✴️ Các giai đoạn của Parkinson: Các dấu hiệu và triệu chứng

Nội dung

Bệnh Parkinson bao gồm những giai đoạn nào?

Bệnh Parkinson được chia thành 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có các triệu chứng với mức độ và biểu hiện khác nhau. Việc chia bệnh thành các giai đoạn giúp bác sĩ và người thân hiểu và giải quyết một số khó khăn mà người bệnh đang gặp phải khi bệnh tiến triển.

Giai đoạn 1

Trong giai đoạn đầu của bệnh Parkinson, các triệu chứng thường không nghiêm trọng. Người bệnh có thể thực hiện các công việc hàng ngày một cách bình thường, vì vậy nhiều dấu hiệu và triệu chứng của giai đoạn 1 có thể bị bỏ qua.

Một số dấu hiệu và triệu chứng của giai đoạn này bao gồm những thay đổi về:

  • Tư thế;
  • Nét mặt;
  • Di chuyển.

Ngoài ra, một người có thể bị run nhẹ ở một bên của cơ thể. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ở giai đoạn này để giúp kiểm soát các triệu chứng.

Giai đoạn 2

Các triệu chứng run và cứng khớp ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể trong giai đoạn 2 của bệnh và dễ nhận thấy hơn nhiều. Độ cứng khớp tăng lên gây khó khăn trong các hoạt động khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống độc lập, tùy theo độ tuổi và các yếu tố sức khỏe liên quan khác.

Các vấn đề về di chuyển, giao tiếp và hoạt động thường dễ nhận thấy hơn trong giai đoạn 2 của Parkinson.

Giai đoạn 3

Bệnh Parkinson giai đoạn 3 hoặc giai đoạn giữa được đặc trưng bởi sự gia tăng các triệu chứng. Ngoài các triệu chứng của giai đoạn 2, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Vấn đề với sự cân bằng;
  • Chuyển động chậm;
  • Phản xạ chậm.

Người bị Parkinson giai đoạn 3 thường xuyên gặp phải các vấn đề khi di chuyển như té ngã, các hoạt động phối hợp như mặc quần áo và các công việc tự chăm sóc khác có thể trở nên khó khăn hơn.

Điều trị ở giai đoạn này thường bao gồm cả thuốc và vật lý trị liệu. Một số người đáp ứng tốt với điều trị, trong khi những người khác có thể không thấy cải thiện nhiều.

Giai đoạn 4

Trong giai đoạn 4 của Parkinson, các hoạt động hàng ngày có thể khó khăn hoặc thậm chí là không thể thực hiện được. Có khả năng một người sẽ cần sự hỗ trợ từ người thân trong việc chăm sóc hàng ngày.

Những người ở giai đoạn này có thể tự đứng được nhưng có thể cần đến khung tập đi hoặc dụng cụ hỗ trợ khác để đi lại.

Giai đoạn 5

Giai đoạn 5 là giai đoạn cuối cùng và suy nhược nhất của bệnh Parkinson. Người bệnh sẽ không thể đứng hoặc đi lại. Tùy theo độ tuổi và sức khỏe có thể phải nằm liệt giường hoặc sử dụng xe lăn để di chuyển.

Không giống như các giai đoạn trước, người bệnh sẽ cần sự hỗ trợ của y tế liên tục nhằm giúp người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày và ngăn ngừa các tình huống nguy hiểm hoặc tai nạn xảy ra. Trong giai đoạn 5, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Ảo giác, hoang tưởng;
  • Chứng mất trí nhớ;
  • Phản ứng kém với thuốc;
  • Lú lẫn.

các giai đoạn của bệnh parkinson

Các dấu hiệu và triệu chứng

Các triệu chứng chính của bệnh Parkinson bao gồm:

  • Khó khăn trong chuyển động chậm theo yêu cầu (bradykinesia);
  • Run tay, chân không chủ động;
  • Tay, chân co cứng;
  • Khó khăn trong cân bằng hoặc đứng lên.

Nhiều người thường tập trung vào các triệu chứng thể chất hoặc vận động của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, cũng có một số triệu chứng không do vận động liên quan đến bệnh. Các triệu chứng không liên quan đến vận động bao gồm:

  • Vấn đề với thị lực, khứu giác;
  • Lo lắng, phiền muộn;
  • Mệt mỏi, mất ngủ;
  • Thay đổi nhận thức, chẳng hạn như mất trí nhớ hoặc suy nghĩ chậm;
  • Các vấn đề trong lời nói;
  • Táo bón;
  • Khó nuốt.

Thông thường, các triệu chứng của Parkinson ban đầu chỉ hơi khó chịu nhưng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

Thang đánh giá các giai đoạn của Parkinson

Một bác sĩ thường sẽ tham khảo một thang điểm khi thảo luận về bệnh Parkinson với một cá nhân. Thang điểm được sử dụng để giúp xác định sự tiến triển của bệnh.

Như đã đề cập ở trên, các giai đoạn đánh giá nhằm theo dõi tình trạng tiến triển hoặc thoái lui của bệnh. Các thang điểm đánh giá dựa trên các triệu chứng vận động và không vận động. Có hai loại thang đo phổ biến mà bác sĩ sử dụng:

  • Thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS);
  • Đánh giá theo giai đoạn Hoehn và Yahr.

Thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (UPDRS)

UPDRS là một công cụ toàn diện được sử dụng để xem xét nhiều loại triệu chứng. Một số triệu chứng mà nó đánh giá bao gồm:

  • Hoạt động trí óc;
  • Tâm trạng;
  • Sự giao tiếp xã hội;
  • Vận động.

Việc xem xét nhiều loại triệu chứng giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về cách bệnh Parkinson đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh mà không chỉ dựa vào khả năng vận động của họ.

Đánh giá theo giai đoạn Hoehn và Yahr

Các giai đoạn Hoehn và Yahr là một thang đo tương đối đơn giản, tập trung vào sự tiến triển của các triệu chứng vận động. Các triệu chứng vận động được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 5 điểm. Quy mô rất giống với năm giai đoạn của bệnh Parkinson:

  • 1–2 điểm là giai đoạn đầu;
  • 2–3 điểm là giai đoạn giữa;
  • 4–5 điểm được coi là giai đoạn tiến triển.

Tiến triển của Parkinson như thế nào?

Hiện tại, các bác sĩ và nhà nghiên cứu sử dụng một lý thuyết được gọi là giả thuyết của Braak. Giả thuyết này cho rằng bệnh Parkinson bắt đầu ở một vài phần của hệ thần kinh trung ương bao gồm:

  • Hệ thống thần kinh ruột;
  • Tủy;
  • Hành khứu giác.

Hành khứu giác ảnh hưởng đến các hoạt động của khứu giác, vì vậy các nhà nghiên cứu phân tích sự thay đổi của khứu giác như một dấu hiệu phát hiện sớm của bệnh.

Giả thuyết của Braak giải thích thêm rằng bệnh Parkinson tác động đến vùng chất đen và vỏ não, ảnh hưởng đến các cử động khi bệnh đã tiến triển. Những thay đổi ở các vùng não này gây ra các triệu chứng vận động và không vận động khác của bệnh trong giai đoạn sau.

Tổng kết

Hiện tại, không có phương pháp chữa khỏi bệnh Parkinson. Sau khi chẩn đoán, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và các liệu pháp nhằm điều trị các triệu chứng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.

Khi bệnh tiến triển, chất lượng cuộc sống người bệnh có thể bị suy giảm do các hoạt động thường ngày bị hạn chế như khả năng ăn, nuốt hay di chuyển.

Mặc dù Parkinson không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng người bệnh có thể gặp các biến chứng đe dọa tính mạng như mắc nghẹn thức ăn hoặc té ngã. Vì vậy sự hỗ trợ từ người thân cũng như từ các y bác sĩ là vô cùng cần thiết.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

return to top