Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh Parkinson, cần tạo một không gian an toàn để tránh cho người bệnh bị té ngã, đặc biệt là khu vực cầu thang, phòng tắm, sàn nhà. Cụ thể như sau:
- Sàn nhà: Chú ý loại bỏ hết các loại dây điện, dây nối lỏng lẻo, không nên dùng thảm vì dễ trơn trượt. Bạn cũng nên tránh bày bừa đồ vật trên sàn nhà, tốt hơn hết là giữ đồ đạc ở đúng nơi quy định.
- Phòng tắm: Bạn nên lắp thanh vịn trên tường, sử dụng thảm chống trượt trong phòng tắm để tránh té ngã.
- Thắp sáng trong nhà: Đảm bảo trong nhà luôn đủ sáng, đặc biệt là tại các khu vực như cầu thang, lối ra vào, phòng tắm và hành lang. Người bệnh Parkinson cũng nên đảm bảo công tắc đèn trong tầm với nếu phải thức dậy vào giữa đêm.
- Phòng bếp: Nên sử dụng thảm chống trượt tại khu vực bồn rửa bát và bếp nấu. Bạn cũng nên chú ý thường xuyên dọn dẹp các vết bẩn.
- Cầu thang: Đảm bảo cầu thang đủ sáng, có tay vịn và có gờ chống trượt. Tốt hơn hết, người bệnh Parkinson nên chuyển không gian sinh hoạt xuống các tầng thấp để hạn chế việc phải sử dụng cầu thang quá nhiều.
- Cửa ra vào: Tránh xây bục cửa quá cao. Bạn cũng có thể lắp đặt tay vịn lên phần tường tiếp giáp với tay nắm cửa để đảm bảo an toàn khi bước qua khu vực này.
Kể cả khi đã có một không gian an toàn trong nhà, người bệnh Parkinson vẫn có nguy cơ té ngã khi đi ra ngoài. Để giảm thiểu tình trạng này, người bệnh cần tập luyện một số thói quen để giữ thăng bằng cho cơ thể, đó là:
- Tránh việc vừa đi vừa cầm nắm đồ vật trên tay. Cầm nắm đồ vật bằng cả 2 tay khi đi lại có thể cản trở khả năng giữ thăng bằng. Tốt hơn hết, bạn nên dùng túi để đựng đồ vật, hoặc chỉ cầm đồ vật bằng một tay khi đi.
- Cố gắng vung cả 2 tay từ trước ra sau khi đi bộ. Điều này sẽ giúp người bệnh Parkinson giữ thăng bằng tốt hơn, cải thiện dáng đi và giảm mệt mỏi.
- Nên cố gắng nâng chân cao hơn khi đi bộ, tránh lê chân trên mặt đất vì điều này dễ khiến bạn mất thăng bằng.
- Khi có ý định thay đổi hướng đi, bạn nên cố đi vòng theo hình chữ “U” về phía trước và rẽ rộng hơn, thay vì thay đổi hướng đi một cách đột ngột.
- Cố gắng đứng với 2 bàn chân rộng bằng vai. Thu hẹp khoảng cách giữa 2 bàn chân có thể làm tăng nguy cơ mất thăng bằng, dễ dẫn tới té ngã.
- Người bệnh Parkinson không nên cố gắng làm nhiều việc cùng lúc. Hạn chế vừa đi vừa nhìn ngó xung quanh vì điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động. Bạn nên tập trung khi đi bộ để có thể giữ thăng bằng tốt hơn.
- Không nên đi giày có đế quá dày, đế bằng cao su vì chúng có thể làm tăng nguy cơ té ngã.
- Người bệnh Parkinson nên chú ý di chuyển chậm mỗi khi thay đổi tư thế. Ví dụ, bạn nên chờ khoảng 15 giây sau khi đứng dậy, trước khi bắt đầu đi bộ.
- Cân nhắc sử dụng gậy chống, khung tập đi… nếu cần.
Người bệnh Parkinson cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ, kết hợp với các biện pháp sau đây để làm mềm cơ, tăng cường khả năng vận động của cơ thể:
- Tập luyện hàng ngày: Nên chọn các bài tập đơn giản như tập nhấc cao chân, đi bộ chuyển trọng lượng trái phải khi di chuyển 2 chân… Luyện tập thường xuyên là cách giúp máu lưu thông, các cơ bắp được hoạt động, hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
- Duy trì chế độ ăn khoa học: Người bệnh Parkinson nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tối thiểu là 5 - 6 bữa trong ngày, chia đều lượng thức ăn trong ngày. Nên ăn nhiều rau xanh, các loại hoa quả bổ sung chất chống oxy hóa, quả hạch và dầu từ thực vật. Chọn đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa, chế biến các món như luộc, hấp.
- Cải thiện tâm trạng: Lo lắng sẽ làm bệnh Parkinson nặng hơn. Nên duy trì không khí gia đình thoải mái, tránh cáu giận hoặc khiến người bệnh cảm giác họ là gánh nặng trong gia đình.
- Sử dụng thảo dược tăng cường dopamine cho não bộ: Sự thiếu hụt dopamine trong bệnh Parkinson chính là nguyên nhân gây co cứng cơ, run chân tay, vận động chậm chạp. Bạn có thể tăng cường nồng độ dopamine bằng cách sử dụng các thảo dược như thiên ma, câu đằng, đinh lăng, câu kỷ tử, nhục thung dung,...
Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng té ngã dù đã áp dụng các biện pháp trên, người bệnh Parkinson nên trao đổi lại với bác sỹ để tối ưu hóa các phương pháp điều trị. Bạn cũng có thể làm việc với các chuyên gia vật lý trị liệu nếu cần thực hiện các bài tập, dùng các thiết bị hỗ trợ khác để đảm bảo an toàn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh