đột quỵ; một số bị liệt tay, trong khi những người khác không thể đi lại được.
Các bệnh nhân đều được ghép tế bào gốc, bao gồm khoan một lỗ vào hộp sọ và tiêm tế bào SB623 vào vùng não bị tổn thương do đột quỵ.
Tế bào SB623 là tế bào gốc trung mô (MSC) được lấy từ tủy xương của hai người hiến tặng và được chỉnh sửa để tăng cường chức năng não.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi bằng chụp não, xét nghiệm máu, và khám lâm sàng.
Một tháng sau điều trị, các bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, và những cải thiện này tiếp tục được duy trì trong ít nhất 1 năm và hơn 2 năm đối với một số bệnh nhân.
Một bệnh nhân đã thấy sự cải thiện đáng kể trong chức năng vận động sau cấy ghép tế bào gốc là cô Sonia Olea Coontz, 36 tuổi, sống ở Long Beach, CA.
Sau khi bị đột quỵ tháng 5 năm 2011, cô bị liệt cánh tay phải, và tuy vẫn nhúc nhắc được chân phải, song cô thường xuyên phải sử dụng xe lăn.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, Coontz cho biết chân tay cô đã "tỉnh dậy", và TS Steinberg cùng các đồng nghiệp hy vọng phương pháp này có thể mang lại kết quả tương tự cho hàng triệu người bị đột quỵ khác .
Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng sau khi được tiêm vào não, các tế bào SB623 chỉ sống khoảng 1 tháng, nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục biểu hiện sự cải thiện trong nhiều tháng sau đó.
Họ dự đoán ngay sau khi cấy ghép, các tế bào SB623 tiết ra những chất lắng động gần vùng não bị tổn hại do đột quỵ, nhờ đó tăng cường tái hoạt hóa hoặc tái sinh mô thần kinh, cải thiện chức năng vận động.
Cách điều trị này có lẽ không được giới hạn ở bệnh nhân đột quỵ, mà còn có thể điều trị nhiều bệnh liên quan đến chấn thương não.
78% số bệnh nhân trong thử nghiệm bị đau đầu tạm thời, được cho là do phẫu thuật gây ra. Mộ số bệnh nhân cũng bị buồn nôn và nôn, tuy nhiên không thấy có bất thường gì đáng kể về máu.
Theo các tác giả, lợi ích chính của tế bào gốc trung mô là chúng không bị đào thải bởi hệ thống miễn dịch , mặc dù chúng được lấy từ từ tủy xương của ngời cho. Trong nghiên cứu này, không bệnh nhân nào phải dùng thuốc ức chế miễn dịch .
Các nhà nghiên cứu hiện đang bắt tay vào việc tuyển bệnh nhân cho thử nghiệm ngẫu hóa, mù đôi, đa trung tâm giai đoạn IIb để tiếp tục đánh giá sự an toàn và hiệu quả của việc điều trị tế bào gốc ở 156 bệnh nhân đột quỵ bị liệt vận động.
Theo TS Shamin Quadir, giám đốc truyền thông nghiên cứu của Hội đột quỵ Anh, thì kết quả của các thử nghiệm giai đoạn II sẽ cho biết nhiều hơn về kiểu điều trị tế bào gốc này. Phát hiện có thể dẫn đến những phương pháp điều trị làm thay đổi cuộc sống cho bệnh nhân đột quỵ trong tương lai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh